Vụ án dân sự bất ngờ chuyển thành vụ án hình sự
Hơn 5 năm trước, thị trường bất động sản sôi động đã khiến cho các giao dịch mua bán giữa người dân với nhau diễn ra chóng mặt. Tình trạng mua bán nhà đất “đáo hạn” ngân hàng tồn tại đã phát sinh nhiều hệ lụy. Hơn hết, từ vụ án dân sự “chuyển hóa” thành vụ án “hình sự” chỉ trong một khoảng cách thật gần.
Tại tỉnh Bình Định, một vụ án dân sự tương tự khiến dư luận không khỏi xót xa khi trở thành một vụ án hình sự. Cũng bởi, những người có liên quan trong vụ án đều là bà con, dòng họ. Theo hồ sơ vụ án dân sự, năm 2012, UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Quân và bà Trần Thị Minh Hoàng tại thửa đất số 500, tờ bản đồ 30 tọa lạc tại khu phố Thạnh Xuân, P.Hoài Hương, Tx.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Lô đất thửa số 500). Đến tháng 05/2017, ông Quân và bà Hoàng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Lê Minh Vương (thôn Phú An, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn).
Tháng 10/2019, ông Vương chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Trần Minh Tuấn và bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn). Đến tháng 11/2020, ông Tuấn và bà Ngọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Lê Minh Huệ và bà Nguyễn Thị Liên (ngụ phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn). Tháng 03/2021, ông Huệ và bà Liên đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Võ Thị Sử.
Tuy nhiên, lúc này, ông Trần Hoài Vũ (đang lao động tại Nhật Bản) đã có khởi kiện dân sự ông Huệ và bà Liên đến TAND tỉnh Bình Định. Đơn khởi kiện viết ngày 21/6/2021 nhưng đến ngày 23/6/2021 (tức sau 2 ngày), thẩm phán Võ Thị Hồng Thu - TAND tỉnh Bình Định đã ký ban hành Thông báo thụ lý vụ án dân sự số 25/2021/TLST-DS về việc “Tranh chấp đòi tài sản, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Điều lạ lùng là sau 2 ngày thụ lý vụ án thì người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của tòa.
Ông Vũ cho rằng, năm 2017 ông Vũ làm việc bên Nhật không tiện về nước nên có gửi tiền về cho cha là ông Trần Văn Kiệt và mẹ là bà Lê Thị Mỹ Loan để mua Lô đất thửa đất số 500 của ông Quân và bà Hoàng. Việc đặt cọc cũng như hợp đồng mua bán đều ghi bên mua là ông Kiệt và bà Loan. Tuy nhiên, do bà Loan hay cờ bạc nên ông Vũ sợ nếu để bà Loan đứng tên Lô đất thì sẽ bán mất.
Ông Lê Minh Vương gửi đơn kêu oan cho cha và mẹ của mình đến TAND tỉnh Bình Định để đề nghị lãnh đạo tòa xem xét toàn diện về vụ việc. |
Theo ông Vũ trình bày, do ông không có mặt tại Việt Nam, còn cha là ông Kiệt thì đi biển. Do đó, ông Vũ nhiều lần nhờ ông Vương, ông Tuấn rồi nhờ cậu ruột là ông Huệ - bà Liên đứng tên dùm Lô đất. Tuy nhiên sau đó, ông Huệ đã tự ý bán cho bà Võ Thị Sử nên ông Vũ khởi kiện yêu cầu ông Huệ trả lại nhà đất. Ngày 25/8/2022, Thẩm phán Thu có Quyết định số 184/2022/QĐXXST-DS đưa ra vụ án xét xử. Thế nhưng, vụ án chưa xét xử thì hơn 10 ngày sau thì thẩm phán Thu tự chuyển toàn bộ hồ sơ qua Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định (Cơ quan điều tra).
Cá nhân Thẩm phán không được quyền ban hành văn bản chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra?
Đến ngày 06/9/2022, thẩm phán Thu - TAND tỉnh Bình Định đã tự ban hành Công văn số 4705/2022/CV-TA chuyển hồ sơ vụ án dân sự gửi đến cơ quan Cảnh sát điều tra với nhận định: “Có cơ sở xác định ông Vũ nhờ ông Huệ đứng tên dùm Lô đất thửa số 500. Vợ chồng ông Huệ, bà Liên không phải là chủ sử dụng đất nhưng ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất này cho bà Sử và nhận tiền của bà Sử. Hành vi của ông Huệ, bà Liên có dấu hiệu hình sự. Do đó, TAND tỉnh Bình Định chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra điều tra theo thẩm quyền".
Cùng ngày 26/9/2022, TAND tỉnh Bình Định có Quyết định số 13/2022/QĐST-DS về việc Tạm đình chỉ vụ án dân sự bởi phải chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Định xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Sau khi thẩm phán Thu chuyển hồ sơ, ngày 30/01/2023, Cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Huệ và bà Liên về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
TAND tỉnh Bình Định, Viện KSND tỉnh Bình Định đã trả hồ sơ để yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung một số tình tiết có liên quan. Trong đó, có nội dung Cơ quan điều tra yêu cầu TAND tỉnh Bình Định bổ sung kiến nghị khởi tố do lãnh đạo TAND tỉnh Bình Định ký mới đúng thẩm quyền.
Đặc biệt, trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND tỉnh Bình Định còn nêu rõ: “Thẩm phán Thu đã vi phạm thủ tục tố tụng dân sự, hình sự hóa hồ sơ vụ án dân sự, tự ý chuyển hồ sơ qua Cơ quan điều tra khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo TAND tỉnh Bình Định, bản thân thẩm phán Thu đã bị kỷ luật”.
Cũng cần nói thêm, việc thẩm phán Thu ban hành Quyết định để chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra đã bị người dân tố cáo đến lãnh đạo TAND tỉnh Bình Định. Ngày 25/9/2023, TAND tỉnh Bình Định đã có kết luận nội dung tố cáo đối với thẩm phán Thu. Trong đó, tại phần “Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện và kiến nghị” có nội dung thể hiện: “Cần quán triệt việc chuyển hồ sơ vụ án dân sự khi thẩm phán cho rằng có dấu hiệu hình sự cho cơ quan điều tra phải đảm bảo đúng quy chế hoạt động của cơ quan (Tòa án tỉnh)”.
Văn bản do Thẩm phán Vũ Thị Hồng Thu tự ký và tự ban hành để chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra. |
Tuy nhiên, ngày 19/3/2024, Cơ quan điều tra ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án, nhưng không thực hiện yêu cầu nêu trên của TAND và Viện KSND tỉnh Bình Định; và cho rằng đã đảm bảo thủ tục theo quy định, vì: Công văn ghi rõ: “Do đó, TAND tỉnh Bình Định chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra theo thẩm quyền và Công văn này lấy số công văn đi của Tòa án và đóng dấu của TAND tỉnh”.
Theo Luật gia Trần Nguyên Đán, Hội luật gia Việt Nam cho rằng căn cứ trên là chưa đúng quy định pháp luật. Theo Luật tổ chức Tòa án năm 2014 quy định tại khoản 1 Điều 2. TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tại khoản 1 Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật này được Chủ tịch Nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử.
Trong khi đó, theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 các khoản 4 và 5 Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Tại khoản 3 Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Ông Đán đánh giá, theo các quy định nêu trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chứ cá nhân đang làm việc tại cơ quan Nhà nước không có thẩm quyền đó.
TAND là một trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiến nghị tư pháp bằng văn bản Kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Thẩm phán theo Luật tổ chức Tòa án năm 2014 quy định: là người được Chủ tịch Nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử, chứ không có thẩm quyền kiến nghị tư pháp bằng văn bản Kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Luật gia Trần Nguyên Đán đưa ra nhận xét, theo các quy định thì cá nhân "Thẩm phán" đối với Thẩm phán Võ Thị Hồng Thu tự bản thân mình không có thẩm quyền tư pháp kiến nghị bằng văn bản kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà đây là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước là TAND tỉnh Bình Định do Chánh án là người đại diện pháp luật của cơ quan Nhà nước TAND tỉnh Bình Định ký tên đóng dấu vào Văn bản kiến nghị gửi đến cho các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
“Từ vụ án dân sự liên quan nêu trên trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, người dân đã từng gửi đơn tố cáo Thẩm phán Võ Thị Hồng Thu vi phạm nghiêm trọng tố tụng và các sai phạm khác đã biến thành vụ án hình sự. TAND tỉnh Bình Định đã có kết luận có những nội dung tố cáo đúng, từ đó đã có quyết định kỷ luật đối với vị thẩm phán này” ông Đán nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập cụ thể nội dung liên quan đến bạn đọc.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” ngày 31/7/2024 đối với hai bị cáo Lê Minh Huệ và Nguyễn Thị Liên đã được hoãn để xem xét một số yêu cầu của các luật sư bào chữa. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho hai bị cáo Huệ – Liên đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập nguyên thẩm phán Võ Thị Hồng Thu tham gia phiên tòa để trình bày về việc tự ý chuyển hồ sơ qua Cơ quan điều tra khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.