Chiều tối 20/2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp của Bộ Y tế đã họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch cúm A (H7N9).
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Trung Quốc ghi nhận hơn 425 ca mắc cúm A (H7N9) tại 17 tỉnh, trong đó có hai tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam.
Tỷ lệ tử vong do cúm A(H7N9) gần 50%. Theo ông Phu, đây là đợt dịch bùng phát thứ năm của virus cúm A (H7N9) tại Trung Quốc. Đợt dịch bùng phát rất mạnh, số ca mắc cao nhất từ trước đến nay.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận các ca mắc cúm H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định Việt Nam cần tăng cường giám sát trên gia cầm, người bởi nguy cơ dịch bệnh lây lan vào nước ta là rất lớn.
“Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh này ở Trung Quốc hiện nay, chúng ta phải chủ động phối hợp giữa các bộ ngành, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt để phòng chống dịch, với mục tiêu không để dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào trong nước”, PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Vẫn theo ông Phu, nguồn lây bệnh chủ yếu là tiếp xúc với gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng chứng minh sự lây truyền từ người sang người đối với chủng cúm này.
PGS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - cho biết qua quá trình giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ 3.540 trường hợp, phát hiện có 154 trường hợp viêm phổi nặng, còn lại là viêm đường hô hấp cấp tính.
“Trong toàn bộ số ca được lấy mẫu và giám sát trên, chúng tôi chỉ phát hiện những ca mắc cúm thông thường, không phát hiện trường hợp nào mắc H7N9 hay H5N1”, PGS Dương thông tin.
Chủ trì cuộc họp, giáo sư Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Y tế - nhận định cúm A(H7N9) đang tiến sát đến biên giới nước ta, đi kèm là sự giao thương, buôn bán, đi lại của người dân khiến tình hình dịch bệnh rất dễ lây lan và nguy cơ dịch vào trong nước là rất cao.
Nhằm phát hiện sớm ca bệnh trên người, thứ trưởng yêu cầu mở rộng diện lấy mẫu, xét nghiệm cả những trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nhẹ, tăng cường giám sát dọc biên giới, cần thiết lấy mẫu thí điểm trên cộng đồng nhất là người buôn bán, vận chuyển, tiếp xúc gia cầm.
“Chúng ta cần phải đánh giá lại công tác phòng chống dịch xem đã đáp ứng đủ chưa, từ đó đưa ra phương án, để làm sao không xảy ra dịch cúm trên gia cầm, thì sẽ không có dịch trên người”, ông Long chỉ đạo.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A (H7N9) sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.