Rùa thần Kim Quy hay Rùa vàng là hình tượng gắn với hai truyền thuyết lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Đó là truyền thuyết thần Kim Quy đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, cải tiến nỏ thần và truyền thuyết về Thuận Thiên kiếm của vua Lê Lợi, là nguồn gốc tên gọi hồ Hoàn Kiếm..
Có một điều thú vị là nhiều người Việt vẫn tin rằng Cụ rùa ở Hồ Gươm ngày nay chính là hậu duệ của thần Kim Quy. Nhưng đáng tiếc, thông tin báo chí mới đây cho biết, Cụ rùa hồ Gươm đã qua đời vào chiều 19/1/2016. Theo người dân sống tại phố Lý Thái Tổ, khoảng 17h hôm qua, xác Cụ rùa được phát hiện nổi lên tại khu vực trước tòa nhà báo Hà Nội mới. Hiện, thông tin Cụ rùa qua đời khiến nhiều người dân buồn thương, hụt hẫng vì vì hình ảnh Cụ rùa Hồ Gươm đã in vào tiềm thức của nhiều người dân Thủ đô, gắn liền với truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Cụ rùa hồ Gươm phơi nắng ở đền Ngọc Sơn khi còn sống. (Ảnh: PGS. Hà Đình Đức).
Vào thời xa xưa, chim Lạc được xem là biểu tượng của nước Âu Lạc, một loại chim trong truyền thuyết. Hình ảnh con chim Lạc cũng là biểu tượng tìm thấy trên mặt Trống Đồng. Ngày nay, chim lạc được coi là tượng trưng cho tinh thần và văn hóa thuần Việt, một trong những biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Nguyên mẫu của chim Lạc là loài chim nào, đến bây giờ vẫn là một ẩn số.
“Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” - món thách cưới độc đáo của Vua Hùng - là những sinh vật rất nổi tiếng trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Tưởng rằng đây chỉ là những sinh vật trong truyền thuyết lịch sử, nhưng gà chín cựa lại là một giống gà hoàn toàn có thật, được nuôi tại một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ.
Trong văn hóa Việt, thuồng luồng thường được mô tả như một loài thủy quái hình rắn, có 4 chân, chuyên rình rập để kéo người xuống nước ăn thịt… Đã có nhiều tranh cãi về chân tướng thuồng luồng, như đó chỉ là tên gọi của cá sấu, một loài trăn, hoặc loài giải khổng lồ sống ở các con sông. Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến loài thuồng luồng được ghi lại trong sử Việt như cuộc chiến giữa Lạc Long Quân và loài thuồng luồng, Vua Hùng dạy dân xăm mình để tránh thuồng luồng, thuồng luồng đầu thai làm hoàng tử nhà Lý, học trò của cụ Chu Văn An hóa thuồng luồng…
Tác phẩm Đại Việt sử lược đã ghi lại nhiều trường hợp vua Lý được dâng loài rùa lạ, có tới 6 mắt, trên cơ thể có chữ Hán. Những tưởng câu chuyện về loài rùa kỳ lạ này sẽ là một bí ẩn lịch sử bị lãng quên theo thời gian. Thế nhưng các dữ liệu khoa học cho thấy đây là loài rùa có thật 100%, và vẫn còn hiện diện ở Việt Nam cho đến tận ngày nay. Đó là một loài rùa có tên gọi là rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata). Loài rùa này có điểm đặc trưng là trên đầu có 4 mắt giả, cộng với 2 mắt thật là đúng 6 mắt.
Bạch mã hay ngựa trắng vốn được coi là thứ ngựa dành cho bậc quý tộc, đế vương. Theo Đại Việt sử ký Tiền Biên: "Năm Đinh Mùi ( 1006 ) Châu Vị Long dâng cho Khai Minh Vương (tước hiệu vua cha Lê Đại Hành phong cho Lê Long Đĩnh trước kia) một con bạch mã bốn vó đều có cựa”. Ngựa trắng bình thường đã quý thì ngựa trắng có 4 cựa của vua Lê Long Đĩnh chắc hẳn phải là một con “thần mã”. Do sử sách không ghi chép cụ thể, nên sự thật về con ngựa lạ này đến bây giờ vẫn là một ẩn số.
Tại một số địa phương ở Việt Nam, từ nhiều thế hệ đã lưu truyền câu chuyện nhuốm màu kỳ bí về một loài rắn có mào. Loài rắn có mào này không bao giờ cắn người nhưng ai cũng khiếp sợ vì chúng được cho là rắn thần, thường canh giữ các đền miếu… Theo các nhà khoa học, rất có thể hình tượng của loài rắn mào này đã được truyền cảm hứng từ một loài rắn có hình thù kỳ dị ở Việt Nam. Đó là loài rắn voi, có tên khoa học là Rhynchophis boulengeri.
Theo Kiến thức