Dư luận đang quan tâm đến sự việc, Thiếu úy CSGT Huỳnh Phước Chiến (Đội CSGT quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ tại ngã tư đường Ngũ Hành Sơn – Hồ Xuân Hương (Đà Nẵng), bắt gặp 2 cô gái đi ngược chiều, thay vì xử phạt theo quy định của luật giao thông đường bộ thì thiếu úy Chiến đã yêu cầu họ chép phạt 50 lần câu: “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa”, xảy ra hôm 1/4 vừa qua.
Cô gái đi ngược chiều bị CSGT Đà Nẵng bắt chép phạt 50 lần câu: "Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa" gây xôn xao dư luận.
Sau khi chép xong, hai cô gái vi phạm được thiếu úy Chiến nhắc nhở và tuyên truyền luật giao thông rồi cho đi. Trước việc xử phạt của CSGT Đà Nẵng một trong hai cô gái đã chụp lại sau đó về đăng lên tài khoản facebook cá nhân và thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn người.
Đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều, gây tranh cãi xoay quanh sự việc hai nữ sinh bị CSGT yêu cầu chép phạt. Một số ý kiến tỏ ra đồng tình với cách xử lý của thiếu úy CSGT Huỳnh Phước Chiến vì cho rằng, đó là cách xử lý “độc đáo, mang tính sáng tạo...”. Tuy nhiên, các ý kiến khác lại cho rằng, cách xử lý như vậy không công bằng, không đúng với quy định của pháp luật, mang tính cá nhân... dẫn đến mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề trên, PV Ngày Nay Online đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Đặng Thanh Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL).
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn trao đổi thông tin với PV Ngày Nay Online.
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết: "Cục QLXLVPHC&TDTHPL được biết thông tin về sự việc qua phản ánh của các cơ quan báo chí. Qua theo dõi thông tin về vấn đề thì đây không phải là trường hợp duy nhất mà CSGT xử lý người tham gia giao thông vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với các cách xử lý "độc đáo, sáng tạo" như vậy. Thực tế đã có những trường hợp CSGT xử lý người tham gia giao thông vi phạm hành chính với các cách xử lý được cho là "linh hoạt, sáng tạo" như: Yêu cầu người vi phạm mua kẹo ủng hộ người cao tuổi bán hàng rong; Buộc người vi phạm phải đọc thuộc lòng ngay tại chỗ nội dung một điều luật nhiều lần, nếu ngắc ngứ thì phải đọc lại; Buộc người vi phạm phải đứng chứng kiến việc chấp hành quy định về an toàn giao thông tại nút giao thông có tín hiệu đèn xanh, đỏ hoạt động...”.
Cục trưởng Sơn nhận xét: "Những trường hợp mà CSGT xử lý đối với người tham gia giao thông vi phạm hành chính như đã nêu trên được dư luận cho là “cực lạ”, “độc đáo”, “sáng tạo”, “linh hoạt”, có tính giáo dục và được nhiều ý kiến đồng tình.
Tuy nhiên, xét dưới giác độ nguyên tắc thực thi công vụ của người có thẩm quyền, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, đối với vụ việc cụ thể hai nữ sinh vi phạm hành chính điều khiển xe mô tô đi ngược chiều vào đường một chiều nói trên, thì cách xử lý của CSGT là sai nguyên tắc, không đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành (các điều 3, 11, 12… Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…)".
"Khi phát hiện vi phạm hành chính, thay vì xử lý theo đúng thẩm quyền, trình tự và chế tài xử phạt như quy định hiện hành thì CSGT lại xử lý theo cách riêng của mình, trên tinh thần 'linh hoạt, sáng tạo', và cũng chính bởi điều này làm nảy sinh ra vấn đề gây xôn xao dư luận, xuất hiện ý kiến không đồng tình cho rằng việc xử lý “linh hoạt, sáng tạo” như vậy không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính thống nhất, tính công bằng, khách quan, chính xác trong việc áp dụng thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung do việc xử lý như trên mang nặng ý chí chủ quan của người thực thi công vụ”, Cục trưởng Sơn nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Sơn, tinh thần chung là Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính hoan nghênh, ủng hộ về thái độ, cách ứng xử của CSGT Đà Nẵng đối với người vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng, trong xử lý vi phạm hành chính nói chung cần phải bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, khách quan, thống nhất, triệt để, tránh tình trạng tự ý tùy nghi xử lý theo ý chí chủ quan của người thực thi công vụ.
Việc xử phạt cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ thường xuyên, bảo đảm đúng đối tượng, đúng vi phạm, đứng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Trong trường hợp, qua thực tiễn thực thi pháp luật thấy rằng quy định pháp luật hiện nay về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, chưa đủ linh hoạt, chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì cần chủ động phản ánh, kiến nghị kịp thời để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cũng theo Cục trưởng Sơn, Cục QLXLVPHC&TDTHPL sẽ sớm có văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề này, tránh gây xôn xao xư luận.
Mạnh Hưng