Tổng công ty May Nhà Bè (MNB) là một trong những “ông lớn” trong làng dệt may Việt Nam. Vì vậy, MNB khiến nhà đầu tư bất ngờ khi phát hiện MNB chỉ có 1 đồng nhưng nợ gần 7 đồng. Điều đó khiến MNB tăng trưởng chậm chạp.
Có '1 đồng' nợ '7 đồng'
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của MNB, tại thời điểm cuối năm, nợ phải trả của Tổng công ty lên đến 2.726 tỷ đồng, tăng 413 tỷ đồng, tương ứng 17,9% so với năm 2016. Điều đáng nói, nợ phải trả cao gấp 6,9 lần so với vốn chủ sở hữu.
Nhiều khả năng, May Nhà Bè sẽ nằm trong danh sách các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính triệt để nhất. Nợ phải trả tại MNB chiếm 87,3% tổng nguồn vốn. Trong tổng nợ phải trả, nợ và vay tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2017, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của MNB tăng từ 1.177 tỷ đồng lên 1.541 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 266 tỷ đồng lên 346 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay lên tới 1.887 tỷ đồng, chiếm 60,4% tổng nợ phải trả.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là chủ nợ lớn nhất của MNB. Cuối năm 2017, MNB nợ Vietcombank hơn 679 tỷ đồng. Trước đó, khoản nợ này còn lớn hơn, cao tới 1.138 tỷ đồng. MNB có nhiều giao dịch nợ vay tại Vietcombank.
Chủ nợ lớn thứ 2 của MNB là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Nam Sài Gòn. Dư nợ tín dụng tại BIDV của MNB lên tới 345 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 540 tỷ đồng hồi đầu năm 2017.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng là chủ nợ lớn của MNB. Trong năm 2017, dư nợ tín dụng tại VietinBank của MNB đạt 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, 214 tỷ đồng là con số khiêm tốn so với khoản nợ 587 tỷ đồng trước đó.
Có thể thấy, trong năm 2017, MNB có xu hướng giảm nợ vay tại các ngân hàng lớn và tăng nợ vay tại các ngân hàng nhỏ.
Tăng trưởng chậm chạp
Giảm nợ vay tại các ngân hàng lớn và tăng nợ vay tại các ngân hàng nhỏ cùng với tổng nợ vay tăng đã gia tăng áp lực chi phí lãi vay cho MNB. Nợ vay quá cao đã gây áp lực lên lợi nhuận MNB. Bên cạnh đó, doanh thu giảm cũng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của MNB tăng trưởng chậm chạp.
Giảm nợ vay tại các ngân hàng lớn và tăng nợ vay tại các ngân hàng nhỏ cùng với tổng nợ vay tăng đã gia tăng áp lực chi phí lãi vay cho MNB. |
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của MNB chỉ đạt 4.230 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với năm 2016. Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của MNB tăng trưởng đương.
Thế nhưng, các chi phí, trong đó có chi phí lãi vay đồng loạt tăng mạnh đã gây áp lực lên lợi nhuận. Chi phí trong năm 2017 tăng 18,8 tỷ đồng, tương ứng 32,7% so với năm 2016 lên 57,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng có tốc độ tăng nhẹ hơn, tăng lên 423 tỷ đồng và 342 tỷ đồng.
Kết quả là lợi nhuận MNB tăng trưởng chậm chạp. Lợi nhuận sau thuế 2017 của MNB chỉ đạt 58,4 tỷ đồng, tăng 5,9 tỷ đồng, tương ứng 11,2% so với năm 2016. Có thể thấy, lợi nhuận của MNB chỉ cao hơn chi phí lãi vay một chút.
Cổ phiếu MNB giao dịch trên UpCOM từ 24/4/2018. MNB đã tăng trần sau 2 phiên đầu tiên trên thị trường chứng khoán. Đóng cửa phiên giao dịch 16/5, MNB dừng ở mức 38.800 đồng/CP, sau khi tăng 16.800 đồng/CP, tương ứng 76,4%. Đây là mức tăng rất tốt.
Tuy nhiên, cùng cần phải biết, thanh khoản MNB rất èo uột. Trong nhiều phiên liên tục, MNB không phát sinh bất cứ giao dịch nào.
Còn nếu phát sinh giao dịch, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng rất khiêm tốn. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ là 2.892 cổ phiếu. Với lượng giao dịch khiêm tốn như vậy, không khó để nhà đầu tư làm giá cổ phiếu.