Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hà Nội vừa ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020.
Văn bản của Sở yêu cầu 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học phải được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này.
Xử phạt học sinh bằng cách buộc thôi học đôi khi còn phản tác dụng. Ảnh: ĐSPL
Thoạt đầu, khi biết đến phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Quả thực, chẳng có con đường nâng cao nhận thức nào hiệu quả bằng con đường giáo dục!
Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Khi đọc đến những hình thức xử phạt, hình tượng về một phong trào thi đua tích cực trong tôi đã hoàn toàn sụp đổ. Bởi lẽ học sinh nào vi phạm luật an toàn giao thông nhiều lần, học sinh đó sẽ bị trả về gia đình tự kiểm điểm hoặc mức cao hơn là... buộc thôi học một tuần!
Thiết nghĩ, quyền được học tập là quyền cơ bản của trẻ. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho trẻ em thưc hiện quyền học tập, học hết chương trình giáo dục phổ cập và tạo điều kiện cho trẻ theo học ở trình độ cao hơn.
Vậy việc buộc trẻ thôi học một tuần vì vi phạm luật an toàn giao thông dường như đã đi ngược lại với những tiêu chí về quyền lợi mà nhà nước đã định ra cho những “mầm non tương lai” của đất nước.
Thứ hai, mặc dù hơi bi hài nhưng chúng ta phải công nhận rằng hiện nay, rất ít trẻ coi việc học là đam mê, là hứng thú. Hầu hết các em chỉ nghĩ đó là trách nhiệm, bắt buộc làm cho xong.
Thế nên mới có nhiều chuyện cười ra nước mắt khi thầy/cô giáo thông báo cho học sinh nghỉ học vì bị ốm hoặc nhà có chuyện mà học sinh hò reo trong vui mừng và hạnh phúc. Không phải vì các em ghét bỏ thầy/cô giáo mà đơn giản vì các em không thích đi học.
Vậy thì việc xử phạt bằng cách cho học sinh nghỉ học chẳng phải hơi... phản tác dụng khi muốn răn đe các em hay sao? Bởi vận động các em đi học, nâng cao ý thức trong học tập mới khó chứ buộc các em nghỉ với lý do vi phạm luật an toàn giao thông (đôi khi do khách quan) thì nhiều em lại chẳng vui mừng quá!
Vả lại, việc bắt học sinh nghỉ học cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Liệu trong một tuần tự kiểm điểm ở nhà đó, các em có học thuộc được luật giao thông, có tự trau dồi kiến thức ở nhà hay không hay lại nhàn cư vi bất thiện, lêu lổng, chơi bời?
Chẳng những thế, hình thức kỉ luật nặng nề như đình chỉ học sẽ khiến các em tự ti rằng mình là học sinh cá biệt, sau khi đi học lại sẽ khó hòa nhập với các bạn trong lớp. Một phần vì tâm lý như trên và một phần vì khó có thể theo kịp chương trình học.
Phải chăng chúng ta đang quá khắt khe với các em nhỏ khi người lớn mắc lỗi liên miên thì chỉ... rút kinh nghiệm còn học sinh lại buộc thôi học một tuần?
Tóm lại, thi đua để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia giao thông là đáng hoan nghênh nhưng nếu những quy định khen thưởng, xử phạt mà nóng vội, không hợp lý lại hoàn toàn gây ra những hiệu ứng trái ngược.
Vậy, rất mong Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cân nhắc lại những hình thức xử phạt chưa hợp lý để tránh những hệ lụy không mong muốn xảy ra.
*Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả
Bảo Trang