Chính quyền đang muốn “chuyền bóng” trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia cho chúng tôi

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) -  Di tích lịch sử văn hóa Nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang được đánh giá là di tích vô cùng độc đáo, được xếp hạng từ năm 1993. Sau hơn 100 năm tồn tại và gần 15 năm sử dụng, khai thác làm điểm du lịch, dinh thự họ Vương hiện trong tình trạng xuống cấp.

Chính quyền đang muốn “chuyền bóng” trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia cho chúng tôi

Năm 2019, chính quyền UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã trao trả lại sổ đỏ khu dinh thự cho gia đình họ Vương. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn đang có những bất đồng trong việc tôn tạo, trùng tu khu di tích này. Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, sau nhiều năm đấu tranh, đòi quyền lợi thì hiện nay gia đình, dòng họ Vương đã nhận lại được sổ đỏ của khu dinh thự - di tích nhà họ Vương, tuy nhiên dường như ông vẫn còn khá nhiều điều bức xúc với chính quyền sở tại?

Ông Vương Duy Bảo: Bây giờ, di tích nhà Vương có 2 vấn đề đặt ra, một là ai phải chịu trách nhiệm khi để cho di tích này đang có nguy cơ trở thành phế tích. Nó xuống cấp quá nhiều. Vấn đề thứ 2, đó là đến giờ vẫn chưa có thủ tục, giấy tờ nào để xác nhận, chính quyền đã bàn giao lại cho gia đình.

Đây là di tích cấp quốc gia, chính quyền giữ từ năm 1993 đến năm 2020 này, nhưng khi họ rút đi là rút thôi. Nên nhớ là UBND tỉnh Hà Giang trước đó đã có quyết định 927 thành lập một Tổ công tác, tham mưu cho tỉnh, giải quyết các vấn đề liên quan đến dinh thự này. Kế hoạch của Tổ là vào tháng 8/2020 phải kiểm kê, bàn giao dinh thự cho nhà họ Vương, nhưng đến giờ phút này, gần hết tháng 12/2020 mà cái tổ này vẫn chưa hoàn thành thủ tục để bàn giao cho chúng tôi.

Xin nhắc lại, di tích này đang xuống cấp, đang có nguy cơ trở thành phế tích. Tháng 5/2020 vừa qua, UBND huyện Đồng Văn có làm văn bản với tôi, rằng họ sẽ sửa chữa một số hạng mục đã xuống cấp của tòa dinh thự này. Nhưng sau đó họ cũng không làm gì cả.

Tháng 11 vừa rồi, họ có một văn bản gửi cho UBND tỉnh Hà Giang, xin ý kiến rằng, từ ngày 5/10/2020 đã có quy chế quản lý bảo vệ phát huy di tích này, và quy chế này có 1 dòng là, khi thu được tiền tham quan di tích này, thì dòng họ chúng tôi có trách nhiệm trích một phần ra, để sửa chữa, trùng tu di tích. Khi tiến hành trùng tu, sửa chữa thì phải tiến hành theo trình tự, thủ tục. Đấy, họ lấy cớ từ 5/10 có quy chế mới, gia đình phải có trách nhiệm sửa chữa chứ chính quyền không sửa nữa.

Nhận thức của họ về Di tích Quốc gia là như thế. Họ đang "chuyền quả bóng trách nhiệm" vào chân chúng tôi.

Theo tôi được biết, đã là Di tích Quốc gia, thì nhà nước có trách nhiệm phải trùng tu sửa chữa di tích này, để nó cùng gắn mãi với thời gian. Và gia đình chỉ có một phần trách nhiệm thôi, chứ gia đình tôi lấy đâu ra khả năng tài chính mà trùng tu di tích. Nếu nhà nước không có trách nhiệm, để gia đình tôi tự lo thì Nhà nước đừng công nhận Di tích Quốc gia làm gì.

Hơn nữa, từ năm 2006 đến giờ, 15, 16 năm các anh đã khai thác nó đều đặn, vậy cái tiền anh khai thác mỗi năm mấy tỷ, anh đem đi đâu, tại sao không trích ra để trùng tu, sửa chữa để đến nỗi dột, hỏng như bây giờ?

Chính quyền đang muốn “chuyền bóng” trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia cho chúng tôi ảnh 1

Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình

PV: Thưa ông, đề nghị ông nói rõ hơn về tình trạng xuống cấp của di tích Dinh thự họ Vương?

Ông Vương Duy Bảo: Nó quá xuống cấp ấy chứ, rất xuống cấp. Thứ nhất là toàn bộ hệ thống mái đã dột. Cái ngói này là ngói âm dương, nếu không bảo trì, sửa chữa thường xuyên thì nó xuống cấp là điều đương nhiên. Khi ngói xô lệch, dột gây ra tình trạng ẩm ướt, hỏng hệ thống khung gỗ của nhà, hỏng tường.

Bên cạnh đó, họ cũng tự tiện lắp một số máng nước, sai với thiết kế nên cái mái ngói có tình trạng nước ứ đọng hỏng hết cả tường, vì tường này là tường trình, bằng đất.

Nơi xuống cấp nặng nề nhất là hậu dinh, nơi ông Vương Chính Đức đã từng sống ở đó thì sắp sửa sập. Nhà này hầu hết có kết cấu là đất, đá và gỗ. Đất và gỗ do ngấm nước mưa nên nó hỏng gần hết. Tôi rất xót xa khi nhìn tòa dinh thự đang ở trong tình trạng như vậy.

Ngày 13/10/2020, chính quyền sở tại đã giải thể tổ quản lý, bảo vệ, quản lý, phát huy di tích nhà họ Vương. Sau khi họ rút đi mà không có văn bản bàn giao gì, chúng tôi phải trông coi thôi, chứ không lẽ để nó như cái nhà hoang.

Chính quyền đang muốn “chuyền bóng” trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia cho chúng tôi ảnh 2

Tình trạng dột nát, hư hỏng bên trong Dinh thự Vua Mèo

PV: Hiện nay, gia đình ông có bán vé để cho người dân vào thăm quan di tích này hay chưa?

Ông Vương Duy Bảo: Gia đình tôi hiện đã thành lập một Hợp tác xã quản lý di tích Nhà Vương, từ 28/11 mới phát hành vé thăm quan, vé thì đúng theo quy định của Nhà nước thôi.

PV: Gia đình, dòng tộc của ông muốn, kiến nghị những gì sau khi đã đòi lại thành công tòa dinh thự?

Ông Vương Duy Bảo: Di tích này, nó là biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc. Tại sao lại nói như vậy, là bởi vì có chính sách đại đoàn kết dân tộc, mà người khởi xướng là Bác Hồ cho nên mới thuyết phục được cha con ông Vương Chí Đức và Vương Chí Sình đi đến cách mạng. Và từ đó mới góp phần giữ được mảnh đất Đồng Văn cho cách mạng.

Không chỉ như vậy, gia đình họ Vương còn đóng góp rất nhiều tiền, của cho cách mạng. Chính vì vậy, Bác Hồ đã kết nghĩa với ông Vương Chí Sình làm an hem, tặng cho ông Vương Chí Sình gươm, áo để bảo vệ mảnh đất biên cương cho cách mạng Việt Nam.

Và tòa nhà này, của gia đình ông Vương Chí Sình nó đã trở thành biểu tượng sống động, tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc. Vậy tại sao cái nhận thức của chính quyền địa phương về Di tích Quốc gia, về tòa dinh thự biểu tượng này lại bộc lộ nhiều bất cập đến như vậy. Tại sao quản lý nó bao nhiêu năm, giờ lại xuống cấp rất nhiều rồi “chuyền bóng” sửa chữa, tôn tạo, trùng tu cho chúng tôi?

Quay trở lại câu hỏi của anh, là tôi mong muốn gì, tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cùng nhau chung tay, bảo vệ giữ gìn di tích. Để cho thế giới họ biết rằng, đấy chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam, chính sách này được thực hiện rất tốt. Tại sao họ chưa làm được điều đó, chúng tôi thực sự rất buồn.

Bản thân gia đình, dòng họ tôi đấu tranh để lấy lại tòa dinh thự này, không phải chúng tôi lấy về để sở hữu cá nhân, vì lấy về cũng có bán được đâu. Về nguyên tắc, chúng tôi là chủ, thì chúng tôi phải được sở hữu và giữ gìn, trông coi nó, để nó là tòa di tích sống, chứ không phải cách mà trước đây đang làm, đấy là cách vận hành một di tích chết, khô khan.

Chính quyền đang muốn “chuyền bóng” trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia cho chúng tôi ảnh 3

Tình trạng xuống cấp bên trong Dinh thự Vua Mèo

PV: Theo tôi được biết thì những sai phạm trong vấn đề quản lý, phát huy di tích nhà họ Vương trước đây đã được các cơ quan chức năng vào cuộc. Vậy họ đã vào cuộc, đã xử lý và trả lời ông ra sao?

Ông Vương Duy Bảo: Đúng rồi, tôi là người khởi xướng cái vấn đề đó. Tôi làm đơn tố cáo 6 sai phạm đối với di tích này. Sau đó thanh tra, kiểm tra họ vào làm và kết luận tố cáo của tôi đúng.

Nhưng họ đề nghị rằng, thôi, vì rằng theo quy trình tố cáo, cái tố cáo đó đúng thì sẽ phải công khai, sau công khai thì các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xử lý. Nếu xử lý, thì sẽ tạo ra rất nhiều cái không hay. Trước đây tôi đã từng công tác, đã từng là một Cục trưởng, tôi rất hiểu cái vấn đề nêu trên, nên đồng ý rút đơn, chỉ yêu cầu chủ tịch tỉnh tiến hành kiểm điểm, xử lý cá nhân sai phạm trong quá trình thực thi công vụ thôi. Nhưng đến giờ thì cũng chưa có tập thể hay cá nhân nào bị xử lý.

PV: Quay trở lại hành trình đòi lại dinh thự này, ông có thể điểm lại một vài dấu mốc, kỷ niệm đáng nhớ hay không?

Ông Vương Duy Bảo: Đó là một quá trình mệt mỏi, vì phải trải qua 3 năm đấu tranh pháp lý với chính quyền sở tại. Và có những dấu mốc thực sự đáng nhớ.

Cái mốc thứ nhất, đó là lúc tôi công bố cái sổ đỏ của khu dinh thự này, tại sao người ta lại cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin của UBND huyện Đồng Văn. Việc cấp sổ cho phòng văn hóa thông tin là minh chứng cho cái sai trái về khu di tích. Vì nhà đó là của gia đình chúng tôi, chưa bao giờ có văn bản hiến tặng, trao tặng cho Nhà nước. Vậy tại sao chính quyền lại cấp sổ đỏ cho phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn?

Cái dấu mốc thứ hai đó là việc xây dựng trong khu dinh thự gây ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của gia đình, dòng tộc. Họ cho xây dựng nhà vệ sinh bất hợp lý khiến chúng tôi rất bức xúc. Phải đấu tranh mãi, ý kiến mãi thì mới dẹp được cái khu nhà vệ sinh này đi.

Cái dấu mốc thứ 3, vào tháng 3/2019 họ mới trao trả sổ đỏ khu dinh thự cho gia đình tôi. Nhưng buồn cười, khôi hài ở chỗ, là khi cấp sổ đỏ cho chúng tôi, thì họ ghi cả cái tiền sửa chữa của chính quyền vào đấy, và ghi cả tiền mà Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã trùng tu di tích năm 2003 -2006. Tôi không thể hiểu nổi nữa, đó là di sản, di tích vô giá cơ mà, sao lại ghi cái tiền vào sổ đỏ làm gì?

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.