_______________
Trường Cộng đồng Alperton nơi cô Zafirakou đang dạy học nằm ở khu Brent phía tây thủ đô Luân Đôn, Anh. Đây là khu vực có tỉ lệ tội phạm giết người cao nhất toàn quốc. Các băng nhóm tội phạm thường xuyên tiếp cận các trường học để tuyển mộ học sinh, trong đó có rất đông em đến từ các gia đình nhập cư có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay từ khi bắt đầu bước chân vào sự nghiệp giáo viên tại Trường Cộng đồng Alperton, cô Zafirakou đã sớm nhận ra những khó khăn, thách thức mà học trò của mình đang phải đối mặt.
“Một trong những học sinh nữ của tôi - một cô bé gốc châu Á - bắt đầu trốn các tiết học nghệ thuật”, cô Zafirakou nhớ lại.
Cô giáo đã đến tận nhà cô học trò để nói chuyện với phụ huynh. Tại đây, cô thấy cảnh cả gia đình sáu người sống chen chúc trong một căn phòng chật hẹp và sử dụng chung khu vực bếp nấu với nhiều gia đình khác. Họ phải chia thời gian biểu nấu ăn cho từng gia đình.
“Giờ nấu ăn của cô bé trùng đúng tiết dạy mỹ thuật của tôi. Bố mẹ cô bé phải đi làm và các em thì còn nhỏ. Bởi vậy, cô bé phải về nhà và nấu ăn cho các em của mình”, cô Zafirakou kể lại. “Chứng kiến điều đó khiến tôi nhận ra hoàn cảnh khó khăn mà những học sinh của mình phải đối mặt”.
Từ đó, cô Zafirakou cố gắng quan tâm và chăm sóc đến từng em học sinh của mình. Cô giáo thường tự mình đưa những đứa trẻ sống ở khu vực phức tạp nhất về nhà để đảm bảo chúng được an toàn, và thành lập các hội nhóm, câu lạc bộ để các em có điều kiện giải trí lành mạnh.
Lớp học được cô giáo Zafirakou trang trí đầy màu sắc để tạo không khí học tập phấn chấn, tích cực của học sinh. Nhưng bên ngoài cánh cửa lớp học, một bức tranh ảm đạm vẫn hiện hữu. Nhiều gia đình không thể lo cho con cái đủ ăn đủ mặc, và tình trạng bạo lực xảy ra tràn lan trong cộng đồng.
“Các băng đảng hoành hành khắp nơi”, cô giáo cho biết. “Chúng thường tiếp cận để tìm cách tuyển mộ các em học sinh cả nam và nữ”.
Để bảo vệ các học sinh khỏi nguy cơ bị lôi kéo gia nhập các băng đảng, cô giáo Zafirakou và các đồng nghiệp phải thường xuyên tuần tra phía bên ngoài trường học và đưa đón học sinh khi cần thiết. Nhưng cũng có những lúc, hậu quả không mong muốn vẫn cứ xảy ra.
“Một trong những học sinh nữ của tôi không được chăm sóc, sống vất vưởng khắp nơi. Lớp học là nơi duy nhất em có thể tới đều đặn”, cô Zafirakou kể lại.
“Cô bé đó vẽ rất đẹp, và các tiết học mỹ thuật là niềm vui và niềm tự hào duy nhất của em. Em thường khoe với tôi những bức tranh mà mình đã vẽ được. Nhưng một ngày, cảnh sát tới và bắt giữ cô bé vì đã gây rối ngoài đường phố”, cô giáo nói.
“Đứa trẻ níu chặt lấy tôi vì nó không muốn đi theo cảnh sát. Em níu chặt đến nỗi tôi bị sái cả cổ tay. Nhưng tôi không thể giúp gì được cho em. Tôi cảm thấy thật sự bất lực”. Dù không thể giúp được cô học trò nhỏ trong tình cảnh trớ trêu như vậy, nhưng cô Zafirakou nhận ra rằng đối với nhiều học sinh không may mắn, trường học là nơi duy nhất mang lại cho chúng cảm giác an toàn, giáo dục nghệ thuật có thể khơi gợi sự hướng thiện, và người giáo viên có sứ mệnh khuyến khích những đứa trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình.
“Tôi nhanh chóng nhận ra rằng một giáo trình đồng nhất sẽ không thể hiệu quả với mọi học sinh, bởi vậy chúng tôi thiết kế lại toàn bộ giáo trình để chương trình học trở nên gần gũi nhất với cuộc sống của các em”.
Trong bộ môn mỹ thuật do mình phụ trách, cô Zafirakou đã bổ sung các môn học nhiếp ảnh, mỹ thuật 3D và dệt may để phù hợp với nền tảng văn hóa của các học sinh.
“Học sinh của tôi phần lớn là người châu Á nhưng chúng không biết gì về họa tiết dệt may của người Hồi giáo và tầm quan trọng của chúng. Điều này thật không hay!” - cô Zafirakou nói.
“Bởi vậy, tôi dạy các em về điều này trong các bài học đất nặn, dệt may và in trên vải. Dệt may hiện là một trong những môn học đạt thành tích cao nhất của trường”.
Với nỗ lực của cô Zafirakou và các cộng sự, trường Alperton đã vươn lên và lọt vào top 5% trường học đạt được nhiều thành tích nhất trên cả nước. Nhưng để có ngày hôm nay, các thầy cô giáo của trường Alperton đã phải trải qua chặng đường dài đầy thách thức.
Gần 15 năm trước, khi cô Zafirakou bắt đầu sự nghiệp giáo viên, trường Alperton còn nằm trong một tòa nhà xuống cấp, dột nát và gió lùa. “Ngày đầu tiên đi dạy là một ngày sóng gió”, cô giáo kể lại. “Đó là một ngày tháng Hai tuyết rơi lạnh cóng. Lũ trẻ đến lớp với trang phục xộc xệch và trong tình trạng uể oải, chán chường. Và không ai có niềm tin ở chúng”.
Cùng đợi tuyển dụng với cô Zafirakou là 14 giáo viên trẻ khác có cùng quyết tâm xốc dậy tinh thần lũ trẻ và hướng cho chúng sống có mục đích.
Đầu tiên là khuyến khích các em tôn trọng các quy định của nhà trường: Mặc đồng phục đi học, cư xử lịch thiệp, giao tiếp bằng tiếng Anh và tôn trọng các giáo viên. “Tôi nhớ một nam học sinh có mẹ vừa nhập cư vào Anh. Bà ấy phải ngồi xe lăn và hai mẹ con luôn lo sợ sẽ bị trục xuất vì họ chỉ có hai bàn tay trắng”, cô Zafirakou kể lại.
“Cậu bé trông khá dữ dằn. Em hút thuốc lá từ năm 11 tuổi và gần như không nói tiếng Anh”. Cô giáo Zafirakou đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nỗ lực để dìu dắt cậu học trò đặc biệt này. Những lúc cậu trốn thi, cô giáo tới tìm tận nhà và đưa cậu tới lớp. Cậu bé cũng thường xuyên đến lớp với quần áo cũ kỹ, lấm lem vì không có gì khác để mặc. “Một ngày, tôi cảm thấy không thể chịu được nữa và đưa cậu học trò này tới cửa hàng, mua cho cậu ta giày, tất, vài bộ đồng phục. Cuối cùng, cậu ấy cũng có được bộ đồng phục, và cảm thấy được trở thành một học sinh thực thụ của trường”, cô giáo kể lại.
“Cậu ấy cuối cùng cũng đã vượt qua các kỳ thi Toán và tiếng Anh, chúng tôi cũng cố gắng đặc cách cho cậu bé thi một số môn bằng tiếng mẹ đẻ”.
Một cậu học trò khác, Carl Campbell, là một tài năng bóng rổ có triển vọng xin được học bổng tại các trường đại học có cấp học bổng cho các tài năng thể thao ở Mỹ. Tuy nhiên, Campbell không đủ điều kiện do luôn thi trượt môn mỹ thuật. Cô giáo Rafirakou đã làm mọi cách giúp cậu học trò này, gồm cả việc “ép buộc” cậu học trò hay trốn học phải tới lớp và mời cả phụ huynh đến tận nơi để cùng giám sát việc học tập của con. Nhờ sự cương quyết của cô giáo, Campbell đã vượt qua thử thách và trở thành sinh viên trường Phelps danh tiếng ở bang Pennsylvania, Mỹ.
Hoặc một học trò khác, Raphael, mắc hội chứng tự kỷ và gặp khó khăn trong giao tiếp với xã hội. Cô Rafirakou nhận ra rằng cậu học trò này có năng khiếu trong lĩnh vực hội họa và đã kèm cặp, rèn rũa để cậu bé đạt được thành tích cao trong môn này.
“Với Raphael, đó thật sự là một thành tích ấn tượng”, cô giáo cho biết. “Năm nay, cậu ấy sẽ có chứng chỉ A-level môn nghệ thuật, và sẽ có thể theo học ngành thiết kế trò chơi điện tử như cậu ấy mơ ước”.
“Khi tôi bắt đầu dạy học ở đây, cha mẹ học sinh ở trường tiểu học bên cạnh thường đi sang phía bên kia đường để tránh không phải đi qua trường của chúng tôi”, cô Rafirakou kể lại.
“Họ không muốn lại gần các học sinh của tôi, vì họ cảm thấy chúng là những đứa trẻ hư hỏng”.
Nhưng hơn ai hết, cô giáo hiểu rằng các học sinh của mình không hư hỏng. Chúng chỉ là những đứa trẻ kém may mắn đang cố đi tìm kiếm bản thân mình giữa cuộc đời, và người giáo viên có sứ mệnh đồng hành tìm kiếm câu trả lời đó.
“Ở tuổi này, những đứa trẻ đang cố gắng hiểu xem mình là ai giữa cuộc đời. Chúng luôn băn khoăn liệu chúng có phải sống cuộc đời kém cỏi vì những người xung quanh đều như vậy. Chúng tự hỏi liệu chúng có nên gia nhập các băng đảng để tự khẳng định mình”, cô Zafirakou nói.
“Nhưng điều tôi muốn chúng làm là tự nhủ bản thân rằng, chúng cần phải làm điều gì đó để tạo ra sự khác biệt, để giống như những lứa học sinh đi trước đã đàng hoàng bước từ xóm nghèo vào thẳng đại học Oxford”.
Trong khi nhiều giáo viên khác đã bỏ cuộc, cô Zafirakou kiên trì với sứ mệnh tự đặt ra cho mình là mang đến cho những đứa trẻ thiệt thòi một khởi đầu tốt đẹp hơn trong cuộc đời. Nhờ nỗ lực này, cô giáo đã nhận được giải thưởng “Giáo viên tốt nhất Thế giới năm 2018” danh giá do quỹ Varkey trao tặng.
Nhưng cả vinh quang và quyền lợi, cô giáo Andria Zafirakou đều không muốn nhận hết về mình. Cô dự định dùng giải thưởng 1 triệu USD của mình để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn nghệ thuật tại trường để chắp thêm đôi cánh cho các thế hệ học sinh hiện tại và tương lai.