Khi Việt Nam xuất hiện ổ dịch với số ca mắc được ghi nhận liên tục ở xã Sơn Lôi, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, học sinh trên địa bàn Hà Nội đã bước vào giai đoạn “giãn cách”: Tất cả học sinh đều được nghỉ học. Thời gian nghỉ học cứ thế kéo dài theo diễn biến của dịch. Và đến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều ổ dịch, số ca mắc được ghi nhận tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, TP như Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh… thì tất cả học sinh trên toàn quốc thực hiện giãn cách.
Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt các biện pháp để giám sát, cách ly, khống chế nguồn lây khi các ca F0 mất dấu, trong đó mạnh mẽ nhất phải kể đến biện pháp cách ly xã hội thông qua Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Toàn dân bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
Ngay cả những trường hợp làm việc tại cơ quan, công ty cũng được khuyến khích làm việc qua mạng,tránh tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, khai báo y tế, rửa tay thường xuyên…
Thời điểm đó, lịch trình sinh hoạt đều bị thay đổi. Học sinh cả ngày phải “chôn chân” trong nhà và tham gia học các tiết học trực tuyến với thầy, cô. Không còn được chạy nhảy, nô đùa với bạn bè, mỗi ngày trôi qua là một ngày vô cùng bí bách khi bị giam cầm trong 4 bức tường.
Với các bà nội trợ, thời điểm này là dịp để bày biện, sửa soạn thêm nhiều món ăn mới cho gia đình. Không ra ngoài ăn bún, phở, bánh cuốn thì trào lưu “made by mom” nở rộ. Trên khắp các diễn đàn đều nóng hổi dịch vụ làm bánh cuốn bằng chảo, bán dụng cụ làm bánh cuốn, dạy cách làm trà sữa chân trâu… Nhờ thế mà những ngày cách ly có thêm màu sắc mới.
Thực hiện “ai ở chỗ nào, ngồi yên chỗ ấy”, không tụ tập quá 2 người ở ngoài phạm vi cơ quan, công sở, nhà máy… nên khi nhớ bạn bè cũng không thể gặp gỡ, hàn huyên. Lúc đó, những cuộc la cà, ngồi túm 5 tụm 3 trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết. Ngay cả các cơ quan, công ty cũng thực hiện giãn cách bằng việc làm online hoặc phân chia ca trực.
“Suốt 3 tháng có dịch, tôi đã phải tạm dừng đi bộ thể dục buổi sáng. Ở nhà cuồng chân, cơ thể nặng nề nhưng vì sức khỏe của mình, gia đình mình và cộng đồng nên đành loanh quanh đi bộ trong nhà. Tôi lên lịch đếm ngược ngày hết giãn cách, điều đầu tiên là phải xỏ giày chạy một vòng để hít thở không khí ngoài trời cho thật thoải mái”, anh Đăng ở Hà Nội chia sẻ.
Khi tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát, lệnh cách ly được dần nới lỏng, mọi sinh hoạt dần trở lại nhưng ở trạng thái “bình thường mới”: Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.
Những ngày đầu học sinh mới trở lại trường học vẫn thực hiện giãn cách, giữ khoảng cách tối thiểu, đo thân nhiệt…; các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, công ty lịch làm việc dần trở lại. Hàng ăn, quán café, giải khát, xe khách vận tải công cộng… dần được mở cửa. Và đến nay, ngay cả cả dịch vụ quán bar, karaoke cũng được cho phép hoạt động trở lại. Nhịp sống dần trở về bình thường như trước kia. Người dân trong nước có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh, ăn uống, vui chơi, giải trí vì các ca bệnh đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
“Sau khi lệnh cách ly xã hội được dỡ bỏ, điều đầu tiên tôi làm là ra quán quen ăn một bát phở, uống một ly cafe. Mặc dù thời gian ở nhà tôi cũng bày ra nấu nướng nhưng vẫn muốn tận hưởng cảm giác “bát phố” sau những ngày không được giao lưu với mọi người”, chị Hương Giang ở Hà Nội chia sẻ.
Cuộc sống dần trở lại nhịp độ như vốn có. Trong những ngày cách ly, hoạt động của mọi người đều tập trung trong nhà, tại gia đình nên ngoài đường bóng xe cộ tham gia giao thông vô cùng thưa thớt, cảnh tắc đường hàng ngày ở các thành phố lớn bỗng dưng biến mất. Ở các góc phố, khu chợ, chỉ là hình ảnh mọi người đeo khẩu trang kín mít, thậm chí có người cẩn thận đội mũ có tấm kính chắn tranh thủ mua lương thực, thực phẩm rồi hối hả trở về nhà. Không còn cảnh túm năm, tụm ba để chuyện trò, bàn tán… Nhưng từ khi lệnh cách ly được nới lỏng, những hình ảnh trên đã biến mất nhanh chóng. Mật độ tham gia giao thông lại đông đúc, cảnh tắc đường quen thuộc ở các thành phố lớn trở về như cũ. Cuộc sống lại sôi động như chưa từng có lệnh cách ly. Những ngày giãn cách cùng các thông tin về dịch bệnh Covid-19 dần nhường chỗ cho mối quan tâm khác. Mọi người tập trung lo kế sinh nhai, tập trung phát triển kinh tế trong hoàn cảnh mới.
Có được sự yên ổn đó bởi trong cuộc sống “bình thường mới” Việt Nam vẫn giữ chính sách kiểm soát chặt chẽ với những người trở về từ nước ngoài, đóng cửa các đường bay thương mại quốc tế. Những công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Vì vậy, người dân trong nước có được sự yên tâm, an toàn để học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 22-6 Việt Nam trải qua 67 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây thực sự là cuộc sống bình an, yên ổn mà bất kỳ quốc gia nào cũng mơ ước trong thời điểm dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tại Hà Nội, cùng với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch từ ngày 8-6 đến 16-6 đã phê duyệt cho 63 người nước ngoài là các chuyên gia, nhà quản lý, nhân sự từ các quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Canada, Áo, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh và Bắc Ai len vào làm việc tại TP để làm thủ tục cấp phép nhập cảnh theo quy định. Đoàn chuyên gia này sẽ thực hiện nghiêm túc các biện pháp cách ly y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và TP Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19.
Tại các tỉnh, thành phố du lịch khác dịch vụ du lịch cũng bắt đầu “nóng lên” với nhiều đoàn khách tham quan, nghỉ dưỡng. Và đến tháng 6 trở đi nhiều điểm đã trong tình trạng được đặt kín chỗ. Đây quả thực là cảnh tượng khó có thể hình dung được bởi ở thời điểm tháng 4 khi dịch bệnh phức tạp, số ca mắc tại cộng đồng liên tục được ghi nhận đến mức phải thực hiện biện pháp mạnh là cách ly toàn xã hội thì mọi người chỉ dám mong làm sao dịch được khống chế, kiểm soát. Lúc đó ít ai nghĩ tới việc lên kế hoạch du lịch cho kỳ nghỉ hè như thông thường.
Chị Nhiên ở Hà Nội cho biết, chồng chị làm trong ngành y tế, ở tuyến đầu chống dịch. Thời điểm dịch đang phức tạp chị có biết đến chương trình tặng vé máy bay và kỳ nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao của một số hãng hàng không/du lịch. “Với chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho cả gia đình (chi phí đóng kèm không cao) nhưng tâm lý không biết khi nào hết dịch, đi thế lỡ lây nhiễm bệnh thì khổ. Vì thế tôi bảo chồng không đăng ký. Không ngờ Việt Nam lại khống chế dịch thành công như vậy, giờ có tiếc cũng không thay đổi được”, chị Nhiên kể.
Quả thật những thành công đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua thật đáng kinh ngạc. Mới đây, báo cáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là mơ ước của rất nhiều nước.
Đến ngày 22-6, Việt Nam có 349 ca mắc, trong đó có 327 trường hợp được điều trị khỏi, thậm chí các ca bệnh nguy kịch “10 phần chết 9” đã được cứu sống một cách ngoạn mục, thần kỳ. Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Việt Nam đang thực hiện các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và song hành với kiểm soát dịch bệnh đầy thận trọng trong cuộc sống “bình thường mới”.