Cà Mau: Thích ứng biến đối khí hậu, phát triển bền vững từ sản xuất thuận thiên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại Cà Mau, giải pháp thuận thiên được áp dụng vào thủy sản, với các mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm-lúa, nuôi tôm-rừng kết hợp sò huyết, mô hình siêu thâm canh lót bạc tuần hoàn kín.
Cà Mau: Thích ứng biến đối khí hậu, phát triển bền vững từ sản xuất thuận thiên

Với điều kiện đặc thù, Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển nền sản xuất nông nghiệp, bên cạnh diện tích canh tác lớn là hàng loạt những sản phẩm chủ lực mang dấu ấn đặc trưng riêng.

Do đó, nông nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu, trụ đỡ của nền kinh tế và nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, hạn mặn đang là thách thức lớn đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến vùng bán đảo này. Do đó, từng bước thích ứng, tạo lợi thế cạnh tranh từ những bất lợi nhằm phát triển bền vững đang là ưu tiên mà địa phương hướng tới.

Lợi thế từ sản phẩm đặc trưng

Từ diễn biến thời tiết trong những năm gần đây cho thấy, khoảng 3-4 năm Cà Mau sẽ xảy ra mùa hạn hán, mức độ ngày một khốc liệt hơn. Thực tế cho thấy, vùng ngọt hóa đã chịu nhiều thiệt hại vào các mùa hạn 2015-2016, 2019-2020. Đến mùa hạn năm nay cũng đã cho thấy những diễn biến khó lường.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, làm tốt việc dự báo, xây dựng kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ sản xuất phù hợp là công việc mà các cấp, ngành, địa phương và nông dân phải đặc biệt lưu tâm để đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng và lợi nhuận của cả mùa vụ.

Thực tế, sản xuất ngày một thuận thiên hơn với nhiều mô hình hiệu quả, hiện đại và gia tăng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... là những chuyển đổi dễ nhận thấy của nền nông nghiệp trong những năm gần đây. Từ đó, không chỉ góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững mà còn thuận lợi vượt qua thách thức, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm Cà Mau đã và đang tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển các ngành hàng mũi nhọn, thế mạnh của tỉnh; trong đó, đặc biệt chú trọng thuỷ sản, nhất là nuôi tôm nước lợ theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; phát triển sản xuất lúa chất lượng cao; ngành hàng gỗ qua chế tác...

Qua đó, từng bước phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân được cải thiện và góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tôm Cà Mau được định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia, đây sẽ là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh nhà.

Do đó, những năm gần đây có nhiều nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao vào quy trình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Một số mô hình nổi bật mang lại hiệu quả và thân thiện với môi trường như mô hình lúa-tôm kết hợp; nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú đánh giá, mô hình tôm-lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền không chỉ với tỉnh Cà Mau mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm-lúa. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất.

Chính đặc điểm độc đáo, mang tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên này đã giúp mô hình tôm-lúa trở nên bền vững, gần gũi với môi trường của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Christopher Howe, Giám đốc Cảnh quan Ðồng bằng sông Cửu Long (WWF-Việt Nam-Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam) cho biết thành công lớn của tổ chức này trong thực hiện giải pháp dựa vào tự nhiên là mô hình thí điểm trồng lúa- tôm luân canh tại Cà Mau, khi mô hình đã đạt được Chứng chỉ ASC đầu tiên cho nhóm hộ sản xuất lúa-tôm tại Việt Nam vào tháng 10/2022.

“Phương pháp canh tác này không chỉ mang đến cho người dân thu nhập gấp 3 lần so với các hộ không tham gia dự án, mà còn giúp tăng mức bồi đắp trầm tích ở các khu vực dự án từ 10-40% so với các địa điểm thông thường khác,” ông Christopher Howe chia sẻ.

Trước hết, rõ nhất là mô hình kinh tế dưới tán rừng, nhất là nuôi tôm dưới tán rừng tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi, được xem là hình thức sản xuất ổn định, hiệu quả và phát triển gần gũi với tự nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững.

Không dừng lại chỉ ở con tôm và cây rừng, hiện nay người dân còn nuôi kết hợp con sò, con cua dưới tán rừng, phù hợp với hệ sinh thái nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, trứ danh, giảm thiểu rủi ro sản xuất độc canh, gia tăng thu nhập.

Phát triển bền vững

Có thể khẳng định, trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau là địa phương chịu sự tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu; trong năm, bất kể mùa nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Vì thế, để ổn định và phát triển, không còn cách nào khác hơn là phải thuận thiên, dựa vào những biến đổi của tự nhiên. Từ đó, địa phương đã hình thành nhiều giải pháp công trình, mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn.

Tại hội nghị mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Cà Mau, đại diện Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình bày tổng quan về tình hình phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhu cầu nguồn lực cho các giải pháp thuận thiên trong phát triển nông nghiệp.

Các giải pháp sản xuất nông nghiệp thuận thiên đã được triển khai tại Đồng Tháp, An Giang và các tỉnh Duyên Hải trên lĩnh vực sản xuất lúa, cây ăn trái và một số lĩnh vực khác như: Xây dựng và ứng dụng phần mềm số hoá OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), mô hình chăn nuôi tuần hoàn…

Tại tỉnh Cà Mau, giải pháp thuận thiên đã được áp dụng trên lĩnh vực thủy sản, với các mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm-lúa, nuôi tôm-rừng kết hợp sò huyết và mô hình siêu thâm canh lót bạc tuần hoàn kín.

Giai đoạn 2021 -2025, tổng kinh phí hỗ trợ giải pháp nông nghiệp thuận thiên của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 260.000 tỷ đồng; trong đó, Cà Mau được hỗ trợ hơn 2.500 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, đã hỗ trợ 994 tỷ đồng.

Ngoài ra, các nguồn huy động hợp pháp khác cũng phát huy hiệu quả, điển hình như Dự án nuôi thuỷ sản công nghệ cao có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thuỷ sản Cà Mau thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng khẳng định rằng: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Qua đó, Bộ trưởng cũng kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai chương trình, đề án tạo cơ chế chính sách để vùng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao trong thời gian tới.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Qua kinh nghiệm thực tế, để duy trì sản xuất thuận thiên và tạo ra quy mô sản xuất lớn, dưới góc độ quản lý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, cần mở rộng không gian kinh tế mang tính liên kết vùng, tạo thành chuỗi ngành hàng. Cụ thể, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất thuận thiên, xác định chính xác mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn tại địa phương, tạo lập cơ chế liên kết và nội dung này cần được định hướng xuyên suốt.

Trong điều kiện hiện nay, tìm ra mô hình thuận thiên phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương không chỉ là việc làm cấp bách nhằm giải quyết những khó khăn của hiện tại, mà xa hơn là nền tảng để nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hoá hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới, từ đó việc nhân rộng mô hình sẽ lan toả rộng khắp.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?