Chạy đâu cho hết bụi?

Chạy đâu cho hết bụi?

Thay vì theo dõi mức nhiệt nóng hay lạnh, giờ trước khi ra đường, người dân Thủ đô lại chăm chăm lấy điện thoại, vào app xem chỉ số chất lượng không khí hôm nay là bao nhiêu? Mỗi khi chào một ngày “tím ngắt” hay “đỏ rực”, ai nấy đều lặng thinh, “hết muốn thở”...
* * *
Chạy đâu cho hết bụi? ảnh 1

Tông màu chủ đạo của Hà Nội cũng như nhiều tỉnh lân cận trong tuần qua đậm đặc sắc đỏ và tím, thậm chí có ngày xuất hiện nhiều vệt nâu ở một số địa điểm ngoại thành. Với nhiều người đã quá quen với ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) được biểu hiện qua các tông màu khác nhau thì đó thực sự là những con số đầy lo lắng và mệt mỏi.

Chất lượng không khí quyết định chất lượng cuộc sống, không thể sống tốt nếu hít thở cũng thấy mệt” TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

Theo đó, mức chất lượng không khí AQI tốt là <50, mức khá là từ 50 đến 100. Mức không tốt là từ 100 - 200, mức nguy hiểm đến sức khỏe là từ 200 - 300 và từ 300 trở lên là mức rất nguy hại cho sức khỏe. Song song với các mức chỉ số là các nấc thang màu sắc để người xem dễ theo dõi. Mức xanh (tương đương với không khí tốt dưới 50), Mức vàng, cam (chất lượng không khí khá dưới 150), Mức đỏ (có hại cho sức khỏe), Mức tím (rất có hại cho sức khỏe), Mức nâu (nguy hiểm cho tất cả mọi người).

Chạy đâu cho hết bụi? ảnh 2

Theo bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual vào lúc 8h ngày 26/9, Hà Nội ở vị trí số 1 (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức xấu), trên cả Thủ đô Jakarta của Indonesia và TP HCM. Suốt những ngày cuối tháng 9, ngày nào cũng như ngày nào, ban ngày AQI toàn miền Bắc lấp lánh màu vàng cam chói mắt, đến tối những chấm màu vàng đổi sang tông đỏ quạch. Trời ít mây, nắng ban ngày liên tục gay gắt. Mùa thu Hà Nội chìm nghỉm trong lớp mù sương và khói bụi hư ảo đến nghẹt thở. Số người cao tuổi, trung niên tập thể dục quanh hồ Gươm, hồ Tây đã ngày một vắng bóng…

Hiện người dân Thủ đô và khắp Việt Nam có 3 nguồn “check” chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) thông dụng nhất, đó là Air visual (app), PAMAir (app) và  trang web: Moitruongthudo.vn. Còn nếu không thành thạo ứng dụng, người dân chỉ cần bật ti vi lên, chương trình dự báo thời tiết trên VTV mỗi ngày đã cập nhật chỉ số chất lượng không khí đều đặn để mọi người dân tiện theo dõi. Theo các chuyên gia về môi trường, chỉ số này “nhảy múa” theo từng thời điểm, được tính theo giờ, theo ngày, không cố định trong ngày, với những số liệu khác nhau từ các trạm đo tự động gửi về. Đáng báo động, ở các thành phố lớn và đông dân như Hà Nội, ngày càng nhiều sự xuất hiện của các phần tử bụi, bụi mịn, khí CO, SO2, NO2, O3 trong không khí ở nồng độ vượt quá giới hạn cho phép. Trong đó, vấn đề nghiêm trọng nhất ở Việt Nam hiện nay là bụi mịn PM2.5- tức loại bụi có kích cỡ hạt nhỏ hơn hơn 2,5micromet (nhỏ hơn sợi tóc người tới 30 lần). Hệ hô hấp của con người có thể cản và loại trừ được 90% bụi có kích thước trên 5 µm, còn các loại bụi nhỏ dưới 5 µm, đặc biệt là các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 µm có mặt trong bầu khí quyển sẽ theo không khí hít vào đến tận phế nang, lắng lại ở đường hô hấp gây ra nhiều bệnh như bệnh đường hô hấp, bệnh hen suyễn, viêm cuống phổi, viêm cơ phổi...

Chạy đâu cho hết bụi? ảnh 3

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cách đây khoảng chục năm, khi ông còn công tác tại Tổng cục Môi trường, tại một Diễn đàn kinh tế thế giới họp 2 năm một lần, Việt Nam đã bị bảng xếp hạng công bố xếp Top cuối, báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí. Khi ấy, Thủ tướng đã đặc biệt quan tâm, phê vào bản báo cáo đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường báo cáo tại sao lại xảy ra tình trạng đó. Nhưng rồi vụ việc chìm đi, vì số liệu này báo cáo 2 năm một lần. 10 năm trôi qua, thời đại bùng nổ thông tin gõ cửa, thông tin về ô nhiễm môi trường “đập” vào mắt, vào tai người dân hàng ngày. Người dân đã biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về những nguy hiểm cũng như tác hại của bụi mịn PM 2.5...

“Dạo trước không có số liệu thì vấn đề rác thải và nước được quan tâm hơn, không khí không nhìn thấy nên chưa được quan tâm đúng mức. Giờ các nguồn thông tin công khai, đa dạng, không còn định tính nữa mà định lượng bằng màu, bằng con số rõ ràng nên ai cũng lo lắng - ông Tùng nói. “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng thành phố thông minh, mà môi trường là thành phần không thể thiếu. Người dân sống trong thành phố thông minh có quyền đòi hỏi được sống trong bầu không khí trong lành. Chất lượng không khí quyết định chất lượng cuộc sống, không thể sống tốt nếu hít thở cũng thấy mệt”.

Chạy đâu cho hết bụi? ảnh 4

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm PGS.TS Hồ Quốc Bằng, tại TP HCM, hoạt động giao thông đóng góp 50% lượng bụi, hoạt động gia dụng chiếm 30% và công nghiệp chiếm 20% lượng bụi. Riêng xe máy chiếm 37,7% lượng bụi. Theo ông Tùng, đây cũng là một vài nguyên nhân khiến Thủ đô Hà Nội rơi vào cảnh ô nhiễm không khí ở mức báo động.

Trong khi người dân tự mình cứu mình, theo dõi sát sao các chỉ số trên ứng dụng để lựa chọn hành trình di chuyển, lựa chọn giờ làm việc ít bị ô nhiễm nhất thì các cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong công tác thu thập dữ liệu, đọc các chỉ số ô nhiễm, đánh giá nguy cơ ô nhiễm, thông báo cho người dân kịp thời...

“Không thể nói không ô nhiễm nữa rồi, không thể né tránh được, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp lấy lại môi trường trong lành cho người dân. Nếu trước đây báo chí ít đưa tin, ứng dụng về chỉ số chất lượng không khí cũng hạn chế thì nay, thông tin đã bùng nổ, người dân có quyền được biết, được cập nhật thông tin để có chủ động đối diện với các nguy cơ sức khỏe”.TS Hoàng Dương Tùng

“Không thể nói không ô nhiễm nữa rồi, không thể né tránh được, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp lấy lại môi trường trong lành cho người dân. Nếu trước đây báo chí ít đưa tin, ứng dụng về chỉ số chất lượng không khí cũng hạn chế thì nay, thông tin đã bùng nổ, người dân có quyền được biết, được cập nhật thông tin để có chủ động đối diện với các nguy cơ sức khỏe” – TS Hoàng Dương Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, bấy lâu nay, chúng ta chỉ chăm chăm đề ra những mục tiêu kiểm soát rác thải, kiểm soát ô nhiễm nhưng không dám đặt ra mục tiêu giảm lượng bụi PM2,5 xuống mức bao nhiêu… “Vì sao? Vì chúng ta không kiểm kê được nguồn thải, không có các số liệu chính xác để quản lý. Công cụ quản lý có nhưng chúng ta bị thiếu số liệu, điều này cản trở công tác nghiên cứu, đánh giá, đưa ra mục tiêu chính xác”.

Hiện số lượng trạm quan trắc đo chất lượng không khí nằm rải rác ở các tỉnh thành, Hà Nội có 2 trạm, Phú Thọ 1 trạm, Quảng Ninh 1 trạm, Vĩnh Phúc 1 trạm, Huế 1 trạm, Đà Nẵng 1 trạm… “Nhưng đó là số lượng, còn chất lượng thì không tốt. Lâu nay chính quyền không quan tâm bảo trì bảo dưỡng máy móc. Chỉ sau khoảng 2 năm hoạt động, thiếu tiền là lụi dần, môđun hỏng… Đơn cử TP HCM từng có 9 trạm đo hoạt động rất hiệu quả, nhưng sau khi hết tiền dự án là tàn dần, cách đây 6-7 năm tất cả trạm đóng cửa, nay chưa có thêm trạm nào đo tự động” – ông Tùng dẫn chứng.

Chưa kể, số liệu về chỉ số chất lượng môi trường đang ở tình trạng phân tán, không dễ dàng thu thập, mỗi cơ quan một số liệu, “của anh nào anh ấy giữ”. “Ngày trước khi còn làm ở Tổng cục Môi trường, chúng tôi muốn lấy số liệu từ nguồn Tổng cục Khí tượng thủy văn nhưng họ không công khai. Tổng cục Môi trường muốn có số liệu cũng phải mua của Tổng cục Khí tượng thủy văn với lý do Tổng cục Môi trường không nằm trong danh sách được cung cấp số liệu miễn phí…” – TS Hoàng Dương Tùng kể lại. Việc thống kê số liệu bị hạn chế, trong khi chất lượng số liệu thu được cũng chưa thật sự tốt vì phải kết hợp số liệu từ rất nhiều bên, từ khí tượng, viễn thám đến quan trắc…  “Mấy năm trước chúng tôi thống kê các văn bản pháp quy, nhưng đáng tiếc văn bản đề cập đến ô nhiễm không khí rất ít, chủ yếu là vấn đề ô nhiễm nước, rác thải. Đó là những thứ nhìn thấy được, còn không khí thì không. Chúng tôi từng đến những cơ sở sản xuất mà bước vào 2 phút phải phải ngay, nhưng công nhân vẫn miệt mài làm, vẫn tăng gia sản xuất, vì họ không quan tâm đến chất lượng không khí”.

Chạy đâu cho hết bụi? ảnh 5

Theo ông Tùng, sắp tới người dân phải nâng cao ý thức, tự thay đổi hành động của mình để bảo vệ môi trường như hạn chế đốt rơm rạ, xả thải, tắt  máy khi dừng xe… đồng thời các cơ quan liên quan phải có động thái quyết liệt hơn nhằm kéo lại bầu không khí trong lành cho người dân. Điều cần làm là hợp tác giữa các cơ quan về môi trường, liên kết, trao đổi với nhau, đánh giá kết quả các chỉ số khi mà các số liệu đang bị rời rạc, đã thiếu lại càng yếu. Việc trang bị nhiều máy đo hơn để phục vụ người dân cũng là điều cần có bởi kiến tạo thành phố thông minh không thể thiếu máy quan trắc tự động. “Chúng ta sẽ cần nhiều công nghệ hơn nữa để giải quyết khủng hoảng khí hậu, nhưng vấn đề này sẽ không thể giải quyết được nếu không có những tư duy vượt trội” – TS Tùng nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?