Tư duy khai mỏ

Tư duy khai mỏ

Tầm nhìn thiên niên kỷ

Mùa hè 2017, tôi tham gia một khóa bồi dưỡng chuyên sâu về di sản UNESCO ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại đảo Levos, Hy Lạp (tiếng Hy Lạp là Lesbos). Hòn đảo, cùng với Santorini và một chuỗi đảo khác cách đó không xa, nằm trên một vòng cung động đất, núi lửa giữa Địa Trung Hải. Khí hậu, biển xanh, phong cảnh cùng những di sản kỳ vĩ của nền văn hóa Hy Lạp biến các hòn đào này trở thành thiên đường du lịch nổi tiếng toàn cầu. Ngoài ra, đảo Levos còn có tài sản cực kỳ quý giá, vô cùng hấp dẫn với du khách: Những cánh rừng hóa thạch hàng triệu năm trước đây do bị vùi lấp bởi tro tàn núi lửa.

Địa hình Levos tương đối bằng phẳng, vì thế, khi tham gia chuyến khảo sát thực địa vào giữa kỳ khóa học, tôi rất ngạc nhiên khi xe của ban tổ chức đưa chúng tôi đi trên con đường quanh co trên cánh đồng. Cho đến khi ông Nickolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đồng thời là giám đốc Công viên địa chất Levos, ra hiệu dừng xe tại một khúc cua, chúng tôi mới vỡ lẽ.

Con đường đó vốn là một dự án cao tốc được EU tài trợ, nối giữa vùng dân cư du lịch của đảo với khu rừng hóa thạch phục vụ du khách, rút ngắn thời gian di chuyển từ 2 giờ đồng hồ xuống còn 30 phút. Kinh phí ban đầu của dự án là 4 triệu Euro. Tuy nhiên, ngay khi những nhát xẻng đầu tiên đào xuống rìa khu rừng, người ta đã phát hiện những khúc cây hóa thạch nằm trong khu vực nền đường. Một cuộc tranh luận nổ ra. Một bên cho rằng các khúc cây này nằm ở rìa di sản, và di sản thì rộng với hàng triệu cây như thế, bỏ đi vài cây không đáng kể. Bên kia, phần lớn là các nhà khoa học, cho rằng một mẩu cây ấy cũng giá trị hơn nhiều cây số đường cao tốc.

Tư duy khai mỏ ảnh 1

Vụ việc kết thúc ở Hội đồng Châu Âu, khi Hội đồng chấp nhận tăng kinh phí dự án lên gấp ba, và thời gian thi công thay vì 12 tháng trở thành 6 năm, với điều kiện bảo tồn tại chỗ mọi phát lộ di sản. Và Levos có một tuyến cao tốc quanh co kỳ dị như thế.

Câu chuyện còn hấp dẫn hơn thế, khi đi vào khu trung tâm, nơi chúng tôi được kể về quá trình nhận thức di sản trong suốt chiều dài lịch sử mấy trăm năm của khu bảo tồn.Từ chính cư dân bản địa tàn phá hóa thạch lấy đá xây dựng, đến phát xít Đức dùng xe kéo đổ những thân cây khổng lồ có kích thước vài chục mét chiều cao để chiếm đoạt về nước Đức, và đến khi mới mở cửa cho du khách, người ta phải thiết kế những khung thép khổng lồ bao quanh các khúc cây lộ thiên và rồi đến bây giờ, chỉ một sợt dây thừng bao quanh cũng đủ tôn vinh di sản. Hàng triệu du khách đến đó mỗi năm, nhưng không một cọng rác, một đầu mẩu thuốc dù kiếm mãi mới có thùng rác.

Tư duy khai mỏ ảnh 2

Kết thúc bài giới thiệu, Nickolas Zouros nói, chúng tôi chấp nhận thu 2 đồng một năm trong 1.000 năm và hơn thế, thay vì thu 20 đồng một năm trong 5 năm. Mối mẩu hóa thạch này là tài sản của các thế hệ tương lai Hy Lạp, chúng tôi không được phép ăn tranh của họ.

Mỏ vàng du lịch Việt

Việt Nam, từ lâu, những người làm du lịch, lẫn bảo tồn di sản đều thống nhất một điều: Di sản tự nhiên lẫn văn hóa của Việt Nam vượt trội so với hầu hết các nước trong vùng, như một mỏ vàng cho du lịch. Biển, đảo, núi cao, khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt thậm chí ôn đới, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, lịch sử thăng trầm dài, di tích văn hóa, đô thị lớn sôi động, các dân tộc thiểu số vùng cao đa dạng... chúng ta đủ cả.

Singapore, một  cường quốc du lịch khu vực, còn tiếc nuối không thể có một vùng du lịch núi cao có địa chất độc đáo như Đông Tây Bắc của chúng ta. Du khách Trung Quốc không giấu nổi ghen tị với những bãi biển nhiệt đới rực nắng phía Nam Việt Nam. Du khách các quốc gia thuần chủng từ châu Âu tròn mắt với văn hóa các tộc người thiểu số rực rỡ sắc màu trên khắp các vùng núi cao Tây Nguyên, Hà Giang. Hàng vạn nhà thám hiểm hang động chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư mơ một lần bước vào hang Sơn Đoòng, quán ăn ẩm thực Việt được chào đón tại mọi nơi trên hoàn cầu.... Phillip Kotler, huyền thoại marketing thế giới, đã từng cho rằng Việt Nam chỉ cần biến mình thành bếp ăn, bãi tắm và nơi nghỉ dưỡng của thế giới cũng đủ cho một dân tộc thịnh vượng.

Không biến mỏ vàng ấy thành sinh kế vững bền cho nhân dân, cho Tổ quốc, thì chúng ta vừa dại dột, vừa có tội.

Tư duy khai mỏ ảnh 3

Tư duy khai mỏ

Nhưng chúng ta đang khai thác tài nguyên du lịch Việt như thế nào?

Một lần, khi cùng tham gia xây dựng quy hoạch cho một vùng, nghe lãnh đạo ngành du lịch địa phương mong muốn sẽ đón 5 triệu du khách vào năm 2035 với mô hình Thạch Lâm, Trương Gia Giới của Trung Quốc, một chuyên gia của UNESCO sửng sốt: “Cả vùng các anh có chưa đến 250 nghìn dân, một lượng du khách gấp 20 lần như thế sẽ biến môi trường văn hóa và thiên nhiên của các anh thành một đống hỗn loạn. Điều các anh cần, không phải là số lượng, mà là hiệu quả kinh tế song hành với bảo tồn tự nhiên và văn hóa. Sao không là 500 nghìn, hay 1 triệu du khách chi tiêu bằng hoặc hơn 5 triệu du khách kia? Sao không là những kỳ nghỉ dưỡng nửa tháng thay vì đi trong 1,8 ngày như khách đến chỗ các anh hiện nay?”

Quá bức xúc với mong muốn của vị lãnh đạo, ông chuyên gia đã dành gần một tiếng đồng hồ của cuộc họp, để giải thích giá trị của du lịch sinh thái, du lịch lựa chọn, về sự nâng tầm nhận thức và bảo vệ di sản của du lịch chất lượng cao so với du lịch đại chúng, và cả về lợi ích kinh tế lớn lao của kinh doanh đối với du khách cao cấp.

Sau đó, bản quy hoạch vẫn ra đời với con số 5 triệu du khách mơ ước.

Một lần khác, một chuyên gia về du lịch hang động đã ngớ người và hỏi dồn khi nhìn một hệ thống cầu thang thép, máy chiếu phim và hệ thống chiếu sáng trong một hang động có thạch nhũ rất huyền ảo: “Các anh có biết hệ sinh thái hang động mong manh như thế nào không? Các anh có biết khi có ánh sáng liên tục thì các thạch nhũ sẽ bị nám đen và thực vật sẽ mọc trong hang không? Các anh có biết bao nhiêu triệu năm thiên nhiên mới tạo ra được một hang động có thạch nhũ không? Các anh có biết du lịch hang động phải là khám phá với nhiều khó khăn, chứ không phải là dạo hoa thưởng nguyệt không? Tôi đố các anh còn tìm thấy loài nhện, gián đất mù bẩm sinh và bạch tạng còn sống ở đây, những loài thường sống trong hang tối này đấy? Tôi sẵn lòng cung cấp lời khuyên miễn phí cơ mà, trời ơi!”.

Tư duy khai mỏ ảnh 4

Những ví dụ như thế đầy rẫy: Tổ chức tiệc trong hang trên vịnh Hạ Long, xây mới đình Lương Xá, Hà Nội, bê tông hóa đền Đại Hội, Phú Thọ…. hay mới năm ngoái là cây cầu bê tông trèo giữa vùng lõi di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình.

Khác hẳn với hành vi phá hoại do thiếu hiểu biết như viết vẽ, đập phá của người dân và du khách có nhận thức kém, những sự kiện này đều khoác lên mình chiếc áo phát triển kinh tế cho địa phương, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân. Ngay cả phải xây dựng hồ sơ và bảo vệ khó khăn, phức tạp trước những hội đồng khoa học uy tín của UNESCO, thì mục đích hầu như không là bảo tồn. Ngay sau đó, khá nhiều di sản bị “mổ phanh” khai thác triệt để.

Đúng, danh hiệu di sản thì phấn đấu làm gì nếu không phục vụ phát triển. Nhưng phát triển làm gì nếu nguồn lợi chủ yếu không về với dân và văn hóa, di sản không được bảo tồn? Phát triển làm gì chỉ sau vài chục năm, con cháu chúng ta bơ vơ không biết mình là ai, từng có những gì?

Tôi gọi đó là tư duy khai thác du lịch kiểu khai mỏ. Đào một lần và bán một lần. Dùng tư duy khai mỏ, ngành du lịch sẽ chết, sớm thôi.

TIN LIÊN QUAN
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo chia sẻ về cuốn tự truyện của mình.
"Bốn mùa - Một cuộc đời" - Lời tự sự của nhà khoa học Việt Nam trên đất Pháp
(Ngày Nay) - “Bốn mùa - Một cuộc đời” vừa ra mắt công chúng tại Pháp là cuốn tự truyện của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà hóa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong giới tri thức Pháp cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.