Hàng năm, giai đoạn chuyển mùa (từ tháng 7 đến 11) là thời điểm số lượng trẻ mắc bệnh đường hô hấp do nhiễm siêu vi tăng mạnh. Nhiều trường hợp, cả nhà cùng bị cảm cúm, ho, sổ mũi, nhiễm lạnh và theo thói quen, các ông bố, bà mẹ sẽ mua thuốc tự điều trị tại nhà.
Tuy vậy, theo BS CKII Đặng Thị Kim Huyên, khoa Thăm dò chức năng hô hấp (Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM), thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài. Triệu chứng ho, thở khò khè của trẻ em có thể là biểu hiện của bệnh nặng như hen suyễn.
Bác sĩ Huyên cho biết trong 2-3 năm đầu đời, nếu trẻ ho, khò khè, khó thở, lặp lại nhiều lần vào thời tiết chuyển mùa, các phụ huynh không nên xem thường mà phải đưa đến bệnh viện chuyên khoa. Việc này nhằm xác định trẻ có mắc bệnh hen suyễn hay không và điều trị kịp thời.
Nhiều cha mẹ trẻ thường mắc phải sai lầm vì xem thường các triệu chứng trên, thậm chí không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ, lo sợ tác dụng của thuốc mà không tuân thủ phác đồ điều trị. Điều này có thể khiến tình trạng bệnh hen suyễn diễn tiến nặng hơn.
Mặt khác, khi trẻ xuất hiện cơn hen cấp, nhiều người thiếu kinh nghiệm dẫn đến không xử lý đúng tình huống, gây tổn hại sức khỏe của trẻ. Hiện nay, dân gian còn tồn tại những phương thức chữa hen suyễn phản khoa học như ăn rắn mối nướng, bỏ đuôi thằn lằn sống vào miệng…
Các yếu tố khác làm xuất hiện các cơn hen ở trẻ em là môi trường sống ô nhiễm, khói thuốc, lông thú, phấn hoa, stress. Người dân có thể tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý, cách thức phòng tránh và điều trị bệnh tại buổi thảo luận chuyên đề về thuốc ho và bệnh lý hen suyễn trẻ em được tổ chức tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM vào sáng ngày 27/11.