‘Chiến lược chống dịch là xuyên suốt, không thay đổi’

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) khẳng định: Những vấn đề lớn trong chiến lược chống dịch là xuyên suốt, không thay đổi. Tùy từng giai đoạn, thời điểm chúng ta phải có điều chỉnh, tập trung vào những khâu nào, việc gì, phù hợp với tình hình, năng lực thực tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Để thực hiện “mục tiêu kép”, phải cân nhắc giữa thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Để thực hiện “mục tiêu kép”, phải cân nhắc giữa thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 11/5, tại giao ban báo chí hàng tuần của Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi với lãnh đạo, đại diện các báo, đài một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: Chiến lược chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, vaccine, ngăn chặn nhập cảnh trái phép.

Phó Thủ tướng nêu rõ, từ đầu dịch Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và cũng sớm có ca bệnh nhất. Ngay từ đầu, chúng ta đã đề ra chiến lược phòng, chống dịch nhất quán, từ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, toàn dân, đặc biệt là lực lượng nòng cốt trong chống dịch và sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, đã thực hiện nhất quán chiến lược đó, nên đến giờ phút này Việt Nam vẫn là một trong số những nước chống dịch tốt nhất trên thế giới.

Cập nhật đến ngày hôm nay, xét về tổng số ca nhiễm, Việt Nam đứng khoảng thứ 176 trên thế giới, còn số ca bệnh/100 triệu dân thì chúng ta đứng khoảng thứ 214/220 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Điều đó thể hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược trong phòng chống dịch của Việt Nam đến giờ phút này hoàn toàn đúng đắn.

Ví dụ, ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, chúng ta đã đặt mục tiêu sẵn sàng điều trị nhưng đầu tiên không được để số ca nhiễm nhiều, bởi một nền y tế như của Việt Nam nếu có nhiều người nhiễm thì hậu quả sẽ khôn lường.

Lưc lượng tham gia phòng, chống dịch là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn thể nhân dân. Vì vậy, công tác truyền thông của chúng ta cũng để phục vụ cho toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Các nguyên tắc, bước đi, phương châm chống dịch cũng được xác định rất rõ: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Những nguyên tắc đó đến giờ phút này không thay đổi.

“Đến giờ phút này, thực tiễn đã chứng minh Việt Nam không chỉ chống dịch tốt, mà kinh tế vẫn tăng trưởng, chi phí, tổn thất do phòng, chống dịch vẫn là thấp so với các nước. Vị thế của đất nước tăng lên cũng có một phần do thành công trong phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng nói.

Khoanh vùng nhanh nhất và gọn nhất có thể

Phó Thủ tướng cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ông nhận được nhiều câu hỏi về việc đã cần phải có những biện pháp chống dịch mạnh hơn như giãn cách xã hội hay chưa. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, để thực hiện “mục tiêu kép”, chúng ta phải cân nhắc giữa áp dụng cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Đây chính là bản lĩnh của lãnh đạo các cấp, dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra các quyết định phù hợp vừa chống dịch hiệu quả, vừa giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Quan điểm xuyên suốt của Ban Chỉ đạo từ trước đến nay là khoanh vùng nhanh nhất và gọn nhất có thể. Trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn nhưng chúng ta phải khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để nếu có thể thì thu hẹp phạm vi khoanh vùng”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định “những vấn đề lớn trong chiến lược chống dịch là xuyên suốt, không thay đổi”.

Tùy từng giai đoạn, thời điểm chúng ta phải có điều chỉnh, tập trung vào những khâu nào, việc gì, phù hợp với tình hình, năng lực thực tế. Qua mỗi đợt dịch bùng phát, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm khắc những bài học, kinh nghiệm, đặc biệt những gì làm chưa tốt để chấn chỉnh. Ví dụ, đúc rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước và những ngày gần đây cho thấy các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đều có đủ nhưng thực hiện không nghiêm, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã rất nhấn mạnh vấn đề kỷ cương.

Phó Thủ tướng khẳng định những quan điểm từ trước đến nay của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đều dựa trên những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng chiến lược của Trung ương, giao trách nhiệm cho các địa phương trên tinh thần “4 tại chỗ” và phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo các tỉnh/thành phố. Các địa phương căn cứ vào các hướng dẫn chuyên môn để có các biện pháp chống dịch cần thiết.

Đặc biệt cần lưu ý một số khâu. Thứ nhất là chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị theo kịch bản chung của toàn quốc. Trước đây, Chính phủ giao Bộ Y tế chuẩn bị cho kịch bản 10.000 ca nhiễm, nhưng do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tình hình quốc tế phức tạp hơn, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng kịch bản cho tình huống có 30.000 ca nhiễm. Căn cứ kịch bản chung, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn xuống các tỉnh để chuẩn bị.

Thứ hai, dựa trên các biện pháp chuyên môn các tỉnh có biện pháp phù hợp, chống dịch an toàn, thực hiện “mục tiêu kép”.

“Gần đây, Ban Chỉ đạo yêu cầu khi một tỉnh thực hiện cách ly, giãn cách xã hội ở địa bàn lân cận thì trao đổi với các tỉnh bạn để thống nhất. Trường hợp cách ly, giãn cách toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kép”, Phó Thủ tướng nói.

Có vaccine thì chống dịch mới căn cơ, lâu dài

Về vaccine, Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ khi có dịch, Ban Chỉ đạo đã họp, nhận định nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại lâu nên đã giao cho Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tập trung toàn lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine phòng COVID-19. Ban Chỉ đạo cũng dự báo “cuộc chiến” về vaccine sẽ cực kỳ căng thẳng. Nước nào có được vaccine sớm nhất thì sẽ tranh thủ được thời cơ bứt lên trước.

Phó Thủ tướng khẳng định: Chủ trương ngay từ đầu của Việt Nam là phải có vaccine thì chống dịch mới căn cơ, lâu dài. Tìm mọi cách, từ nhập khẩu, sản xuất trong nước (tự nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ) để có vaccine sớm nhất, tiêm được nhiều nhất cho người dân. Việc này đã được báo cáo Bộ Chính trị. Chính phủ đã có nghị quyết giao thẩm quyền, trách nhiệm cho Bộ Y tế. Tuy nhiên, do nguồn vaccine trên thế giới đang trong tình trạng khan hiếm nên Việt Nam mới nhận được một lượng vaccine rất nhỏ. Bộ Y tế đang rất tích cực, bằng mọi cách để có vaccine sớm nhất và dự kiến cuối năm 2021 chúng ta sẽ có thêm một lượng vaccine nhất định, và nếu tiêm hết cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng.

Vì vậy, ít nhất từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch giống như khi chưa có vaccine.

Nguy cơ dịch bệnh rất lớn từ nhập cảnh trái phép

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ kêu gọi người dân nhận thức được ý thức, trách nhiệm, trước hết với chính mình, người thân, rồi đến cộng đồng, đất nước thực hiện đầy đủ nghiêm túc tất cả các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Việt Nam như “cánh đồng trũng”, bên ngoài “sóng to, gió lớn” chúng ta phải “bao đê cho chặt”, kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh. Mỗi lần rà soát lại, những gì còn chưa kín kẽ ở khâu kiểm soát xuất nhập cảnh thì phải hoàn thiện

“Xuất nhập cảnh trái phép là nguy cơ dịch bệnh rất lớn, là vi phạm pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hành pháp tiến hành xử lý nghiêm khắc, đặc biệt các tổ chức đưa người qua lại biên giới trái phép. Chính phủ cũng kêu gọi mọi người dân cùng tham gia ngăn chặn, phát hiện ngưới nhập cảnh trái pháp. Nhiều trường hợp người dân động viên, phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Chính phủ
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.
Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.