Liệt mặt ảnh hưởng đến sức khỏe gây khó khăn trong sinh hoạt, đồng thời gây tâm lý ngại tiếp xúc cho bệnh nhân. Việc điều trị liệt nửa mặt phải mất một khoảng thời gian nhất định và có thể tái phát.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt mặt như sau tai nạn, chấn thương (vỡ xương đá, tổn thương não, vết thương hàm mặt, đứt dây thần kinh...), sau bệnh lý (khối u), nhiễm khuẩn, nhiễm virus, bệnh ở não,... trong đó hay gặp nhất là sau nhiễm lạnh. Do dây thần kinh số VII chạy nông nhất trên mặt, đi song song với mạch máu vùng tai, nếu gặp lạnh đột ngột sẽ gây co mạch nhanh, máu không nuôi dưỡng được và dây số VII sẽ bị tổn thương. Liệt dây số VII nửa mặt không thể cử động được. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng thời tiết giao mùa, nhất là mùa lạnh sẽ khiến nhiều người mắc bệnh hơn.
Đối tượng nào dễ mắc?
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những người thường xuyên thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm, dễ nhiễm lạnh. Ngoài ra, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, phụ nữ có thai, bị bệnh đái tháo đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, lứa tuổi trung niên và người già,... cũng dễ bị méo miệng. Bệnh cũng hay gặp ở người uống nhiều bia rượu và đi về trong đêm khuya dễ bị lạnh. Mặt khác, lượng cồn trong máu đưa đến não và các cơ quan khác khiến mạch máu co lại (hoặc giãn ra tùy thể trạng mỗi người), làm cơ thể mất nhiều nhiệt, hơi ấm thoát ra ngoài không được bảo vệ, gặp phải khí lạnh sẽ bị cảm.
Liệt mặt ảnh hưởng đến sức khỏe, gây khó khăn trong sinh hoạt. (Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống) |
Các dấu hiệu nhận biết
Bệnh nhân đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán. Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, méo miệng, góc mép miệng bị sệ xuống. Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi từ 70-100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng. Nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.
Chữa trị thế nào?
Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng: Điều trị càng sớm càng tốt, tránh các kích thích mạnh, không cố điều trị cho hết liệt trong giai đoạn cấp của bệnh, kết hợp bảo vệ mắt bên liệt.
Các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng: Thuốc chống viêm, tăng dẫn truyền thần kinh. Bảo vệ mắt, chống khô mắt và viêm giác mạc: đeo kính râm, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Đảm bảo vệ sinh răng miệng.
Các phương pháp vật lý trị liệu: Giai đoạn cấp: Chống viêm bằng sóng ngắn, giai đoạn bán cấp và mạn tính dùng nhiệt nóng. Dùng điện phân đưa thuốc chống viêm, tăng dẫn truyền thần kinh.Dùng laser công suất thấp chiếu vào các huyệt vị vùng mặt bên liệt. Dùng điện xung - kích thích thần kinh cơ mặt bên liệt. Dùng siêu âm - xoa bóp vi thể toàn bộ cơ mặt bên liệt.
Các bài tập phục hồi chức năng bao gồm xoa bóp vùng mặt: dùng 5 đầu ngón tay và lòng bàn tay thả lỏng day, xoa nhẹ nhàng toàn bộ bên liệt theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và ngược lại. Tập các cơ vùng mặt qua gương: nhắm mắt, huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, mỉm cười, nhăn trán, phát âm các từ: B, P, U, I, A.
Phòng bệnh
Tránh gió lạnh đột ngột, mùa nóng không nằm thẳng điều hòa; mùa lạnh mở cửa từ từ, tránh gió lùa, ra đường đeo khẩu trang giữ ấm mặt, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, nên sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa để lại những di chứng của bệnh.