|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Ngày 14/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở”. Đây là Hội nghị trực tuyến đầu tiên do Bộ Y tế tổ chức với hàng trăm điểm cầu là các trạm y tế xã, phường, các Sở Y tế… nhằm thông tin về việc triển khai mô hình nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế.
Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Tức là phải ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật thông tin sức khoẻ, bệnh tật của người dân, tập hợp cơ sở dữ liệu thống nhất, khám định kỳ, lập hồ sơ sức khoẻ của từng người dân, phân cấp, hướng tới đưa việc chăm sóc, theo dõi, cấp thuốc điều trị các bệnh không truyền nhiễm về trạm y tế xã, phường, khắc phục tình trạng cùng loại bệnh nhưng thuốc tuyến dưới kém hơn tuyến trên…
Mô hình nguyên lý y học gia đình được tích hợp triển khai tại trạm y tế xã, phường được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện, ngành Y tế đang triển khai thí điểm mô hình tích hợp này tại 26 trạm y tế xã, phường thuộc 8 tỉnh trên cả nước.
Một số tỉnh điển hình trong triển khai đổi mới hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình như TPHCM triển khai mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại các trạm y tế. Kết quả ban đầu cho thấy, số lượng lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế tăng lên hàng nghìn lượt trong 9 tháng đầu năm nay…; tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị điển hình trong mô hình lập hồ sơ sức khỏe của người dân…Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đã có 84% người dân được lập hồ sơ sức khỏe và tất cả các bệnh viện trên địa bàn đã liên thông với tuyến y tế cơ sở.
|
Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử để theo dõi, quản lý sức khỏe sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, những bệnh nhẹ, để tránh tốn kém tiền bạc, tránh để bệnh diễn biến nặng mới đến các cơ sở y tế. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở là rất cần thiết và cấp bách. Đây cũng là nhiệm vụ của ngành y tế nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Hiện nay, mới có 36/63 tỉnh, thành có kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo tỉnh, huyện để triển khai Quyết định 2348 của Bộ Y tế về đưa mục tiêu Nghị quyết 20, 21 vào nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Bộ trưởng cũng đề nghị Sở Y tế 27 tỉnh/thành còn lại cần tham mưu cho chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng đề án.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản… Các Sở Y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại TYT xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…
Bộ trưởng cũng nêu rõ lộ trình triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: năm 2018, hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm. Các tỉnh, thành phố chủ động triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại, không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế. Và 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc.
Theo Chính phủ