Tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất thêm gói bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện, do các cơ sở kinh doanh bảo hiểm thực hiện đối với các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Điều này để đa dạng hóa các gói quyền lợi theo nhu cầu và khả năng của người dân.
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã nêu 3 phương án được đề xuất về bảo hiểm y tế bổ sung.
Bộ Y tế cho biết, trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam, hiện chi từ tiền túi của người dân cho y tế tương đối cao, khoảng 43%. Điều này là gánh nặng chi phí với người bệnh.
Phương án 1: Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc giao Chính phủ quy định về bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện, do các cơ sở kinh doanh bảo hiểm thực hiện đối với các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, để đa dạng hóa các gói quyền lợi theo nhu cầu và khả năng của người dân.
Dự thảo luật quy định giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định về gói quyền lợi bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện.
Phương án 2: Quy định cụ thể về bảo hiểm y tế bổ sung, theo hướng người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện tự nguyện mua thêm các gói bảo hiểm y tế bổ sung theo nhu cầu.
Đơn cử như: Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho phần cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho chi phí khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến, các dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế được quỹ hiểm y tế chi trả theo tỷ lệ; Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho các dịch vụ ngoài phạm vi Quỹ Bảo hiểm y tế…
Các gói này sẽ do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp, để được hưởng gói quyền lợi bổ sung ngoài quyền lợi của bảo hiểm y tế bắt buộc. Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung là phi lợi nhuận.
Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định về bảo hiểm y tế bổ sung.
Đánh giá về 3 phương án bảo hiểm y tế bổ sung, Bộ Y tế cho biết, trong 3 phương án, phương án 1 và 2 có tác động tích cực về kinh tế đối với cả Nhà nước và Quỹ bảo hiểm y tế; tạo nguồn thu tăng cho Quỹ Bảo hiểm y tế và tiết kiệm chi cho ngân sách. Đồng thời, còn tăng thu ngân sách thông qua thuế từ lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm y tế thương mại.
Hai phương án này cũng giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước do các cơ sở khám chữa bệnh có thêm nguồn tài chính đầu vào từ việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thương mại của người dân.
Bên cạnh đó, phương án 1 và 2 còn giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân, cũng như cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, người dân sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khi đi khám chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi, góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi, hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.
Phương án 1 và 2 còn có tác động tích cực đến doanh nghiệp bảo hiểm, khi họ có thêm các hợp đồng bảo hiểm bổ sung, tạo thêm doanh thu đối với ít nhất khoảng 1 triệu người tham gia bảo hiểm bổ sung.
Theo Bộ Y tế, phương án 1 và 2 vượt trội hoàn toàn so với phương án 3, vì phương án 3 giữ nguyên hiện trạng pháp luật nên không làm tăng nguồn thu, ngược lại còn tốn thêm chi phí để giải quyết các vấn đề sức khoẻ, xã hội, do một bộ phận người dân không tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Tuy nhiên, thực hiện phương án 2 với quy định doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung không vì mục đích lợi nhuận, Nhà nước sẽ cần giải quyết phản ứng của doanh nghiệp về quy định này. Do đó, khi so sách giữa tác động tích cực và tiêu cực của các phương án, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn phương án 1 trong 3 phương án về gói bảo hiểm y tế bổ sung.