Họ là những người mẹ, người chị đầu tắt mặt tối rong ruổi đi bán hàng rong, mua bán ve chai, nhặt rác… vật lộn với cuộc sống để mỗi tháng dành dụm được một hai triệu đồng gửi về quê phụ giúp kinh tế gia đình, giúp chồng lo cho con ăn học.
Họ là những người bốc vác thuê, mua đồng nát, công nhân xa nhà hay những người nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”…
Rồi những người phụ nữ tha hương, hoàn cảnh và sự nghèo túng khiến họ trở thành lao động tự do, di cư bất đắc dĩ với kĩ năng và học thức đơn giản, hành trang của họ là ước mơ đổi đời và mong chờ vào sự may rủi. Dĩ nhiên, không nhiều người trong số họ gặp may mắn. Nhiều cô gái vô tình lạc rơi vào những khu vực đen tối như những đường dây mại dâm xuyên quốc gia, nô lệ tình dục, buôn người qua biên giới, thậm chí bị lợi dụng trở thành những kẻ giết người máu lạnh...
Người đàn bà làm muối
Người dân xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình quen với hình ảnh bà Lê Thị Thêu thồ từng xe muối đi bán rong khắp nơi trong hàng chục năm qua. Họ trìu mến gọi bà với cái tên “người đàn bà làm muối” khi dành cả cuộc đời gắn liền với cái nắng, gió và cánh đồng muối. Để làm ra hạt muối, bà Thêu phải làm quần quật từ sáng sớm đến chiều tà, trời nắng nóng nhất cũng là lúc họ làm việc cật lực nhất.
Ảnh minh họa |
Đặc thù nghề muối là “nắng làm, mát nghỉ” vì nắng càng to sản lượng muối thu về càng nhiều. Do vậy, những tháng hè thường là thời điểm làm muối chính của bà con, nhờ đó mà có thể có được những hạt muối trắng, mặn mòi. Nhớ lại thời xưa kia, bà theo bố mẹ chồng cào cát, cào muối giữa những lúc nắng đỉnh điểm. Do làm vất vả, tốn sức nên bà Thêu ngất lịm đi như cơm bữa. Có ngày bà ngất mấy lần, mọi người phải khiêng bà về nhà nằm nghỉ, tỉnh dậy bà lại cùng gia đình tiếp tục ra cánh đồng muối mênh mông phía sau nhà. Hơn 50 năm, giờ đây bà vẫn oằn mình bên cánh đồng dưới cái nắng, gió khắc nghiệt dù tuổi đời đã ở diện xưa nay hiếm.
Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa” khiến đôi vai bà vốn đã gầy gò lại càng thêm gánh nặng kiếm ăn. Đôi bàn tay bà sần sùi đen láy, khuôn mặt thẫn thờ mệt mỏi, những bước đi chậm chạp là những gì bạn thấy ở bà Thêu - đại diện cho những người “diêm dân”, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngay giữa trời nóng bức mà không có bất cứ một chút bóng râm nào xuất hiện. Công việc đó kéo dài cho đến khi ánh mặt trời bắt đầu chán nản bỏ bê người diêm dân để lùi dần vào bóng tối.
Làng không chồng
Ở Hà Nội, có một ngôi làng thuộc huyện Sóc Sơn được gọi một cái tên đặc biệt là "làng phụ nữ đơn thân". Nơi đây, có tới khoảng 200 phụ nữ "một vai, hai gánh", vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Ngược dòng thời gian, họ là những người vợ, người mẹ, người phụ nữ đơn thân từng chịu nhiều bất hạnh chấp nhận một mình nuôi con vì nhiều lý do khác nhau. Do lỡ làng trong chuyện tình cảm, hay có cú sốc về tâm lý không muốn lấy chồng nhưng vẫn muốn có con đã lựa chọn giải pháp này. Cũng có người chấp nhận đơn thân nuôi con sau khi ly hôn… Thế nhưng, làm mẹ đơn thân họ phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Làm mẹ đơn thân trừ những người chủ động, còn lại, vì một lý do nào đó mà họ phải lựa chọn sinh con ra khi không có người đàn ông bên cạnh. Sinh con một mình khổ đủ trăm bề, con chưa đầy tháng vội gửi con đi làm kiếm tiền nuôi con. Bữa cơm chan đầy nước mắt mẹ nào dám ngơi tay. Áp lực tinh thần từ dư luận xã hội với những quan niệm, định kiến khắt khe. Dư luận xã hội thì còn định kiến, có cái nhìn hà khắc với khái niệm “mẹ đơn thân”. Những lúc đó đâu có ai cảm thông nổi hay chỉ dị nghị “chưa chồng mà chửa”, ném ánh mắt đầy thương hại cho đứa bé đỏ hỏn trên tay mẹ … Người cảm thông, thương cảm, người lại dè bỉu, đàm tiếu. Bên cạnh đó là gánh nặng kinh tế mà các mẹ đơn thân phải một mình đối mặt, chưa kể áp lực một mình chăm sóc khi con đau ốm, nuôi dạy con nên người. Nhiều người trong số họ, mặc cảm, tự ti với cuộc đời, e dè với các quan hệ xã hội. Họ không cần đám đông. Làm mẹ là một việc rất khó, làm mẹ đơn thân còn khó hơn gấp trăm ngàn lần.
Đàn bà đi biển
“Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình” - Câu ca dao đượm buồn ấy dường như vận cả vào cuộc đời của nhiều người phụ nữ vùng biển. Bà Phạm Thị Vinh, 76 tuổi, nhưng cũng ngót nghét hơn nửa thế kỷ bà dong thuyền ra khơi. Chuyện phụ nữ đi biển ở mảnh đất này không phải chuyện hiếm nhưng gần trọn cuộc đời gắn bó với sóng gió như bà quả là hiếm gặp.
Sinh ra ở vùng Quảng Đông, nên thuở son rỗi, bà cũng dăm ba lần lên thuyền vượt sóng vươn khơi. Gọi là đi cho biết! Thế mà, run rủi làm sao, bà yêu và lấy một người đàn ông vùng biển, rồi chắp nối cuộc đời mình với biển cả quê chồng. Đến giờ, người Xuân Lộc vẫn kể cho nhau nghe chuyện bà Phạm Thị Vinh tự dong buồm, lái thuyền về đến tận bờ khi chồng chẳng may bị thương trên biển và dù trước đó, bà chưa hề biết gì về kỹ thuật lái thuyền.
Cả một đời lênh đênh với sóng gió, đến lúc vào bờ thì người phụ nữ ấy chẳng có nỗi một mảnh đất “cắm dùi”. Đứa cháu họ hàng xa thương tình cho bà mượn tạm rẻo đất nhỏ ngay phía bên cửa sông để dựng nhà. Trong không gian chật hẹp của căn nhà tạm bợ ấy, bà đang trải qua những ngày cuối đời trong tột cùng nỗi cô đơn. Những lúc thấy não lòng, bà lại muốn được dong thuyền ra biển bởi với người phụ nữ ấy, chỉ có biển cả mênh mông mới vỗ về dùm bà những trống vắng tuổi già.
Với bà, những ngày đầu đi biển đó là một ác mộng, lần đầu đi biển thì lại gặp biển động, tàu thuyền rung lắc, say sóng gần chết. Nhiều người phụ nữ cho biết lúc đó họ nghĩ rằng, nếu chuyến này về được nhà chắc chắn sẽ không bao giờ đi lại. Khổ lắm, đi xe mà say xe thì còn đỡ, chứ đi tàu thuyền thì cực trăm lần.
Dẫu khổ cực là thế, biển đầy bão giông là thế nhưng đã là một phần máu thịt của họ, là buồn vui, sướng khổ trọn đời. Vậy nên, ít ai biết rằng nhiều phụ nữ ở miền biển đã vượt qua cái định kiến "chân yếu, tay mềm" đó để vượt sóng ra khơi, lênh đênh trên biển nhiều ngày, thậm chí là cả tháng trời để đánh bắt cá. Cuộc mưu sinh của họ cứ bám riết lấy biển, chỉ lúc nào đau ốm, biển động họ mới ở nhà nghỉ ngơi.
Chiều về trên biển, những người phụ nữ như bà Vinh vẫn miệt mài làm cho xong công việc của mình để kịp về chuẩn bị bữa tối cho chồng con. Con thuyền neo ngoài khơi cứ tròng trành theo con sóng, những phụ nữ miền biển ở đây họ cũng thường ví von mình như những con thuyền, luôn lắc lư, tròng trành trên sóng biển không một phút được lặng yên.
***
Họ không hề có ngày 8/3. Thậm chí, họ không quan tâm đến ngày này, Với họ, ngày 8-3 cũng chỉ như những ngày bình thường khác, thậm chí có người coi đó là ngày để kiếm thêm thu nhập. Chị Hoàng Thị Hiền quê Hưng Yên ra Hà Nội làm nghề bốc vác hàng ở chợ Long Biên kiếm tiền nuôi 2 đứa con ở quê ăn học. Khi hỏi chị về ngày 8/3, chị thật thà tâm sự: “Đã đến 8/3 rồi cơ à? Ngày Quốc tế Phụ nữ chứ gì. Nhưng đối với dân lao động tay chân chúng tôi có việc làm là vui rồi, còn có tiền mà gửi về nhà, chứ mấy người trẻ như cô cứ hoa với quà tốn tiền lắm!”.
Khi hỏi về ngày mùng 8/3 nhiều người phụ nữ không biết đó là ngày của mình, họ chỉ biết ngày này cũng như bao nhiêu ngày bình thường khác. Làm công việc nhặt ve chai suốt 20 năm nay, bà Vân quê Hưng Yên bộc bạch: “8/3 gì chứ, cũng là ngày bình thường thôi à”.
Còn đối với những người nông dân như chị Hà ở Bắc Ninh, 8/3 cũng vẫn xuống đồng đi cấy. Chị tâm sự: “Nhà nông thì ngày nào cũng như nhau thôi, việc làm không hết thì thời gian đâu mà nghĩ đến ngày gì”.
Với phụ nữ lao động chân tay, một bông hoa là món quà xa xỉ với họ, ho nhặt nhạnh từng đồng để kiếm sống và nuôi con. (Ảnh minh họa) |
Đa phần trong số họ chưa một lần được nhận những đóa hoa từ ai đó tặng nhận Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 hằng năm.
Với những người phụ nữ quanh năm đi biển, một bông hoa là món quà xa xỉ với họ. Ho nhặt nhạnh từng đồng để kiếm sống và nuôi con.
Còn với những người phụ nữ đô thị, dường như không một người phụ nữ nào nghĩ đến một ngày 8/3 trọn vẹn. Vì nhịp sống quá hối hả. Vì đối diện với nhiều sức ép. Cái họ cần trong ngày này đơn giản có khi chỉ là một ánh mắt, một lời chúc, một cái ôm hôn của người thân.
Tinh thần quốc tế về một ngày 8/3
Ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú. Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới "phát triển", "giới". Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới.
Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, Chính phủ nước ta đã có Quyết định số 822/TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình" của hội nghị Bắc Kinh.
Ở Việt Nam, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng Nhất.
Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái.
*Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp
* Tên nhân vật đã thay đổi