“Tôi đã hứa trước Đảng kỳ, Quốc kỳ suốt 60 năm qua giữ gìn sự trong sạch của Đảng”
Năm nay, ông Nguyễn Trung Dật (thôn 1 xã Canh Nậu – Thạch Thất – Hà Nội) tròn 85 tuổi. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện với ông bằng câu hỏi vì sao ông đã dành hết cả 36 tuổi hưu của mình để đấu tranh với tiêu cực?
Ông không trả lời thẳng câu hỏi, mà bắt đầu bằng câu chuyện từ ngày 1/5/1962 - ngày mà ông nhớ hơn cả ngày tháng năm sinh, cả ngày cưới của mình. Bởi đó là ngày ông được kết nạp Đảng. Ngày đó, ông đã tuyên thệ trước Đảng kỳ, Quốc Kỳ. Lời tuyên thệ đã trở thành mục tiêu hành động cho suốt quãng đời về sau của ông. “Tôi đã hứa trước Đảng kỳ, Quốc kỳ là luôn chấp hành điều lệ chính cương của Đảng, và kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng giao luôn nêu cao tinh thần tiên phong của Đảng viên. Tôi xác định ở bất cứ cương vị gì, phải nghĩ mình là ai, để xác định công việc cho đúng đắn. Suốt 35 năm trong quân đội, 35 năm hưu, tôi luôn làm tốt điều đó.” - ông Dật tâm sự.
Rồi ông kể: Sau thời gian trong quân ngũ, khi miền Nam giải phóng, cục Quân pháp thành lập, ông được giao làm Trưởng ban quân pháp của Cục vận tải – Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng. Cũng chính bởi môi trường này, đã tôi luyện một “chiến sỹ” Nguyễn Trung Dật có con mắt sắc bén nhận diện những tiêu cực của xã hội, và kiên quyết đấu tranh không nhượng bộ.
“Quê tôi đẹp lắm. Gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa. Khi về hưu, tôi mong muốn quê hương mình được bằng các nơi khác. Nhưng thực tế sinh sống thì bức xúc kinh khủng. Tôi đấu tranh theo Chỉ thị 46 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng – chống tham ô lãng phí. Sau này mới là phòng chống tham nhũng”.
Bằng bản lĩnh của mình, cộng thêm theo cách gọi của ông là “trời phú cho sự yêu mến của Nhân dân” nên ông Dật đã nhiều lần đưa ra ánh sáng những vụ tiêu cực của đội ngũ lãnh đạo xã. Dù cho nhiều lúc bản thân ông cũng thấy phía trước là những hòn đá tảng. Nhưng ông luôn giữ vững niềm tin vào sức mạnh của công lý và lẽ phải, tin vào sự trong sạch của Đảng”.
Trong suốt câu chuyện hàng tiếng đồng hồ, lâu lâu, ông Dật lại chêm vào một lời khẳng định chắc như bản lĩnh người lính, người 60 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng: “Vì tôi là Đảng viên, tôi có trách nhiệm của người phải góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh." |
Hành trình chiến đầu ngoài quân ngũ của người cựu binh Trường Sơn bắt đầu từ năm 1992. Khi ấy chủ trương cấp đất giãn dân đã bắt đầu được triển khai rộng rãi trên quê hương Canh Nậu của ông. Bằng con mắt của người trưởng ban quân pháp năm nào, ông nhanh chóng nhận thấy chính sách này bị biến tướng, đội ngũ lãnh đạo xã có quá nhiều sai phạm. “Rất bức xúc khi người dân hết sức chật chội thì không được xem xét cấp đất, trong khi các cán bộ xã khi đó đều có suất. Dư luận trong dân đều cho rằng, các cán bộ đã lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân. Ai cũng biết. Nhưng không làm gì được! Chính sách càng triển khai mạnh, đất ruộng của dân ngày càng bị thu hẹp, thì nỗi bức xúc của dân ngày càng lớn. Nỗi “đau” của người cựu binh cũng càng mạnh mẽ hơn khi chứng kiến những bất công đó mà không thể làm gì đươc. Ông Dật đã từng mang miền tin trong sáng của người Đảng viên tới góp ý với lãnh đạo xã, nhưng không cải thiện được tình hình. Ông hiểu, mình phải có hướng đi của riêng mình.
Từ đó, ông bắt đầu hành trình tự thu thập chứng cứ. Cũng trong năm đó, ông Dật đã viết lá đơn tố cáo đầu tiên trong đời mình gửi lên Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, phản ánh những tiêu cực trong việc triển khai chính sách cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu.
Hành trình thu thập chứng cứ đã vất vả, đến hành trình gửi đơn của ông cũng gian nan không kém. Thậm chí, đến khi đơn được gửi đi rồi, nhưng ông cũng chỉ nhận được những lời hứa hão. Bên cạnh đó, hàng loạt những lời đe dọa liên tục được chuyển tới ông và gia đình trong hành trình ông đi tìm công lý cho dân nghèo quê ông.
Mãi đến năm 1994, sau nhiều lần đội đơn từ cấp huyện lên cấp tỉnh (khi đó Canh Nậu – Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây), Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đã ra quyết định kỷ luật đối với Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu vì để xảy ra sai phạm trong quá trình chia đất giãn dân.
Hành trình… đơn độc đi tìm công lý
Vậy nhưng, ông Dật vẫn chưa được nghỉ ngơi. Đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ kế tiếp lại theo lối cũ. Lòng tham như đốm lửa âm ỉ trong lòng những kẻ cơ hội, chờ thời cơ để bùng cháy.
Vào giữa năm 2006, ở xã Canh Nậu đi đâu cũng thấy người dân tụm năm tụm ba nói về chuyện đất giãn dân. Nhu cầu và khát khao được cấp đất giãn dân là có thật. Bởi nơi đây là làng nghề, người thì sinh sôi mà đất thì không nở, người dân rất cần được giãn dân để mở xưởng mộc. Dựa trên nhu cầu chính đáng của dân, chủ trương của nhà nước, đội ngũ lãnh đạo xã nhiệm kỳ này lại tiếp tục để lòng tham che mờ nhân cách. Dân nghèo vô cùng phẫn nộ! Nhưng ai cũng nghĩ rằng phận cái tôi con kiến, kêu đâu cho thấu, bức xúc này chỉ có trời hiểu.
Và ông Dật- người Đảng viên già lại một lần nữa – thấy chuyện bất bình chẳng tha. Vẫn chỉ với một cuốn vở học trò, chiếc bút bi và chiếc xe đạp cọc cạch, ông lại làm việc của người bảo vệ công lý, quyết tâm bảo vệ sự trong sạch của Đảng.
Tháng 10/2017, sau một thời gian thu thập chứng cứ, ông Dật đã đưa vấn đề này ra cuộc họp Chi bộ cơ sở. Đồng thời cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của những sai phạm trong quản lý đất đai. Thời điểm đó, ông rất tin tưởng hành trình chống tiêu cực của mình nhanh chóng cán đích, nhưng không ngờ phải đến hơn 3000 ngày, ông mới “trả được món nợ” tự hứa với Đảng, với Dân, với bản thân mình.
Nhớ lại hành trình đấu tranh gian nan đó, ông kể: Lúc đầu tiên, có gần 20 người đồng hành cùng tôi. Chúng tôi đã chiến đầu bền bỉ, không khoan nhượng, bất chấp khó khăn. Mang cả gạo nước, xoong nồi để gặp bằng được người có thẩm quyền. Nhưng rồi mọi người dần dần nản, bởi việc gánh nặng cơm áo gạo tiền cản quyết tâm của họ. Nhưng với ông Dật, ông quyết tâm làm đến cùng, ông lấy quan điểm của người nông dân quê ông làm phương châm chiến đấu: “Tôi quyết định đấu tranh như bừa thấu một mảnh ruộng, đến khi chỉ cần cắm cây lúa là sẽ lên bông thì mới dừng”.
Đơn càng gửi lên cấp cao thì ông càng bị sức ép mạnh. Vợ con, họ hàng ông cũng bị vạ lây. Khi liên tục bị bắn tiếng uy hiếp, đe dọa. Đau lòng hơn, đến cả những người ngày đầu coi ông là “ân nhân” là người cứu giúp mình, thì đến thời điểm này cũng quay lưng lại, lảng tránh ông. Với niềm tin sắt son của người Đảng viên, ông Dật quyết tâm đơn độc đi tìm công lý, bảo vệ sự vững mạnh của Đảng.
Nhưng hành trình của ông ba chìm bảy nổi. Nhiều lúc tưởng như vụ việc đã chuẩn bị được đưa ra ánh sáng, nhưng rồi lại chìm trong im lặng. Nhiều lúc người lính già muốn vỡ òa hạnh phúc vì mình đã đi đến đích. Nhưng rồi lại bất lực với những câu hỏi không lời đáp.
Tính theo vị trí địa lý, từ Canh Nậu ra tới trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 30km. Thế nhưng phải đến 1 thập kỷ sau – vào 2017, những lá đơn của ông mới tới được Văn phòng Chính phủ. Cũng từ đây, ông mới có thêm niềm tin để bảo vệ công lý, bảo vệ dân nghèo, bảo vệ sự vững mạnh của Đảng.
“Năm 2017, tức là 10 năm sau khi lá đơn đầu tiên về vụ việc được gửi đi, Văn phòng Chính phủ bắt đầu có chỉ đạo, yêu cầu Công an thành phố Hà Nội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nghiêm nội dung tố cáo của tôi”. Ông bồi hồi nhớ lại.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ quan chức năng xác định: Những tố cáo, khiếu nại của ông Dật là có cơ sở. Đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa các đối tượng liên quan đến sai phạm trong việc cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất ra xét xử. Tháng 3/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt năm bị cáo nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ địa chính, thủ quỹ của xã Canh Nậu cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Một trong những vụ việc tham nhũng, tiêu cực được ông Dật kiên trì đấu tranh, đưa ra ánh sáng. |
Từ chối khen thưởng vì người ký giấy khen không xứng
Những tố cáo của ông Dật đã đưa những cán bộ sai phạm phải chịu sự trừng phạt của Pháp luật. Ghi nhận công sức của ông, tháng 2/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1219/VPCP.V.I gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội để truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Tại công văn, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ quá trình tiến hành tố tụng vụ án này để kết quả điều tra, truy tố, xét xử được nghiêm minh. Các đối tượng có hành vi vi phạm phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Công văn nêu rõ: Với vi phạm xảy ra từ năm 2007, nhiều năm nay được ông Nguyễn Trung Dật tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội từ đầu năm 2014 để giải quyết theo thẩm quyền, nhưng đến tháng 12/2017 mới ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra là chậm trễ. Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, có hình thức khen thưởng phù hợp với ông Nguyễn Trung Dật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khen thưởng người tố cáo, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Vậy nhưng, khi chúng tôi hỏi về chuyện khen thưởng này, ông Dật cười buồn: “ Năm đó, sau khi có công văn của Phó thủ tướng, một thời gian sau có cán bộ của UBND Tp Hà Nội gọi về cho tôi, yêu cầu tôi viết cái này, cái kia để làm hồ sơ khen thưởng. Nhưng tôi từ chối.Tôi đã phải nhờ những mối quan hệ của riêng mình từ thời làm trong Cục quân pháp thì đơn của tôi mới đến được Bộ Công an, đến được Chính phủ. Nhưng ngay cả khi đến được Chính phủ, Chính phủ đã có 3 công văn chỉ đạo thì Công an Hà Nội mới làm. Nếu tôi không kiên trì bền bì ra đến Văn phòng Thủ tướng thì hồ sơ của tôi thành bùn.”…
Nhớ như in câu chuyện cũ, ông Dật kể tiếp: “Ngày 31/12/2020, một vị của TP Hà Nội lại gọi tôi. Tôi cũng trình bày như vậy. Khi tham gia luận đàm với báo Nhân dân, tôi cũng đã nói rõ điều đó. Tôi là người vì trách nhiệm của đảng viên, giữ uy tín cho mình, cho đảng để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Đó là hạnh phúc rồi, tôi không cần giấy khen. Mà giấy khen phải ngươi ký xứng đáng, chứ người ký mà không xứng đáng thì tôi không phục. Đối với tôi, thứ phần thưởng lớn nhất cho cuộc đấu tranh này không phải là những tấm bằng khen. Mà là sự chiến thắng của công lý, là sự trong sạch của Đảng và Nhà nước.” – ông Dật mạnh mẽ khẳng định.
“Hơn 30 năm nay từ lúc tôi về hưu, dân vẫn nuôi ngày 3 bữa cơm, Đảng vẫn đang dạy từng lời từng phút”…
Lặng người trước câu chuyện của ông Dật, chúng tôi nhìn quanh ngôi nhà của ông, ngay không gian trang trọng của khu vực bàn tiếp khách, là bàn thờ Bác Hồ, bác Giáp và 4 chữ: Cần – Kiệm – Liêm – Chính được khắc bằng gỗ . Lý giải về 4 chữ treo trên bàn trờ, ông nói: “Trời có có 4 mùa, đất có 4 phương, người có 4 đức. Bác Giáp bảo Cựu nhưng không cũ.’ – tôi thờ những điều ấy". Người lính già trong thời bình không phải chống giặc ngoại xâm, nhưng vẫn không ngơi nghỉ trong cuộc chiến đấu “chống giặc nội xâm, chống lại các biểu hiện lệch lạc của chính những Đảng viên tha hóa, biến chất.
Nhà báo đã nhận được câu trả lời của tôi chưa? Ông đột ngột hỏi lại tôi – Vì sao tôi đấu tranh? Vì tôi là Đảng viên! Tôi được thế này là do đâu? Do Đảng, do Bác, do Nhân dân. Tôi được như thế này, tôi cần phải đóng góp cho Đảng, cho Nhân dân! Hơn 30 năm nay từ lúc tôi về hưu, dân vẫn nuôi ngày 3 bữa cơm, Đảng vẫn đang dạy từng lời từng phút. Tôi không bỏ qua những việc sai, thấy sai là phải đấu tranh. Dù có nhiều lúc cũng bất lực thật đấy. Nhưng chưa lúc nào tôi nản chí. Vì tôi tin vào sức mạnh của công lý và lẽ phải, tin vào sự trong sạch của Đảng.” – ông tâm sự.
Trong câu chuyện bên lề, ông cho biết, khi ông về hưu, đơn vị có cấp cho ông một tờ giấy, chuyển về xã, có nội dung đề nghị địa phương cấp đất ở cho ông. Nhưng từ khi ông nghỉ hưu là năm 1991, đến năm 2007, lãnh đạo địa phương mới cho người đến hỏi về nhu cầu của ông. Nhưng ông khảng khái từ chối:
Ông kể: Tôi nói với họ: Con tôi đứa nào đứa ấy đã có cơ ngơi riêng. Tôi nhường lại suất đất của tôi cho xã làm từ thiện. Tôi nhớ còn 32 xuất người dân xin cấp đất. Nếu thấy ai quá khó khăn, đồng chí cho người đó. Kể cả cho tôi xuất đẹp nhất tôi cũng không lấy. Con người ta phải có lòng tự trọng, phải có danh dự con người.”…
Kể câu chuyện này, rồi ông chỉ cho chúng tôi ngôi nhà 2 tầng xinh xắn ngay trước khoảng sân lát gạch đỏ au của gia đình ông: Kia là nhà con trai thứ 2 của tôi. Thằng con cả cũng có cơ ngơi riêng. Con gái cũng yên ấm khang trang. Hai vợ chồng tôi ở đây, tôi còn cần đất làm gì? Tôi có được ngày hôm này là nhờ Đảng, nhờ Bác, nhờ Nhân dân.
Ông cho biết, hiện ông vẫn đang đấu tranh, với một người lãnh đạo xã đương nhiệm. “Khi nào Đảng chưa trong sạch, Dân còn thấy bất công, khi đó tôi vẫn chiến đấu không khoan nhượng!”…
Nắng đứng bóng trong sân, đang chia sẻ rất nhiều câu chuyện chất chồng những bức xúc của ông, với mong muốn xây dựng quê hương thật đẹp, xứng với danh hiệu nông thôn mới, ông dừng lại hỏi chúng tôi, “Làm thế nào để người dân có quyền? Làm thế nào để người lãnh đạo như tấm gương trong veo cho người dân soi mình”? Với vai trò của một nhà báo, chúng tôi nợ ông câu trả lời. Mong bài báo nhỏ nhoi này đến được với nhiều người; lan tỏa được câu chuyện về tấm gương lớn của người cựu chiến binh già dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi để chiến đấu không khoan nhượng với sai trái, quyết bảo vệ sự trong sạch của Đảng.