Cô dâu Việt bị bán sang Trung Quốc với giá một con trâu

Vùng nông thôn miền núi Việt Nam là nơi nhiều thiếu nữ bị bán qua biên giới, có khi giá chỉ bằng một con trâu.
Mai trạc 25 tuổi khi bị bạn trai lừa bán. Cô bị bán trao tay ít nhất 5 lần, chịu nhiều sang chấn thể chất và tinh thần nhưng kẻ lừa bán cô vẫn tự do ngoài vòng pháp luật. Ảnh: SCMP.
Mai trạc 25 tuổi khi bị bạn trai lừa bán. Cô bị bán trao tay ít nhất 5 lần, chịu nhiều sang chấn thể chất và tinh thần nhưng kẻ lừa bán cô vẫn tự do ngoài vòng pháp luật. Ảnh: SCMP.

 8h tối một đêm hè nóng nực, Tien, cô thiếu nữ nhút nhát trầm tính rời nhà ở một vùng duyên hải Việt Nam. Ai cũng nghĩ cô bé tới nhà người thân ở qua đêm hoặc ít nhất, đó là những gì cô gái 16 tuổi nói với gia đình. Thực tế, Tien rời làng vì không muốn lấy chồng sớm. Cô gái hy vọng chị họ sẽ giúp mình tìm việc, theo SCMP.

Tuy nhiên, Tien bị chị họ lừa bán sang Trung Quốc cho một tay môi giới buôn người. Cô bé trở thành một trong những nạn nhân của thống kê mới đáng buồn, rằng số lượng trẻ em Việt Nam ở khu vực nghèo khổ bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu đang gia tăng.

Tien sớm nhận ra có điều bất thường. "Em đưa hết tiền bạc, chứng minh thư cho chị ấy", cô nhớ lại. "Chị ấy bảo, 'hai chị em sẽ đi tìm việc. Em muốn rời làng, chị sẽ đưa em đi'".

Chị họ hứa đưa Tien đến những thành phố lớn ở miền nam nhưng thay vào đó, họ lên xe về hướng bắc, đến thủ đô Hà Nội. Đổi sang xe khác, Tien ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, cô bé thấy mình đang ở Trung Quốc, nơi người chị họ đã bỏ rơi Tien sau khi bán cô cho một tay buôn người.

Chẳng mấy chốc, Tien biết người này đã kiếm cho cô một người chồng. Tien phản kháng, ở lì trong nhà của người môi giới suốt 4 tháng. Cuối cùng, cô gặp một đồng hương, khuyên rằng cách tốt nhất để trốn khỏi Trung Quốc là biết tiếng Trung, mà muốn học thì kết hôn là biện pháp hiệu quả nhất. Vì thế, Tien đồng ý để người môi giới tìm cho một anh chồng khác.

Trường hợp của Tien không hiếm gặp, xảy ra thường xuyên ở vài vùng nông thôn Việt Nam, nơi dân làng cho rằng nếu một cô gái mất tích vài ngày thì chắc chắn đã bị đưa sang bên kia biên giới.

Theo số liệu thống kê chính thức từ Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2011 đến 2017 xảy ra 2.700 vụ buôn người, trong đó gần 6.000 nạn nhân đến từ các hộ nông thôn nghèo, ít có cơ hội học hành hoặc phát triển kinh tế. Số lượng trẻ em bị bán sang làm cô dâu ở các tỉnh gần biên giới Trung Quốc đang gia tăng.

Ở Trung Quốc, nơi đàn ông nhiều hơn phụ nữ 34 triệu người - lớn hơn toàn bộ dân số Malaysia, các trang web cung cấp cô dâu ngoại quốc mọc lên như nấm để lấp đầy khoảng trống nhu cầu. Dịch vụ tìm cô dâu thường có giá 1.500 USD.

Có nhiều câu chuyện sau những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc. Một số bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn tìm việc lương cao, cuộc sống tốt hơn, nhưng cuối cùng lại bị bán làm cô dâu, hoặc tệ hơn là bị bán vào nhà chứa, trở thành nô lệ tình dục. Một số bị người quen lừa. Người quen có thể là họ hàng, bạn bè, thậm chí là bạn trai đã hứa hẹn sẽ lấy họ. Một số bị chuốc thuốc mê đưa qua biên giới.

Một số gia đình tự nguyện gả con để nhận của hồi môn với cái giá "thấp hơn một con trâu", thường có giá từ 600 USD tới 2.200 USD, nhưng cuối cùng lại phát hiện con đã bị bắt cóc và bán đi.

Một khi đã lấy chồng ở Trung Quốc, những cô gái này sẽ bị vô số rào cản giữ lại. Có thể là nhà chồng bắt nhốt ở nhà, có thể là họ quá sợ hãi, không dám về vì mặc cảm không thể tái giá ở Việt Nam.

Ma Thi Mai, một phụ nữ Hmong trạc 30 tuổi ở Sa Pa, thị trấn nông thôn nghèo phía bắc Việt Nam, đã bị bạn trai lừa bán.

"Sau khi người chồng đầu tiên của tôi qua đời, một người đàn ông đã xin số người quen, cố tán tỉnh tôi", Ma nhớ lại. Họ nhanh chóng say mê nhau. Trong vòng hai tuần, anh ta yêu cầu Mai bỏ làng Lao Chai, đi cùng mình về thăm gia đình tại Lào Cai - thành phố biên giới cách Trung Quốc một con sông, nổi tiếng là điểm vượt biên của những kẻ buôn người.

Khi hai người ngồi bè băng qua sông vào đêm khuya khoắt, Mai không nhận ra họ đang bước vào lãnh thổ nước khác. Cô chưa từng rời xa làng quê của mình.

"Tôi không biết đó là Trung Quốc tới khi nhìn thấy các biển hiệu ký tự khác, người dân nói một ngôn ngữ khác", Mai nói. "Anh ta bán tôi cho một phụ nữ Trung Quốc, bà ta lại bán tôi cho một người đàn ông khác".

Mai biến thành nô lệ thời hiện đại. Cô bị bán đi bán lại ít nhất 5 lần, bị dọa dẫm, đánh đập nếu phản kháng hoặc khóc lóc. "Họ bán tôi như bán súc vật", Mai nói.

Sang chấn tâm lý

Dang Thi Thanh Thuy là quản lý ở Hagar International tại Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của nô lệ tình dục và buôn bán người. Chị cho biết nạn nhân thường mang ám ảnh tâm lý suốt đời.

"Khi được giải cứu, ban đầu họ sẽ có phản ứng hoảng loạn hoặc phân ly, tùy thuộc vào cách tâm lý họ đối phó với nỗi đau", Dang nói. "Nếu sợ hãi hoặc kích động, có thể họ sẽ tìm cách tự tử, đập phá hoặc la hét. Nhưng nếu đã tê liệt cảm xúc, họ sẽ chán nản và không có động lực làm bất kỳ điều gì".

"Tất cả những phản ứng này bắt nguồn từ cảm giác mất an toàn. Họ không cảm thấy mình an toàn và được bảo vệ".

Lào Cai nổi tiếng về nạn buôn người. Người dân tộc thiểu số và trẻ em ở Lào Cai là mục tiêu chính của bọn buôn người, theo một báo cáo năm 2016 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Bạo hành gia đình rất phổ biến ở Lào Cai, dù đa số trường hợp phụ nữ là người làm chủ kinh tế gia đình. Khu vực này cũng nổi tiếng với giới du lịch ba lô, nhiều phụ nữ Hmong kiếm sống nhờ làm hướng dẫn viên hoặc bán đồ lưu niệm cho khách. Những người không biết nói tiếng Anh hoặc không biết bán hàng thì đi làm ruộng. Một số người lại ngóng trông thoát khỏi cảnh nghèo đói bằng cách sang biên giới làm việc.

Mai lấy người chồng đầu tiên năm mới 14 tuổi. Khi bị bán để lấy chồng lần hai, cô khoảng 25 tuổi và đã có hai con. Mai trốn thoát khỏi Trung Quốc nhờ vẫy xe cảnh sát, cô hồi hương, nhưng không nhận được hỗ trợ tâm lý hay thể chất, dù chính quyền địa phương có biết chuyện.

Cô dâu Việt bị bán sang Trung Quốc với giá một con trâu ảnh 1Con trai bà Su. Gia đình bà là một trong những hộ nghèo nhất vùng. Ảnh: SCMP.

Mai bây giờ chủ yếu làm ruộng nuôi con. Trong khi đó, anh "bạn trai" đã bắt cóc cô vẫn đi lại tự do, dù Mai đã trình báo. Cô vẫn nhìn thấy anh ta gần nhà thờ, đeo cái vòng cổ Hmong của cô.

"Nhà anh ta có chỗ dựa vững chắc", cô nói. "Tôi chắc chắn là nếu đã bán được tôi, anh ta sẽ bán những phụ nữ khác. Anh ta rất giàu kinh nghiệm, biết rõ mình phải làm gì".

"Tôi ước gì anh ta ngồi bóc lịch trong tù, vì những gì anh ta làm đã giết chết tôi. Anh ta bán tôi, lấy cắp đồ của tôi. Đến giờ tôi vẫn còn đau đớn khi nghĩ về chuyện đó".

Những người mẹ mất con

Trong một ngôi làng gần đó ở bản Tả Van, những ngôi nhà bằng đất sét lợp mái tranh san sát nhau trên sườn núi, nhìn ra những thửa ruộng bậc thang xanh mướt trong cái nắng tháng 5 vàng rực.

Ở đó, trong một ngôi nhà trống hoác, gần như không có đồ đạc, hai người mẹ Sung Thi Ku, 54 tuổi và Giang Thi Su, 40 tuổi, đếm từng ngày chờ tin con gái mất tích.

Cả hai con gái của bà Ku đều ở Trung Quốc. Dù các con chưa từng kể cho bà nghe đang làm gì ở đó, nhưng bà tin rằng hai con đã bị bán cho bọn buôn người sau khi tự nguyện sang Trung Quốc. Bà Ku trách móc nhà chồng con gái.

"Chồng đứa con gái lớn của tôi bảo không muốn con tôi nữa. Gia đình nó đối xử tệ bạc với con bé, nên nó muốn sang Trung Quốc làm ăn. Cuối cùng, nó theo bạn sang bên đấy", Ku nói.

5 năm sau khi con gái lớn rời đi, bà không nghe được bất kỳ tin tức nào về cô. Hơn hai năm trước, con gái thứ hai của bà Ku, 21 tuổi , cũng rời nhà đi. Sau Tết Nguyên đán năm 2018, bà nhận được điện thoại từ số Trung Quốc do con gái thứ hai gọi về.

"Nó bảo là sức khỏe tốt, đang làm ăn chăm chỉ bên đấy. Nó đã lấy chồng, đẻ được một đứa con", bà nói. "Nó bảo không thể quay về Việt Nam".

Bà Su vẫn giữ được liên lạc với con gái. Bà nhớ lại vài năm trước, một hôm, con gái về nhà, đi cùng một nhóm người Trung Quốc đến hỏi cưới. Bà không rõ đó có phải là bọn buôn người không, chỉ có cảm giác là lạ.

"Họ cứ liên tục sờ vào tóc tai, thân thể, tay chân con gái tôi", bà nhớ lại. "Họ bảo tôi là hãy tin họ, rằng chúng tôi có thể sang Trung Quốc chơi một, hai ngày nếu muốn".

Su dặn con gái chớ đi với đám người, nhưng cô vẫn bỏ đi. Đi theo còn có một người bạn của cô và ông bố. Họ ở lại một quán trọ gần biên giới, và khi ông bố thức dậy vào sáng hôm sau, nhóm người Trung Quốc đã biến mất cùng hai cô gái mà không trả tiền hồi môn. Khi đó, hai cô bé mới 17 tuổi.

Con gái bà Su giờ đã 20 tuổi, lấy một người đàn ông góa vợ. Anh ta không cho cô về Việt Nam vì sợ vợ chạy mất. Cô thậm chí không được phép gọi điện.

"Tôi đã rất tức giận và khóc rất nhiều", bà nói. "Tôi cứ nghĩ đám người đó đã bỏ bùa con gái tôi, khiến nó không còn nghe lời tôi nữa".

Trong số 6.000 nạn nhân được xác định, chỉ có 600 người trở về Việt Nam. Một trong số đó là Cau, cô gái Hmong mới 17 tuổi, còn là nữ sinh khi bị họ hàng của một cô bạn bắt cóc và đưa sang Trung Quốc. Người này bán Cau và cháu ruột cho bọn buôn người.

Chúng đưa Cau vượt biên tới Chiết Giang, nơi cô gặp nhiều phụ nữ Việt trẻ tuổi đến từ Sơn La, Lai Châu, thậm chí cùng quê Mù Căng Chải với Cau.

"Cô bé ấy bị bắt cóc lúc mới 14 tuổi và bị ép lấy anh chồng 36 tuổi", Cau nhớ lại. "Tôi hỏi cô bé làm thế nào biết được tôi cũng ở Chiết Giang, cô bé trả lời anh chồng Trung Quốc bảo rằng có một cô gái Việt Nam vừa sang, quê ở Mù Căng Chải. Cô bé rất nhớ nhà nên muốn gặp và nói chuyện với tôi".

Ba tháng sau, Cau đã trốn được khỏi ngôi nhà nơi cô đang bị giam giữ và chạy đến đồn cảnh sát gần nhất. Họ ập đến ngôi nhà theo lời Cau mô tả, bắt giữ những kẻ buôn người Trung Quốc, nhưng một tên người Việt trốn thoát, còn bạn của Cau vẫn mất tích.

Việt Nam thiếu cơ chế hồi hương toàn diện để giúp đỡ nạn nhân buôn người tái hòa nhập cuộc sống. Những người phụ nữ tự nguyện sang Trung Quốc, dù thực chất bị lừa như con gái bà Ku và Su, nằm ngoài "hồ sơ ghi chép" và không đủ điều kiện để được hỗ trợ tài chính hoặc tư vấn tâm lý. Điều đó cũng tương tự với những trường hợp như Mai, trốn thoát khỏi bọn buôn người và tự trở về nước.

Tuy nhiên, họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và những vết thương này không bao giờ lành lại bởi sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà họ có lẽ vẫn đang chịu đựng.

"Trong xã hội chúng ta, phản ứng đổ lỗi cho nạn nhân rất phổ biến", Thúy, quản lý tại tổ chức Hagar nói. "Nhiều người coi nạn nhân là 'xấu tính xấu nết đáng bị buôn bán', hay 'lười biếng, tham lam, chỉ muốn kiếm tiền dễ dàng'".

"Những phản ứng như thế càng làm trầm trọng nỗi đau của nạn nhân, dễ dàng làm tổn thương họ một lần nữa. Họ bắt đầu cảm nhận bản thân theo cách xã hội cảm nhận, và bắt đầu đổ lỗi cho chính mình".

Cô dâu Việt bị bán sang Trung Quốc với giá một con trâu ảnh 2Cau vẽ ngôi nhà trong mơ tại tổ chức Hagar Internationals, nơi chuyên giúp đỡ tư vấn tâm lý cho nạn nhân buôn người, giúp họ quên đi quá khứ. Ảnh: SCMP.

Quay lại Hà Nội, Tien, giờ 21 tuổi, đã đi học lại và bắt đầu cuộc đời mới. Khi về quê lần đầu, hàng xóm khiến cô cảm thấy mình không được chào đón.

"Khi quay lại, tôi cảm thấy như có bức tường vô hình dựng trước mặt, đặc biệt là mỗi lần trò chuyện với người khác", Tien nói. "Tôi rất sợ, không muốn nói. Nhiều người đùa cợt trên nỗi đau mà tôi đã trải qua, cho rằng thế là vui".

Quá khứ cũng quay lại ám ảnh Tien. Gia đình ở Trung Quốc, nơi cô chạy trốn, đã liên lạc thuyết phục cô quay về. Tien đã đổi số điện thoại, lo sợ họ lại phát hiện ra cô thêm lần nữa.

Bây giờ Tien không kể cho ai nghe về quá khứ, không bạn cùng lớp nào biết chuyện đã xảy ra với cô. Tien đã lấy lại tự tin nhờ sự động viên của các nhân viên ở Hagar.

"Tôi cảm thấy như mình vừa mơ một giấc dài. Tôi đã học được cách quên đi quá khứ và hòa nhập hơn vào xã hội", Tien nói. Cô muốn trở thành một nhân viên xã hội, giống như những người đã đưa cô trở lại cuộc đời.

Theo Vnexpress
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.