'Bóng hồng' làm công việc của nam giới

'Bóng hồng' làm công việc của nam giới

Ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), ngày cũng như đêm, lẫn trong hàng trăm đàn ông làm bảo vệ là những phụ nữ nhỏ nhắn cùng thâu đêm canh gác. Họ làm việc liên tục suốt 10-12 tiếng, và ngay cả khi bóng công nhân cuối cùng ra khỏi nhà máy trở về nhà, họ vẫn đứng đó, cần mẫn với công việc vốn chỉ dành cho phái mạnh.

______________________

'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 1

Ba giờ sáng cuối tuần, gió mùa đông bắc ập xuống Bắc Bộ, cái lạnh se sắt chừng 10 độ bủa vây khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (sinh năm 1982) – bảo vệ tại công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam lặng lẽ pha thêm một ấm trà để chống đỡ cơn buồn ngủ. Phương mở cửa cabin bảo vệ ở cổng số 1, ra ngoài rửa mặt cho tỉnh táo rồi đi quanh khu vực công ty trải dài trên 10ha. Ca trực vẫn còn 4 tiếng nữa. Theo đặc thù của công việc, ban ngày mỗi ca trực của đội bảo vệ có 9 người tất thảy, trong đó có 3 nữ, nhưng ban đêm rút gọn còn 7 người, và chỉ có 1 nữ, nên Phương phải luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cách đây 7 năm, hồi năm 2016, từ Yên Bái chân ráo chân ướt xuống Hà Nội, trải qua đủ thứ nghề từ phục vụ, bồi bàn đến giúp việc, Nguyễn Thị Thanh Phương quyết định gõ cửa Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Tân Trào. Hồi đó Phương tặc lưỡi, làm bảo vệ 1-2 năm rồi sẽ tìm một công việc khác yên ổn và nữ tính hơn. Chị dự định sẽ tìm cho mình một chỗ đứng ổn định giữa Thủ đô hoa lệ sau khi có một số vốn nho nhỏ từ công việc bảo vệ “bất đắc dĩ”.

Nhưng cái tặc lưỡi ấy đến nay đã 7 năm, cô gái Yên Bái ấy vẫn chưa có ý định đổi nghề, lặng lẽ với cuộc sống độc thân. Hiện Phương vẫn tất bật với những ca trực 12 tiếng tại công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Ngày cũng như đêm, hôm thì bắt đầu từ 7 giờ sáng, hôm lại bắt đầu từ 7 giờ tối, và ca trực cần sự minh mẫn liên tục 12 tiếng không được lơ là.

'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 2

Phương kể, đầu quân cho một công ty bảo vệ, lúc đầu chị cứ nghĩ lĩnh vực này toàn nam giới, nhưng may mắn vẫn có không ít phụ nữ lựa chọn. Vậy là Phương yên tâm theo nghề, tham gia những khóa tập huấn bài bản của công ty bảo vệ Tân Trào, từ cách giao tiếp, ứng xử, tác phong chuẩn chỉnh ra sao đến các bài võ thuật cơ bản, rồi hàng loạt kỹ năng cần phải có của người bảo vệ như: chống bạo loạn gây rối trật tự xã hội, cứu nạn cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, xử lý tình huống đột ngột phát sinh…

“Mình chọn nghề rồi nghề lại chọn mình. Chưa được học bài bản bất cứ ngành nghề nào, qua các khóa đào tạo chuyên nghiệp và bài bản của công ty, tôi nhận ra, nghề nào cũng phải học hành nghiêm túc, có trách nhiệm với nghề. Làm bảo vệ lại càng phải tập huấn thường xuyên, phải học hỏi, thực hành các kỹ năng thuần thục, thực sự hiểu nghề mới sống được với nghề” – Phương nói.

Gần chục năm với nghề, Phương và nhiều đồng nghiệp thấm thía: nghề bảo vệ là một trong những nghề đối mặt với nhiều mặt trái nhất của xã hội, va chạm với mọi đối tượng từ kẻ gian nguy hiểm đến dân chợ búa, đội quân cho vay nặng lãi… Không ít khách hàng đến làm việc tại công ty Yamaha có thái độ không đúng mực, thậm chí gây hấn với Phương, nhưng chị luôn mềm mỏng nhất có thể. Chị kể, “nhiều lúc thấy chạnh lòng, tủi thân ghê gớm, ở nhà chưa bao giờ bị ai chỉ tay thẳng mặt rồi lớn tiếng dọa nạt mà khi bước vào nghề, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mình phải luôn giữ sự bình tĩnh, khôn khéo của người phụ nữ để “hạ hỏa” đối tượng, nhẹ nhàng tuyên truyền để không gây ra mâu thuẫn căng thẳng”.

Sau chừng ấy năm, có lẽ Phương đã thực sự “chín” với nghề. Mọi góc khuất tăm tối nhất của nghề bảo vệ, Phương đều đã nếm trải. Nhưng Phương bảo, dù đã tìm được công ty khác, với vị trí khác, nhưng Phương vẫn gắn bó ở đây, gắn bó với công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Tân Trào, với anh em đồng nghiệp nam giới như một mái ấm gia đình, nơi đã cưu mang cô từ những ngày đầu bỡ ngỡ xuống Hà Nội.

'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 3
'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 4

Là đồng nghiệp của Phương, chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1975), một người dân địa phương sống ở Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội quyết định chọn công việc bảo vệ ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long vì gần nhà.

Dáng chị mảnh khảnh, gầy gò, nhưng tác phong làm việc vô cùng rắn rỏi và hoạt bát. So với Phương, chị được ăn học đầy đủ hơn, là cử nhân Luật với chiếc bằng sáng giá trong tay. Nhưng dòng đời xô đẩy, chị không kiếm được việc đúng ngành, chị ở lại địa phương làm Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Đại Mạch, rồi làm trải qua nhiều vị trí mẫn cán khác ở xã Đại Mạch: Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã… Nhưng những vị trí ấy không giúp chị có đủ kinh tế để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị mạnh dạn xin làm bảo vệ. “Cứ nghĩ chỉ tạm thời, vậy mà cũng đã 9 năm” – chị trầm ngâm nói.

Chị Huệ kể, đặc thù công ty hoạt động 3 ca mỗi ngày, mỗi ca chừng 700-800 công nhân. Trước kia, khi công nghệ chưa phủ sóng, bảo vệ phải viết vé gửi xe mỏi nhừ tay. Lúc nào cũng phải căng mắt, căng não bao quát toàn bộ vòng ngoài vòng trong khuôn viên công ty. “Đến khi không mỏi tay viết vé nữa, thì có dịch bệnh COVID-19, ngày nào cũng mỏi tay đo thân nhiệt cho công nhân” – chị Huệ cười.

Giai đoạn cả Thủ đô giãn cách vì dịch bệnh hồi năm 2021, khu công nghiệp Bắc Thăng Long thực hiện quy định 3T, cho công nhân sản xuất làm việc tại công ty. Nghìn công nhân ăn ngủ tại chỗ khiến công việc của đội bảo vệ tăng lên gấp nhiều lần. Khoác bộ áo bảo hộ phòng dịch kín như bưng, chị Huệ đã có lúc tưởng ngộp thở giữa trời nắng 40 độ C. Đã có lúc cả đội bảo vệ không ai nuốt nổi cơm, tay chân mỏi nhừ vì phải dã chiến đi lần lượt các dây chuyền, khu vực, sân bãi… test COVID-19 cho 800 công nhân mỗi ngày. “May mắn không ai trong đội bảo vệ dính COVID-19, đảm bảo quân số trực ca mỗi ngày. Quãng thời gian ấy không thể nào quên” – chị Huệ tâm sự.

'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 5
'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 6

Câu nói thật nhưng ẩn chứa tất cả sự đồng cảm sâu sắc mà anh Trương Văn Phương – Đội trưởng đội bảo vệ ở công ty Yamaha dành cho các chị em phụ nữ làm công việc bảo vệ.

Theo anh Phương, nam giới không phải ai cũng làm được bảo vệ, huống chi phụ nữ. “Áp lực công việc vô cùng lớn, anh em trong đội rất chia sẻ với những vất vả mà chị em phụ nữ phải đối mặt. Thức xuyên đêm canh gác, đứng bao quát gần 1.000 công nhân mỗi ca làm, xử lý những đối tượng gây rối... là công việc không phải người đàn ông nào cũng làm được, nhưng Phương và Huệ luôn cố gắng làm tốt công việc để không làm ảnh hưởng đến cả đội cũng như chất lượng công việc mà công ty giao phó”.

Chị Thanh Phương cười vui, chẳng có công việc gì phụ nữ không làm được, chỉ cần luôn nỗ lực với tinh thần cao nhất. Với chị, “công việc nào cũng có áp lực và nguy cơ cơ tiềm ẩn, nhưng mỗi lần vượt qua tình huống xấu, mình lại thấy càng trưởng thành hơn”.

Ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long với gần một trăm công ty đóng trên địa bàn, hàng vạn công nhân giao ca mỗi ngày, ngoài Phương và Huệ, vẫn có không ít chị em phụ nữ cần mẫn ngồi cabin canh gác. Đó là nụ cười nhiệt tình của chị bảo vệ tên Bùi Thị Hải ở công ty TNHH Molex Việt Nam giúp xoa dịu căng thẳng cho anh em công nhân, là sự tận tâm của chị Minh An, Đỗ Dung ở Công ty TNHH Canon Việt Nam trong mỗi lần hướng dẫn đối tác đến giao dịch... Những người phụ nữ ấy, song hành với thiên chức làm mẹ, làm vợ, họ vẫn luôn cố gắng tìm chỗ đứng phù hợp cho mình, với công ăn việc làm ổn định, với bản lĩnh can đảm vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Gặp phóng viên báo chí, các chị lúc nào cũng đon đả, và chào mọi người với nét mặt tươi tắn nhất, bởi với các chị, ngại gì mà không làm bảo vệ!.

'Bóng hồng' làm công việc của nam giới ảnh 7

Bài: Việt Đan

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.