Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al Qaeda, mới đây đã bị tiêu diệt tại Afghanistan. Trong 20 năm, sự nổi lên của các thủ lĩnh thánh chiến (jihad) khét tiếng nhất thế giới Hồi giáo, bao gồm Abu Musab al-Zarqawi, Osama bin Laden, Abu Bakr al-Baghdadi và Anwar al-Awlaki, đều bị dập tắt bởi quân đội Mỹ. Nhưng Zawahiri lại là kẻ sống sót sau cùng, có lúc tưởng như trùm khủng bố gốc Ai Cập này là bất khả xâm phạm đối với máy bay không người lái và mạng lưới tình báo Mỹ.
Cho đến Chủ nhật vừa qua, Zawahiri đã phải hứng chịu kết cục tương tự như người tiền nhiệm Osama bin Laden. Được biết, hai quả tên lửa đã bắn trúng vào ban công nơi Zawahiri đang đứng, tại một căn nhà ở thành phố Kabul. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã thông báo về kết quả cuộc không kích trên sóng truyền hình vào tối thứ Hai, cuộc tấn công không gây ra thương vong dân sự nào khác ngoài Zawahiri.
Đối với Mỹ, việc tiêu diệt thành công Zawahiri đã đặt dấu chấm hết cho một chương trong cuộc chiến chống khủng bố do nước này khởi xướng sau vụ khủng bố 11/9, ngay cả khi vai trò của Zawahiri trong việc lên kế hoạch cho loạt vụ tấn công đó đôi khi đã bị phóng đại. Ngoài ra, việc Zawahiri đang ở Kabul và tình báo Mỹ biết về thông tin này đã làm sống lại các cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài về quyết định rút quân khỏi Afghanistan và cách tiếp cận với chế độ Taliban.
Đối với al Qaeda, cái chết của Zawahiri đặt ra thách thức trước mắt và ngắn hạn như chọn người kế vị, hay khó khăn hơn, lâu dài hơn đó là giải quyết hàng loạt căng thẳng và mâu thuẫn nội bộ mà tổ chức này đã che đậy trong nhiều năm.
Bác sĩ thánh chiến
Sinh năm 1951 ở ngoại ô Cairo, Ayman al-Zawahiri xuất thân từ một gia đình Ai Cập giàu có và danh giá. Cha của ông, Muhammad, là một bác sĩ phẫu thuật, ban đầu Ayman al-Zawahiri được cho là sẽ nối nghiệp cha, sau khi tốt nghiệp Đại học Cairo với tấm bằng y khoa vào năm 1974.
Tuy nhiên, Zawahiri lại chọn đi theo con đường đấu tranh chính trị, thể hiện bằng cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính phủ Ai Cập lúc bấy giờ, mà theo ông ta là một chính quyền hủ bại khi không áp dụng luật sharia và có quan hệ thân thiện với các quốc gia vô đạo, bao gồm cả Israel.
Hệ tư tưởng thánh chiến này đã dẫn đến vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat vào năm 1981, một sự kiện mà Zawahiri có dính líu, nhưng không đóng vai trò thực sự nào. Sau khi ngồi tù khoảng 4 năm, trong thời gian bị tra tấn và buộc phải làm chứng chống lại các chiến hữu, Zawahiri nổi lên vào cuối những năm 1980 với tư cách là thủ lĩnh của nhóm khủng bố Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập (EIJ) với mục tiêu lật đổ chính phủ Ai Cập. Trong thập niên 1990, Zawahiri tị nạn ở Afghanistan và kết thân với bin Laden, cuối cùng sáp nhập EIJ với al Qaeda. Việc hợp nhất hai tổ chức này chính thức diễn ra vào tháng 6 năm 2001, ngay trước khi xảy ra vụ tấn công 11/9, khai sinh ra tổ chức Qaedat al-Jihad, hay al Qaeda như hiện tại.
Tại Afghanistan, Zawahiri sẽ từ bỏ chiến lược thánh chiến trong khu vực để ủng hộ cuộc chiến toàn cầu do bin Laden theo đuổi, người cho rằng tấn công Mỹ và phương Tây là điều kiện tiên quyết cho cuộc cách mạng trong thế giới Hồi giáo. Khái niệm này là cơ sở cho các cuộc tấn công 11/9 và tiếp tục được al Qaeda tuyên truyền sau đó, mặc dù nhóm này đã không thực hiện thành công chiến lược trong 20 năm qua, kể cả dưới sự lãnh đạo của Zawahiri.
Zawahiri được coi là một học giả thánh chiến, với khả năng sáng tác các nội dung liên quan tới lịch sử và tôn giáo. Chúng bao gồm một cuốn hồi ký 500 trang có tựa đề "Các hiệp sĩ dưới ngọn cờ của Nhà tiên tri" và một cuốn sách dày 850 trang về lý thuyết chính trị Hồi giáo, cũng như lịch sử nỗ lực truyền giáo của phương Tây ở Trung Đông.
Ông cũng để lại một bộ sưu tập khá lớn các bài phát biểu và bài giảng được ghi hình hoặc thu âm với tổng thời lượng hàng trăm giờ. Tuy nhiên, việc Zawahiri thiếu sức hút với các tín đồ thánh chiến do ông không phải một nhà hùng biện bẩm sinh.
Zawahiri làm việc năng suất đến mức người ta tự hỏi làm thế nào ông ta có thời gian để điều hành các công việc của một tổ chức khủng bố toàn cầu, một sự thật nói lên khía cạnh gây tranh cãi nhất trong di sản của ông ta: sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (ISIS), dẫn đến việc al Qaeda mất ngôi vị tổ chức thánh chiến có ảnh hưởng nhất thế giới. Khi Zawahiri nắm quyền lãnh đạo al Qaeda sau cái chết của bin Laden vào năm 2011, ông không được xem là thủ lĩnh của phong trào thánh chiến toàn cầu.
Giữa năm 2013, Zawahiri bắt tay giải quyết tranh chấp giữa hai cấp dưới ở Iraq và Syria. Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố mở rộng chi nhánh của al Qaeda mà ông ta lãnh đạo, Nhà nước Hồi giáo Iraq, sang nước láng giềng Syria, thành lập cái mà ông ta gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và al-Sham.
Tuy nhiên, thủ lĩnh một nhánh của al Qaeda ở Syria có tên là Jabhat al-Nusra, phản đối sự bành trướng của ISIS, đã công khai kêu gọi Zawahiri can thiệp. Trong một lá thư được hãng thông tấn Al Jazeera thu được và công bố vào năm 2013, Zawahiri đã ra lệnh cho Baghdadi rút lại yêu sách và hạn chế các hoạt động ở Iraq. Nhưng Baghdadi đã khước từ và cho rằng mệnh lệnh này trái với luật sharia.
Không lâu sau đó, ISIS tuyên bố rằng Zawahiri và al Qaeda đã đi chệch khỏi con đường thánh chiến thực sự bằng cách mềm lòng với những thủ lĩnh Hồi giáo bội đạo và dòng Shiite, những người mà các chiến binh thánh chiến Sunni coi là tà giáo. Một năm sau, ISIS tuyên bố mình là một đế chế mới, chiếm giữ các thành phố lớn và vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria và thu hút sự chú ý của thế giới kéo theo sự gia nhập của hàng nghìn người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Hai năm sau, tổ chức Jabhat al-Nusra, chi nhánh của al Qaeda ở Syria, với tham vọng vươn thành một thế lực lớn trong cuộc nội chiến ở Syria, đã từ bỏ lời thề trung thành mà họ đã cam kết với Zawahiri. Cứ như vậy, al Qaeda đã mất đi sự hiện diện của mình trong lòng thế giới thánh chiến. Quyền lực của Zawahiri đã bị thách thức hai lần và đều không có phản ứng đáp trả thành công. Trong khi đó, cộng thêm sự suy giảm của al Qaeda là những cái chết của một số nhân vật cấp cao khi bị săn lùng bởi quân đội Mỹ.
Tất nhiên, không phải tất cả đều suôn sẻ đối với ISIS vào thời điểm này. Đến năm 2019, tổ chức này đã mất quyền kiểm soát tại Iraq và Syria, tới tháng 10 năm đó, ông trùm Baghdadi cũng đã bị tiêu diệt. Vào tháng 2 năm nay, thủ lĩnh mới của ISIS cũng chịu chung số phận như người tiền nhiệm.
Nơi trú ẩn an toàn
"Nhiệm kỳ" của Zawahiri không phải là một sự xáo trộn hoàn toàn. Dưới sự lãnh đạo của ông, các chi nhánh của al Qaeda ở Bắc Phi, Somalia và Yemen đã chống lại sự lôi kéo của ISIS và giữ vững trung thành, đồng thời các chi nhánh mới được thành lập ở Nam Á và Mali.
Nhưng ngay cả khi Zawahiri có thể khẳng định một thước đo thành công trong việc nắm giữ mạng lưới hiệu quả, không thể phủ nhận rằng ông ta đã lãnh đạo một thời kỳ mà al Qaeda đã bị đối thủ vượt mặt và chứng kiến vai trò lãnh đạo cốt lõi của nó bị suy tàn. Zawahiri cũng không đạt được mục tiêu chính của mình: tấn công nước Mỹ. Như học giả Nelly Lahoud đã chỉ ra, đầu não của al Qaeda đã không chỉ đạo một cuộc tấn công thành công khác nhắm vào nước Mỹ sau năm 2001.
Tuy nhiên, việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào tháng 8 năm 2021 dường như có thể đảo ngược vận mệnh của al Qaeda. Al Qaeda ca ngợi việc khôi phục quyền cai trị của Taliban là một chiến thắng ấn tượng vì mục tiêu thánh chiến toàn cầu, nhiều người lo lắng rằng Taliban sẽ cung cấp nơi trú ẩn để nhóm này củng cố và tái thiệt.
Những lo lắng đó chắc chắn là chính đáng, mặc dù mối quan hệ của al Qaeda với Taliban rất phức tạp. Như Lầu Năm Góc đã báo cáo gần đây: "Trong khi các thủ lĩnh của al-Qaeda có mối quan hệ lâu dài với các thủ lĩnh cấp cao của Taliban, nhóm này vẫn duy trì khả năng đi lại và huấn luyện trong phạm vi Afghanistan và có khả năng bị hạn chế do những nỗ lực của Taliban nhằm đạt được tính hợp pháp quốc tế."
Theo Lầu Năm Góc, những hạn chế đó có thể hết hạn "trong vòng 12 đến 24 tháng tới", nhưng chúng phản ánh thực tế rằng mặc dù lợi ích của các nhóm thường chồng chéo lên nhau, nhưng chúng không giống nhau. Al Qaeda tìm cách phá hủy hệ thống quốc tế nơi Taliban lại đang tìm cách gia nhập. Một trong những video cuối cùng của Zawahiri là lời chỉ trích được che đậy kín đáo nhắm vào Taliban vì đã tìm cách đại diện cho Afghanistan tại Liên Hợp Quốc, một tổ chức mà ông ta coi là cần bị tiêu diệt.
Mối quan hệ của al Qaeda với Taliban đã xuất hiện từ lâu. Các tài liệu thu hồi được từ nhà trú ẩn của bin Laden tại Pakistan, cho thấy ông ta quan ngại về giới lãnh đạo Taliban, vốn bị chia rẽ bởi những kẻ mộ đạo và một phe đạo đức giả có quan hệ với tình báo Pakistan sẵn sàng bán đứng al Qaeda.
Điều này lặp lại mối lo ngại của các chiến binh thánh chiến Ả Rập khác: vào cuối những năm 1990, chiến lược gia thánh chiến người Syria Abu Musab al-Suri phàn nàn rằng một phe của lãnh đạo Taliban không muốn tham gia cuộc thánh chiến toàn cầu và chỉ tìm cách tạo tạo ra một phe bảo thủ ở Afghanistan. Ban lãnh đạo ISIS đã có lập trường quyết đoán hơn, khi cho rằng Taliban không còn muốn dính líu tới chủ nghĩa thánh chiến. Kể từ khi cái chết của Zawahiri được công bố, những người ủng hộ ISIS trên mạng đã chế nhạo ông ta vì tin vào sự bảo vệ Taliban và cho rằng phong trào này đã bán đứng Zawahiri cho người Mỹ.
Thế nhưng những tuyên bố như vậy đã bị thổi phồng quá mức. Taliban không phải là một phong trào thân Mỹ và ban lãnh đạo của họ không muốn Zawahiri bị giết. Ngôi nhà nơi Zawahiri trú ẩn được cho là thuộc sở hữu của một phụ tá hàng đầu của Sirajuddin Haqqani - Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền Taliban và Zawahiri có thể đã đến đó theo lời mời của chủ nhà.
Nhưng có lẽ ai đó trong Taliban quan tâm đến khoản tiền 25 triệu USD mà Mỹ treo thưởng hơn là việc bảo vệ thủ lĩnh thánh chiến già cỗi. Việc Zawahiri ở Afghanistan kiểm soát đặt ra câu hỏi về những cam kết của Taliban trong việc ngăn chặn lãnh thổ của mình bị lợi dụng để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố. Nhưng thực tế là các lực lượng Mỹ có thể tiêu diệt trùm khủng bố ở Kabul làm dấy lên nghi ngờ về ý tưởng rằng Afghanistan có thể phục vụ như một nền tảng cho sự hồi sinh của al Qaeda, ngay cả khi Taliban cho phép điều đó xảy ra. Rõ ràng là Mỹ vẫn có tai mắt ở Afghanistan và rất nhiều cộng tác viên sẵn sàng cộng tác, có lẽ ngay cả trong nội bộ Taliban.
Người kế nhiệm
Thách thức lớn nhất mà al Qaeda phải đối mặt trong thời gian tới sẽ là tìm thủ lĩnh mới. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng, người tiếp theo là chiến binh thánh chiến trẻ tuổi gốc Ai Cập Saif al-Adel, người đã sống ở Iran ngay sau vụ tấn công 11/9. Sau hắn là Abd al-Rahman al-Maghrebi, con rể người Maroc của Zawahiri và là người đứng đầu các hoạt động truyền thông của al Qaeda.
Việc cả hai ứng viên đều ẩn náu ở Iran cũng là một vấn đề quan trọng. Sự hiện diện của Adel và Maghrebi tại Iran có thể ảnh hưởng tới khả năng kế tục sự nghiệp của Zawahiri. Iran bề ngoài là kẻ thù của al Qaeda, quốc gia của dòng Shiite đối lập với dòng Sunni. Sẽ là một sự khó chịu đối với al Qaeda khi thủ lĩnh tiếp theo của nhóm này lại đang thuộc diện quản thúc gần như tại gia ở Iran, điều này sẽ khuyến khích những nghi ngờ rằng nhóm này nằm dưới tay chính quyền Tehran.
Nếu vậy, thủ lĩnh tiếp theo sẽ đến từ một trong các chi nhánh của al Qaeda. Hai ứng viên khác, theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, là Yazid Mebrak ở Bắc Phi và Ahmed Diriye ở Somalia.
Nhưng ở Iran, Adel và Maghrebi, lâu nay hoạt động trong bóng tối, có thể không muốn giao quyền hành al Qaeda cho các chi nhánh trong khu vực. Cũng không có gì rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo chi nhánh sẽ quan tâm đến việc tiếp nhận vị trí thủ lĩnh, bởi họ đều chưa thể hiện cam kết đối với chiến lược “kẻ thù truyền kiếp” của Zawahiri.
Diễn biến tiếp theo trong nội bộ al Qaeda vẫn chưa rõ ràng. Nhóm này khó có khả năng sụp đổ, vì thương hiệu của nó vẫn cung cấp tính hợp pháp cho các nhóm thánh chiến trong thế giới Hồi giáo, cũng như cung cấp danh tính và lá cờ để tập hợp. Nhưng al Qaeda sẽ không còn có thể phớt lờ những vấn đề nhức nhối kể từ sau vụ tấn công 11/9: mối quan hệ không thuận lợi với Iran, sự thiếu tin tưởng và thiếu liên kết với một phần của Taliban, sự thiếu vắng một chiến lược chung giữa ban lãnh đạo và các chi nhánh. Điều hành một tổ chức toàn cầu gồm các chiến binh có ý thức hệ chưa bao giờ là dễ dàng và đối với al Qaeda, điều đó còn khó hơn nhiều.