Theo BS CKII. Đặng Thị Kim Huyên, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, các dấu hiệu bệnh hen của trẻ cần được theo dõi kỹ, không nên xem thường các triệu chứng đơn giản như ho, khò khè.
Đặc biệt trong 2-3 năm đầu đời, nếu trẻ ho, khò khè, khó thở lặp lại nhiều lần vào thời tiết chuyển mùa thì các bậc phụ huynh không nên thờ ơ, mà nên đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ trẻ có mắc bệnh hen hay không.
Một số sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải khi có con trẻ bị hen suyễn là không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ, quá lo sợ các tác dụng phụ của thuốc mà không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn.
Mặt khác là khi trẻ vào cơn hen cấp, cha mẹ không có đủ khả năng xử lý đúng tình huống hoặc xử trí theo một số biện pháp dân gian như uống thằn lằn, rắn mối nướng, thậm chí ăn sống bằng cách há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng. Những biện pháp này chưa có bằng chứng khoa học chứng minh có khả năng điều trị khỏi bệnh hen suyễn.
Khi dùng thuốc, cha mẹ phải tuân thủ đúng, đều và cho bé tái khám định kỳ. Trong đó, thuốc ho trong cơn hen là điều cần phải chú ý nhiều nhất. Vì khi bé đang lên cơn hen thì việc dùng thuốc ho có thật sự cần thiết hay không? Các bác sĩ cho biết không nên dùng thuốc ho khi trẻ đang lên cơn hen, quan trọng nhất là nên dùng thuốc dãn phế quản nhằm mở đường thở ra, từ đó sẽ giúp trẻ vượt qua được cơn hen cấp tính.
Theo Infonet