_______________
1. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger đã định nghĩa “burnout” là sự mệt mỏi của con người khi làm một việc gì đó quá sức. Kiệt sức biểu thị cảm giác cạn kiệt về năng lượng cảm xúc cũng như thể chất tinh thần do căng thẳng kéo dài. Tình trạng này thường xuất hiện khi một người làm việc xuyên suốt trong nhiều giờ, đối mặt với những tình huống khó khăn, phức tạp hoặc ở trong môi trường làm việc độc hại. Một số dấu hiệu kiệt sức nghề nghiệp gồm: mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, lo lắng, hoài nghi; miễn cưỡng đi làm, chán nản, thất vọng về công việc; không tập trung, hay quên, khó khăn khi đưa ra quyết định, hành động tùy hứng trong công việc...
Một số chuyên gia tâm lý khẳng định hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước hiện là “môi trường độc hại” đối với các bác sỹ và nhân viên y tế. Các chuyên gia tâm lý chỉ ra 3 dấu hiệu chính của tình trạng kiệt sức trong ngành y là: Thứ nhất, các bác sỹ dần kiệt quệ năng lượng ở 3 cấp độ: thể chất, cảm xúc và tinh thần; Thứ hai, các bác sỹ có thái độ chỉ trích, bực bội với đồng nghiệp, bệnh nhân. Họ mất khả năng chăm sóc, thông cảm và thiếu tương tác với bệnh nhân, đồng nghiệp, dẫn tới sự cô lập bản thân. Thứ ba, các bác sỹ bắt đầu hoài nghi về chất lượng công việc mà họ làm, mắc lỗi hiếm khi gặp phải và muốn bỏ nghề.
Đầu năm 2019, trang web y khoa Medscape đã công bố khảo sát 20.000 bác sỹ từ 6 quốc gia: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha về tình trạng kiệt sức. Kết quả cho thấy, 37% bác sỹ tham gia khảo sát cảm thấy kiệt sức, 10% cảm thấy kiệt sức kèm theo trầm cảm. Các bác sỹ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ kiệt sức cao nhất so với đồng nghiệp nước ngoài (tỷ lệ lần lượt là 47% và 43%); tiếp đó là các bác sỹ Pháp (42%), Mỹ (40%), Anh (32%), Đức (21%) . Bác sỹ Anh có tỷ lệ muốn bỏ nghề cao nhất (25%), tiếp đến là bác sỹ Pháp (23%), bác sỹ Đức và Bồ Đào Nha (20%). Theo một khảo sát (năm 2019) của Medscape trên 15.000 bác sỹ chỉ riêng ở nước Mỹ, tỷ lệ bác sỹ thấy kiệt sức lên tới gần 50%, trong đó 44% muốn bỏ nghề, 15% bị trầm cảm và thậm chí nghĩ tới việc tự tử.
Một số nghiên cứu quốc tế cho thấy những nhân tố hàng đầu khiến bác sỹ kiệt sức gồm: mệt mỏi với các thủ tục bàn giấy quan liêu, nhất là việc phải lấy và nhập thông tin dữ liệu hồ sơ y tế điện tử của bệnh nhân (EHRs); làm việc nhiều giờ liên tục không ngưng nghỉ trong điều kiện công việc quá tải; không được người quản lý, đồng nghiệp và nhân viên bệnh viện tôn trọng; chạy theo lợi nhuận hơn là vì bệnh nhân; áp lực từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; cảm giác không được đóng vai trò quan trọng trong tổ chức; thu nhập, trợ cấp, đền bù độc hại nghề nghiệp giảm; áp lực luôn phải học tập và nâng cao bằng cấp…
Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết, các bác sỹ nước này phải sử dụng tới 6 giờ mỗi ngày để xử lý EHRs. Họ không còn có thời gian để gặp, lắng nghe, thông cảm với bệnh nhân hoặc trò chuyện giải tỏa căng thẳng với người thân. Do vậy, sự phát triển của EHRs chính là vấn đề lớn dẫn đến việc bác sỹ kiệt sức trong thời đại công nghệ. Ngoài ra, lối sống cũng ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các bác sỹ. Dù đưa ra nhiều lời khuyên cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân nhưng chính một số bác sỹ rất lười tập thể dục, có những bác sỹ đối phó với áp lực công việc bằng cách ăn vô độ, hút thuốc và uống rượu. Theo khảo sát của Medscape, 24% bác sỹ Bồ Đào Nha và 21% bác sỹ Pháp không bao giờ tập thể dục; 23% nam bác sỹ và 21% nữ bác sỹ ở Mỹ uống rượu để đối phó với sự kiệt sức.
2. Tình trạng kiệt sức đối với bác sỹ và nhân viên y tế đang là thực trạng đáng báo động ở nhiều nước trên thế giới và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trước hết, nó đe dọa tính mạng của chính những người làm việc trong ngành y tế. Tháng 1/2018, sau khi kết thúc ca trực đêm tại bệnh viện Đại học Thanh Hải, bác sỹ Gui Qingyuan – 43 tuổi – cảm thấy đau ngực, khó thở, lên cơn co giật và ngất xỉu. Trải qua 4 giờ cấp cứu, anh vẫn không qua khỏi. Đêm trước khi qua đời, bác sỹ Gui đã điều trị cho 40 bệnh nhân và làm thêm 3 tiếng.
Trước đó, tháng 12/2017, Zhao Bianxiang – một nữ bác sỹ chuyên khoa hô hấp ở bệnh viện tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc – cũng bất ngờ đột quỵ và qua đời. Nguyên nhân được cho là do kiệt sức vì trước đó, bác sỹ mới 43 tuổi này đã làm việc liên tục 18 tiếng không nghỉ. Tháng 6/2017, bác sỹ Stefanus Taofik - 35 tuổi - bị suy tim dẫn tới tử vong ngay tại nơi làm việc. Trước khi qua đời, Taofik làm bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Bintaro Jaya (Indonesia). Vào dịp lễ Hari Raya, cơ sở y tế thiếu nhân lực trầm trọng nên anh tình nguyện tăng ca, làm việc liên tục 4 ngày không nghỉ.
Không chỉ vậy, Taofik còn giúp đỡ thêm 2 bệnh viện khác. Do kiệt sức dẫn đến trầm cảm kéo dài, một số bác sỹ đã tìm đến cái chết. Theo khảo sát của Medscape, cứ 7 bác sỹ Mỹ thì có 1 người có ý định tự tử, trung bình mỗi ngày có ít nhất 1 bác sỹ Mỹ tự vẫn. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các ngành nghề khác và cao gấp đôi so với các nhóm dân cư.
Tiếp đến, việc bác sỹ kiệt sức làm ảnh hưởng chất lượng phục vụ bệnh nhân. Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy trong 3 tình trạng kiệt sức, mệt mỏi và trầm cảm thì kiệt sức có nguy cơ cao nhất dẫn đến sai sót y khoa, đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Hơn 10% trong số 6.700 bác sỹ trên khắp nước Mỹ thừa nhận mắc sai sót ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng trước khi tham gia khảo sát của Stanford, với tỷ lệ cứ 20 sai sót thì dẫn tới 1 bệnh nhân thiệt mạng. Các bác sỹ bị kiệt sức có nguy cơ mắc sai sót cao gấp đôi so với những bác sỹ bình thường khác. Theo nghiên cứu này, sai sót phổ biến nhất là chẩn đoán sai. Bác sỹ chụp X-quang, bác sỹ phẫu thuật thần kinh và bác sỹ cấp cứu mắc sai sót nhiều nhất. Bên cạnh đó, kiệt sức đang khiến nhiều sinh viên ngành y và bác sỹ mất đi niềm đam mê nghề nghiệp, từ đó thiếu cảm thông, trở nên vô cảm với bệnh nhân và hành xử thiếu chuyên nghiệp như: chẩn đoán qua loa, chủ quan; cáu gắt, nói dối, gian lận…Cuối cùng, bác sỹ bỏ việc do kiệt sức dẫn đến việc hệ thống y tế đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Christine Sinsky – chuyên gia tại Hiệp hội Y khoa Mỹ - ước tính thay thế một bác sỹ mất từ 500.000 USD tới 1 triệu USD; điều đó có nghĩa là việc hàng chục bác sỹ bỏ việc do kiệt sức có thể khiến một bệnh viện mất hàng chục triệu USD mỗi năm để tuyển bác sỹ mới.
Mặc dù kiệt sức dẫn tới hậu quả lớn, nhiều bác sỹ vẫn không tìm sự trợ giúp từ người thân, đồng nghiệp và các cơ sở y tế bởi họ quá bận rộn, không muốn tiết lộ tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân hoặc không tin tưởng vào các chuyên gia tư vấn, trị liệu y tế khác.
Đánh giá hiện tượng bác sỹ kiệt sức ở Mỹ là “cuộc khủng hoảng y tế công”, báo cáo năm 2019 của Viện Y tế toàn cầu Harvard phối hợp với Trường Y tế công T.H Chan Havard và Hiệp hội bệnh viện, y tế tiểu bang Massachusetts đã đưa ra 3 giải pháp mà các bệnh viện, cơ sở y tế có thể giúp các bác sỹ phòng chống chứng kiệt sức. Đó là tạo điều kiện, khuyến khích các bác sỹ tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe tâm thần; thay đổi đáng kể các tiêu chuẩn EHRs để bác sỹ có thể sử dụng dễ dàng; xây dựng các nhân sự điều hành cấp cao về chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần ở mọi cơ sở y tế, nhằm nghiên cứu khảo sát về các nguyên nhân kiệt sức và đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp cho bác sỹ.
Với cá nhân các bác sỹ, họ có thể làm gì để giảm nguy cơ kiệt sức? Ranh giới giữa tình trạng bình thường, căng thẳng và kiệt sức khá mong manh. Do vậy, các bác sỹ cần hiểu rõ những dấu hiệu của kiệt sức để phòng tránh. Các bác sỹ cũng cần có thêm thời gian để vui chơi, giải trí, tập thể dục, thể thao, trò chuyện với gia đình, bè bạn và hòa mình vào xã hội.
Khảo sát của bác sỹ Marchalik - giám đốc về sức khỏe bác sỹ tại Tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận MedStar Health (Mỹ) - cho thấy, đọc ít nhất 1 cuốn sách/1 tháng sẽ giúp các bác sỹ bộc lộ sự cảm thông nhiều hơn, từ đó giảm nguy cơ kiệt sức, trầm cảm.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khuyên rằng các bác sỹ có thể tập luyện và theo đuổi lối sống “Mindfulness” (chuyên tâm, toàn tâm toàn ý) để giảm bớt căng thẳng, chống trầm cảm, tăng khả năng tập trung chuyên môn, khơi dậy tình thương và tăng cường mối quan hệ với các bệnh nhân.
Có thể nói, nghề y là một nghề rất vất vả, áp lực. Vì vậy, cộng đồng và các tổ chức chuyên khoa cần có sự chia sẻ nhiều hơn nữa trước tình trạng kiệt sức của các bác sỹ, giúp họ không còn cảm thấy cô độc nữa.