21h ngày 23/1, trong khi kiểm tra chiếc xe buýt mang biển số 53N-5309, anh Phạm Đình Trung, 27 tuổi, người điều hành tuyến xe buýt số 19, tình cờ nhặt được chiếc ví ở băng ghế sau. Anh kiểm tra thì phát hiện trong ví có gần 9 triệu đồng tiền mặt và một số giấy tờ.
Sáng hôm sau, anh chụp hình chứng minh nhân dân có trong ví và đưa lên mạng xã hội để tìm chủ nhân mang tên B.M.D.
Thông qua một người thân, anh D. biết được và mang sổ hộ khẩu đến nhận lại ví. Đối chiếu giấy tờ và thấy người đến nhận giống với hình trên chứng minh nhân dân, anh Trung liền trả lại toàn bộ số tiền và giấy tờ.
Có 6 năm thâm niên làm điều hành xe buýt, anh Trung từng nhặt được vô số loại giấy tờ của người đi xe buýt đánh rơi, nhiều nhất là thẻ sinh viên, cứ khoảng 2-3 ngày lại nhặt được một cái. Lần nào anh cũng đăng thông tin lên mạng để tìm chủ tài sản.
Đặc biệt, những ngày cận Tết, lợi dụng người đi xe buýt đông, mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, các đối tượng xấu trà trộn móc túi hành khách rồi ném lại giấy tờ. Anh Trung kể anh và các đồng nghiệp nhặt được không biết bao nhiêu loại giấy tờ bị quăng lại.
"Khi liên hệ nạn nhân đến nhận lại giấy tờ, nhiều người tỏ ý nghi ngờ và muốn trả tiền chuộc lại, nhưng tôi bảo mình không lấy tiền nên không nhận tiền chuộc làm gì, chỉ nhận lời cảm ơn thôi. Mình tìm người trả lại cũng chỉ mong người ta không phải mất công làm lại giấy tờ", anh Trung tâm sự.
Các loại thẻ sinh viên và ví nhặt được, anh Trung đều dán thông tin ở trạm điều hành xe buýt tại làng Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong ảnh là chiếc thẻ sinh viên vẫn chưa có người đến nhận. Dịp cận Tết, anh và các đồng nghiệp trả lại phần lớn giấy tờ, chỉ còn lại chiếc thẻ sinh viên này. |
Chị Ngọc, người bán nước tại trạm điều hành xe buýt bến xe làng đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết anh Trung thường được các đồng nghiệp mô tả là người thật thà, hòa nhã và siêng năng làm việc.
"9 triệu đồng đó may mà Trung nhặt được, chứ là người khác không biết còn đủ số tiền như vậy để trả cho người ta không", chị Ngọc nói.
Anh Trung nói việc anh làm chỉ là hành động theo lương tâm mách bảo. Lúc tìm thấy chiếc ví, anh nghĩ người làm mất chắc đã phải làm lụng cực khổ cả năm trời mới dành dụm số tiền đó để về quê đón Tết.
"Nếu mình không cố gắng hết sức để giúp đỡ thì chẳng khác nào gián tiếp tước mất cái Tết của người ta. Chỉ mong làm được gì đó để giúp họ có cái Tết trọn vẹn", anh Trung nói.
Với công việc điều hành xe buýt, anh Trung không có kỳ nghỉ Tết dài như những người khác. Trưa 30 Tết, anh Trung mới bắt xe đò về quê ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), đến mùng 2 Tết lại vào Sài Gòn đi làm.
Anh tận tụy với công việc của mình, ngày đi làm của anh bắt đầu từ 5h sáng khi chiếc xe đầu tiên xuất bến, đến tối xong hết việc mới được về nhà. Đồng nghiệp của anh chia sẻ có khi thấy 10h đêm anh vẫn còn ngồi tổng kết sổ sách.
"Giờ còn trẻ, mình cũng chưa có dự định gì khác cho tương lai ngoài chăm chỉ làm việc. Cả mình và gia đình đều có thu nhập ổn định, đủ sống, không dư dả cũng không thiếu thốn gì. Với mình thì như thế là hài lòng rồi", anh Trung nói.