Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin

Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin

 Cách đây hơn 3 năm, Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1980), nhân viên Tổng công ty Vận tải Hà Nội phải cắt bỏ một bên ngực bởi căn bệnh ung thư vú quái ác. Căn bệnh ấy đã cướp đi của Hạnh nhiều thứ, mái tóc đen mượt, làn da tươi tắn, thanh xuân êm đềm với viễn cảnh tương lai vui vầy bên đàn con thơ… nhưng không cướp được niềm lạc quan ở người đàn bà ham sống này.
* * *
Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin ảnh 1

Đã gắn bó với căn bệnh ung thư vú từ năm 2016, từ những ngày Bệnh viện K cơ sở Tân Triều lác đác bệnh  nhân đến điều trị nhưng phải đến ngày hẹn tiêm thuốc định kỳ mỗi tháng một lần, Hạnh mới nhớ mình mang bệnh. Thậm chí có lần bị công việc cuốn đi, bộn bề những cuộc hẹn hò với bạn bè hay đồng nghiệp khiến Hạnh quên cả lịch hẹn bác sĩ. Hạnh thỉnh thoảng mới nhớ mình có bệnh vì nhịp sống trước và sau khi phát hiện có K không thay đổi quá nhiều. Có khác chăng là phải ghé thăm bệnh viện mỗi tháng một lần, để tiêm hóa chất giảm nội tiết tố.

Sau chuỗi ngày dài mổ ngực, truyền thuốc, xạ trị rồi đến tiêm mỗi tháng một lần, Hạnh thấy cuộc sống này vẫn tươi đẹp. Không phải nhìn vào ai để tìm động lực sống, cũng không phải nhờ ai đó an ủi để gượng đứng lên, Hạnh đối diện với cuộc sống một cách bình thản và chủ động.

Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin ảnh 2

Nhiều bệnh nhân ung thư vú đang điều trị ở cơ sở K Tân Triều nhớ mặt nhớ cả tên Hạnh, gọi chị là “huyền thoại” ở bệnh viện vì gương mặt lúc nào cũng lấp lánh nụ cười, niềm lạc quan vui sống thì… cao hơn núi. “Có lần tôi đến viện, nhờ ghé tạm vào giường bệnh để nằm chờ tiêm thuốc, bị người ta mắng xa xả: “người nhà bệnh nhân không được nằm giường này”. Nói tôi là bệnh nhân mà nhiều người  không tin” - chị Hạnh cười. Nhìn Hạnh ở ngoài, nếu không phải gặp trong viện hay gặp đúng thời điểm chị xạ trị, mái tóc đen mượt rụng hết cả, thì nhiều người sẽ không thể biết Hạnh bị ung thư. 

“Năm 2016, thấy một khối u nhỏ trong ngực, tôi vào Bệnh viện E thăm khám, kết quả bình thường. Nhưng tôi vẫn cảm thấy đau nhức, không ổn. Một thời gian sau, tôi vào Bệnh viện Ung bướu khám, nhận kết quả mình mắc ung thư vú giai đoạn 2. Lúc đó, tôi sốc thực sự. Tôi khóc một hồi, chừng 15-20 phút, sau đó qua cơn, lại ngồi điềm tĩnh chấp nhận sự thật. Cảm giác có sợ hãi nhưng không choáng váng” – Hạnh kể.

Nỗi sợ mang tên ung thư chạy thoáng qua 15 phút, rồi Hạnh gạt nước mắt, lấy điện thoại gọi điện. Người Hạnh thông báo bệnh tình đầu tiên là một người bạn thân lâu năm. Người bạn vừa biết tin đã khóc như mưa qua điện thoại, thương xót cho Hạnh. Hạnh tắt máy, cảm giác mình bình tĩnh hơn tất cả người ngoài. Chị đón nhận căn bệnh và lặng lẽ về nhà. Chị vào mạng, gõ Google, tìm đọc trên mạng tất tần tật về căn bệnh ung thư vú, về chuỗi ngày sắp tới đang đón đợi mình.

Điều Hạnh sợ nhất là người thân xung quanh suy sụp: “Lúc đầu tôi tránh mọi người, vì sợ mình xấu, mình trông rất mỏi mệt, chưa kể quá trình xạ trị, tóc rụng hết, chẳng ra làm sao cả. Tôi sợ mọi người thương hại mình nên cố  gắng tránh gặp. Thời gian đầu, tôi cũng khá nhạy cảm, tôi dặn mọi người trong nhà và bạn bè không được đối xử với mình khác đi, không vì thương hại mà chiều chuộng tôi hơn, người thân chiều là tự nhiên thấy mình chùng xuống, người mình khác ngay, yếu đuối và mệt mỏi hơn. Cứ buồn hay nghĩ ngợi nhiều là tôi thấy người mình chìm xuống, nặng nề hơn, khó chống chọi với bệnh tình. Người thân suy sụp là mình dễ lung lay”.

Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin ảnh 3

Những ngày xạ trị liên tiếp, Hạnh một mình đi xe máy gần 40 cây số cả lượt đi lượt về. Hạnh vẫn làm việc bình thường, chị đăng kí xạ buổi trưa. Cứ tan giờ làm buổi sáng, Hạnh đi xe máy xuống viện K cơ sở Tân Triều, trị xạ xong lại đi luôn về cơ quan cho kịp giờ làm buổi chiều. Triền miên như thế, hơn 30 mũi… Giờ, mỗi tháng chỉ cần đi một lần tiêm thuốc, Hạnh thấy nhịp sống quay trở về như bình thường. Mọi thứ cứ thế trôi đi, sau bao nhiêu lần say thuốc quay cuồng, sợ hãi với những ống tiêm to đùng, Hạnh sống cùng ung thư vú đã hơn 3 năm. Quãng thời gian ấy, Hạnh sợ nhất không phải là căn bệnh đang bám riết mình, mà sợ xấu, sợ béo, sợ mọi người thương hại mình, vậy thôi.

Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin ảnh 4

Những chuỗi ngày đi chữa ung thư vú, Hạnh may mắn được gặp gỡ các chị em đồng cảnh ngộ. Mỗi người một cảnh, nhưng mấy chị em cùng nhắc nhau lịch tiêm, nhắc nhau hội ngộ, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Hạnh chưa có con, căn bệnh này không hứa hẹn cho Hạnh được sống tròn thiên chức người mẹ, nhưng Hạnh không buồn hay nặng nề chuyện con cái. “Có lần, bác sĩ hỏi tôi chữa xong em có đẻ không, tôi cười, sống còn chưa biết ra sao, làm sao đẻ con được. Bác sĩ động viên tôi, em cứ vui sống là được. Tôi luôn sống thật vui, thỉnh thoảng đi du lịch khám phá cuộc sống. Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ” - Hạnh nói.

Giờ Hạnh sống êm đềm trong một căn hộ chung cư gần bến xe Mỹ Đình. Niềm vui của Hạnh là 3 chú mèo xinh xắn lúc nào cũng ngóng Hạnh về. Hành trình chữa bệnh luôn có “hội chị em” trong viện đồng hành, người ta vui thì Hạnh cũng vui. Với Hạnh, đi chữa bệnh như kiểu đi họp mặt, mỗi lần đến định kỳ thăm khám là mấy chị em thân lại í ới: “chị ơi sắp đến ngày đấy nhé”. Mọi chuyện rất dễ dàng và nhẹ nhõm.

Nói thế, chứ Hạnh sợ kết bạn quá nhiều với bệnh nhân ung thư. Hễ nghe thấy ai đó qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác là Hạnh lại trầm ngâm, nghĩ ngợi. Nỗi sợ ấy kinh khủng lắm, nó khiến Hạnh chùng chân, mỏi gối, dễ rơi vào tiêu cực. “Sợ lắm, càng chơi nhiều, càng chứng kiến nhiều nỗi đau, mình càng mất niềm tin, mất tinh thần” – Hạnh bảo, Hạnh chỉ dám chơi thân với 3-4 chị em đồng cảnh ngộ, trở thành chỗ dựa tinh thần của nhau mỗi khi thấy mệt mỏi.

Mất ngực không sợ bằng mất niềm tin ảnh 5

Với tinh thần lạc quan ấy, mỗi tháng qua bệnh viện, Hạnh luôn động viên những người đồng cảnh ngộ như chị vượt qua nỗi lo sợ, chán chường. Thậm chí, có bác sĩ viện K còn nhờ Hạnh và người chị thân cùng khoa điều trị với Hanh – hai người được mệnh danh lạc quan, vui tính nhất hội: “động viên bệnh nhân hộ tôi” vì “cái tội” lên viện, chỉ thấy cười nói kể chuyện vui, “không ai nghĩ bọn chị đi chữa bệnh, mọi người nhầm chị đi thăm người ốm” - chị Hạnh cười giòn tan.

Thỉnh thoảng, trong những lúc rảnh rỗi, Hạnh lại cùng 3-4 chị em đồng cảnh ngộ, đến bệnh viện động viên những bệnh nhân khác. “Nhìn nhiều người bệnh nặng hơn mình, tôi thấy thương lắm. Giúp được gì là tôi giúp, từ nhường giường bệnh cho những người ở quê xa lên viện K trị xạ đến an ủi, động viên họ vượt lên khó khăn…”. Những hành động ấy, tuy nhỏ thôi, nhưng khiến Hạnh thấy yêu đời và “đỡ áy náy hơn”, vì chị hiểu hơn ai hết, quá trình mổ cắt ngực - truyền hóa chất - xạ trị - tiêm thuốc đau đớn và mòn mỏi như thế nào, chị ở Hà Nội đã đành, những người ở quê xa lên phố, biết bao nhiêu khó khăn vất vả

Biết mình mang mầm mống ung thư trong người, Hạnh bảo, chị không sợ bệnh, chỉ sợ xấu. Hạnh vẫn đam mê làm đẹp, chăm sóc da mặt, vẫn ham thích đi du lịch, khi Mù Căng Chải, khi Đà Nẵng… “Đừng chăm chăm nghĩ mình có K, cứ sống vui đi đừng sợ. Cuộc sống tươi đẹp hay không là do mình lựa chọn” – Hạnh muốn gửi đến những người cùng cảnh ngộ với mình rằng, ung thư vú không phải là đường cùng, hãy đơn giản coi căn bệnh như một người bạn, đi song song bên đời ta, nhưng không thể bắt ta phải từ bỏ niềm tin sống, niềm ham sống.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).