Cử tri Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề về bảo đảm quyền lợi cho người lao động

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Chiều 13/5, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chị Phạm Thị Bích Hải - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam đề cập đến vấn đề tín dụng "đen" và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong công nhân lao động.
Chị Phạm Thị Bích Hải - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam đề cập đến vấn đề tín dụng "đen" và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong công nhân lao động.

Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2024 của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động Thủ đô.

Theo ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động; có khoảng 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao..., gây khó khăn cho đời sống công nhân lao động.

Về chính sách lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội, trong bối cảnh nền kinh tế Thủ đô bắt đầu khởi sắc, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. 4 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 73.298 lao động, đạt 44,4% so với kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt trên 2,05 triệu người (tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023), đạt 88,93% kế hoạch. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2024, toàn thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.

Vấn đề nhà ở được nhiều cử tri là người lao động quan tâm. Đây là vấn đề quyết định đến chất lượng cuộc sống cũng như nơi ăn chốn ở của người lao động để người lao động yên tâm đi làm, đặc biệt đối với những lao động nữ có con nhỏ đang phải thuê trọ ở những khu nhà chật chội, ẩm thấp, khó khăn…"Đoàn Đại biểu Quốc hội sớm xem xét đề nghị thành phố có những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể giải quyết và hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động trong giai đoạn hiện nay", chị Phùng Nguyệt Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần FECON nêu kiến nghị.

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cử tri là cán bộ, đoàn viên, người lao động đề nghị cần sửa đổi quy định người ốm đau, sau phẫu thuật cần có thời gian theo dõi, khám lại từ 30 ngày sau ốm đau lên 60 ngày; cụ thể hóa mức hưởng. Cử tri cũng đề nghị Quốc hội quan tâm bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng thuận tiện, rõ trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết tình trạng người sử dụng lao động là người nước ngoài về nước không trở lại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp do họ làm chủ đang nợ lương của người lao động, nợ tiền đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, dẫn đến quyền lợi hợp pháp của người lao động không được thực hiện đầy đủ.

Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cử tri đề nghị lựa chọn phương án: Chỉ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với những trường hợp có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội dưới 60 tháng. Vì từ 60 tháng trở lên, khi người lao động gặp rủi ro, thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí, chế độ trợ cấp tuất 1 lần, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, cho gia đình. Phương án này khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên dễ nhận được sự đồng thuận.

Góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), một số cử tri đề nghị dự thảo cần có quy định về thời gian cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ Công đoàn được người sử dụng lao động trả lương với số lượng ngày làm việc Công đoàn, cụ thể như số giờ làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn, số ngày làm việc của Ủy viên Ban Chấp hành và được tăng theo số lượng đoàn viên và người lao động, tránh việc cào bằng, để cán bộ Công đoàn cơ sở có đủ thời gian hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cử tri cũng đề nghị giữ nguyên nguồn kinh phí công đoàn 2% và bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp Công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp… Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn…

Chị Nguyễn Thị Dung - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Toto Việt Nam (Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) cũng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp khi xây dựng phương án sử dụng người lao động và tăng cường hơn nữa công tác điều tra, giám sát phương án sử dụng lao động, cho thuê lại lao động; có chính sách cho người lao động lớn tuổi.

Chị Phạm Thị Bích Hải - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam đề cập đến vấn đề đáng lo ngại hiện nay là có một số đối tượng cho vay tín dụng đen và các đối tượng lừa đảo tự nhận là Công an, cán bộ quận thường xuyên gọi điện và thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có không ít công nhân lao động bị lừa đảo lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, việc lừa đảo trên không gian mạng và lừa đảo của các công ty, doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu hoặc nhượng cổ phần đang lan rộng, tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng thực chất là chiếm đoạt tài sản của nhân dân, trong đó có công nhân lao động... Cử tri đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan liên quan có chế tài và các biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên…

Ghi nhận, tiếp thu 18 ý kiến quan tâm, đóng góp xây dựng vào 2 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi), cùng với những ý kiến phản ánh về đời sống, việc làm của người lao động, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Đoàn sẽ chắt lọc, tổng hợp để tiếp tục tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa tiếng nói của người lao động đến nghị trường, cũng như cập nhật, bổ sung các ý kiến xây dựng vào các dự án Luật, chuyển đến cơ quan soạn thảo đầy đủ, nhằm thống nhất xây dựng hai dự luật bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, cán bộ, đoàn viên công đoàn.

Ngay tại Hội nghị, nhiều ý kiến, kiến nghị của đoàn viên Công đoàn, người lao động Thủ đô đã được lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện các sở, ngành thành phố Hà Nội giải đáp.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố đã trao 20 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 350 nghìn đồng)..

UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hoạt động Quốc hội ​
(Ngày Nay) -Gần 60 năm làm việc và cống hiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản có giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trân trọng những công lao to lớn trong quá trình xây dựng và đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mà còn là hạt nhân trong vai trò lãnh đạo, góp phần xây dựng, khẳng định uy tín của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.