Trên thực tế thì độ vài năm trở lại đây, các chuyến đi của nhiều danh thủ thế giới tới Việt Nam ngày một nhiều hơn, từ David Beckham tới Vicente Kompany, Coles…Cũng đã có hai “ông lớn” châu Âu đặt chân tới mảnh đất hình chữ S, là Arsenal năm 2013 và sau đó là Manchester City năm 2015.
Điểm chung của những chuyến đi này là đều nằm trong kế hoạch quảng bá thương hiệu của các tập đoàn hoặc doanh nghiệp liên quan. Như năm 2013 khi Arsenal tới Việt Nam, ngân hàng Eximbank và HAGL của bầu Đức là những bên đứng ra “đạo diễn” còn thương Manchester City gắn với tên ông bầu Đỗ Quang Hiển.
Chuyến đi của Giggs và Scholes tới Việt Nam lần này không ngoài mục tiêu trên. Sự xuất hiện của hai cựu danh thủ MU đã làm bật lên thương hiệu của PVF, Quỹ đầu tư phát triển bóng đá trẻ do Vingroup thành lập nên. Mặc dù vậy, điểm nhấn của thương vụ lần này là thay vì “lướt” qua Việt Nam trong một thời gian ngắn, cả Giggs và Scholes sẽ gắn bó nhiều hơn bằng bản hợp đồng ràng buộc đào tạo trẻ với PVF. Cụ thể, Giggs sẽ tham gia hỗ trợ “lò” đào tạo trẻ này với chức danh GĐKT. Sát cánh với anh sẽ là người đồng đội một thời ở MU, Paul Scholes. Kiến thức được truyền lại từ thời Sir Alex Fegurson được tin rằng sẽ giúp Giggs và Scholes đưa PVF trở thành một trong những lò đào tạo trẻ hàng đầu của Việt Nam, bên cạnh những HAGL hay Viettel, CLB Hà Nội.
Trên thực tế, cái tên PVF có thể còn xa lạ với giới mộ điệu, nhưng lại không còn mấy lạ với giới chuyên môn bóng đá trong nước. Từ vài năm trở lại đây, những gương mặt trẻ do VPF đào tạo nên đã xuất hiện ngày một nhiều ở các đội tuyển trẻ quốc gia, điển hình là bộ đôi Bùi Tiến Dũng-Bùi Tiến Dụng ở đội tuyển U19 Việt Nam. Sự xuất hiện của PVF trong làng bóng đá quốc nội bỗng nhiên khiến cho mức độ cạnh tranh giữa các lò đào tạo trở nên quyết liệt nhưng cũng hấp dẫn hơn. Một cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng nói như lãnh đạo một lò đào tạo ở miền bắc, không hề kém gay cấn như sân cỏ V-League.
Trong bối cảnh trên, sự xuất hiện của Giggs và Scholes ở PVF khiến cho lần đầu tiên, người hâm mộ bóng đá Việt Nam cảm nhận được cuộc đua ở cấp độ trẻ. Người ta cũng nhận ra là bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt, mà chỉ cần thêm một cú hích, có thể chạm tới thành công trong dài hạn. Từ rất lâu, đào tạo trẻ bị xem là điểm yếu cố hữu của các CLB Việt Nam. Do mải chạy theo thành tích ở V-League, rất ít đội bóng chịu chi tiền đầu tư cho đào tạo trẻ. Ngay cả những “ông lớn” với nguồn ngân sách dồi dào, thì việc bỏ tiền mua ngôi sao về vẫn được ưu tiên thay vì chăm bẵm cho lứa trẻ, vốn có thể chỉ thu hồi được vốn sau trên dưới chục năm. Nói như cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam A.Riedl trước đây, thì bóng đá Việt Nam đang “xây nhà từ nóc” khi bỏ bê hẳn khâu đào tạo trẻ.
Và bài toán tiền đâu?
PVF đã phát triển rất nhanh với sự hẫu thuận về tài chính của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. HAGL cũng đạt được thành công nhất định khi cho ra lò những gương mặt xuất sắc như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…Tương tự, Viettel hay CLB Hà Nội đều ổn định với nguồn ngân sách được đảm bảo từ nhà đầu tư.
Tuy nhiên với nhiều địa phương khác, ngân sách cho đào tạo trẻ vẫn là bài toán nan giải. Trong độ năm năm trở lại đây, Sông Lam Nghệ An đã không còn giới thiệu được gương mặt trẻ nào thực sự xuất chúng, như cách bóng đá xứ Nghệ từng sản sinh ra nhiều cầu thủ lớn. Nam Định, Đồng Tháp là những ví dụ khác cho thấy sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp, ở góc độ nào đó, không phải là cuộc chơi của kẻ nghèo.
Ở cấp độ quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam hiện đang có 6 đội tuyển, trong đó 4/6 là các đội trẻ, giành quyền tham dự giải châu Á. Đây là minh chứng cho thấy thành công bước đầu của bóng đá Việt Nam khi xác định được hướng đi mang tính dài hạn, đầu tư cho đào tạo trẻ. Tuy nhiên cùng với đó là nỗi lo “tiền đâu?” để phục vụ cho dồn dập 6 đội tuyển chỉ trong 1 năm. Trong bối cảnh V-League, “miếng bánh” lớn nhất đang trong tay của VPF, các lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam hiên đang “vò đầu, bứt tai” nghĩ cách giải bài toán về kinh phí. Bảy mươi tỉ đồng, như dự toán ban đầu của VFF, là con số quá lớn nếu so với ngân quỹ thường xuyên chấp chới ngưỡng âm của VFF hiện nay.
Sự hạn chế về tài chính trong bối cảnh không thể trông đợi vào ngân sách nhà nước khiến cho giấc mơ “hoá rồng” của bóng đá Việt Nam dựa trên những thành tựu của bóng đá trẻ hiện thời đứng trước những thách thức thực sự, đối với cả VFF và các địa phương.
Giggs, Scholes đến Việt Nam có thể là một điểm nhấn để bóng đá Việt thực sự chăm chút cho đào tạo trẻ nhiều hơn. Và từ đây, những người làm bóng đá ắt phải nghĩ đến những bài toán khác, đầu tiên chính là “tiền đâu”.