Trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp đang buộc phải sa thải người lao động và dựa vào tự động hóa dể tồn tại, báo chí và truyền thông cũng không phải ngoại lệ. |
Mới đây, tờ The Guardian của Anh đưa tin 27 cá nhân bao gồm các nhà báo và biên tập viên làm việc cho trang tin MSN đã bị công ty chủ quản là Microsoft sa thải, thay thế họ chính là đội ngũ robot và trí tuệ nhân tạo (AI).
Cụ thể, khoảng 27 cá nhân được tập đoàn PA Media thông báo rằng họ sẽ mất việc trong một tháng sau khi Microsoft quyết định ngừng sử dụng con người để lựa chọn, chỉnh sửa và quản lý các bài báo trên trang chủ của mình.
Quyết định chấm dứt hợp đồng của Microsoft được đưa ra hết sức chóng vánh và gây sốc. Đến nỗi một biên tập viên đã phải cay đắng thốt lên:
“Tôi đã đọc hàng trăm tin bài và nghiên cứu về viễn cảnh tự động hóa và robot sẽ chiếm đoạt công việc của con người, và thế rồi chuyện này lại xảy đến với tôi”.
Còn trong bài viết “Sự trỗi dậy của phóng viên robot” đăng trên tờ New York Times, tác giả chỉ ra rằng 1/3 nội dung được xuất bản trên trang tin Bloomberg News được sản xuất bởi công nghệ AI.
Thuật toán mang tên Cyborg này có thể mổ xẻ một bản báo cáo tài chính một cách nhanh chóng và cho ra lò một bản tin hoàn chỉnh bao gồm các sự kiện và số liệu thích hợp nhất. Và không giống như các phóng viên phụ trách mảng kinh tế, những người sẽ phải đau đầu và ngán ngẩm với những con số hay biểu đồ, robot làm điều này mà không kèm theo một lời than phiền.
Chính xác và mẫn cán, công nghệ Cyborg giúp ích rất nhiều cho Bloomberg trong cuộc đua với Reuters - đối thủ chính của trang tin này trong lĩnh vực tài chính kinh doanh, cũng như tạo ra lợi thế trong cuộc đua thông tin với các quỹ đầu cơ (hedge fund), vốn cũng sử dụng AI để cung cấp cho khách hàng những tin tức mới nhất.
“Thị trường tài chính đi trước những lĩnh vực khác trong vấn đề này”, John Micklethwait - Tổng biên tập của Bloomberg, cho biết.
Ngoài việc phân tích báo cáo tài chính cho Bloomberg, các phóng viên robot đảm nhận việc sản xuất nhiều tin bài về các trận đấu bóng chày cho hãng tin AP, các trận bóng bầu dục học đường cho tờ Washington Post và trận động đất cho tờ Los Angeles Times.
Tạp chí danh tiếng Forbes gần đây đã thông báo rằng họ đang thử nghiệm một công cụ có tên là Bertie để cung cấp cho các phóng viên những bản nháp thô và các mẫu tin tức.
Khi việc sử dụng AI và robot đã trở thành một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp truyền thông, các nhà điều hành báo chí cho rằng công nghệ không phải là mối đe dọa đối với con người. Thay vào đó, công nghệ cho phép các nhà báo dành nhiều thời gian hơn cho chất lượng nội dung tin bài.
“Công việc của báo chí là sáng tạo, đó là về sự tò mò, về cách kể chuyện, về việc đào sâu các vấn đề và giữ các chính phủ có trách nhiệm, là tư duy phê bình, là phán đoán - và đó là những gì chúng tôi muốn các nhà báo tiêu tốn năng lượng của họ”, Lisa Gibbs – giám đốc mảng cộng tác viên của AP, cho biết.
AP là hãng thông tấn đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ khi đạt được thỏa thuận vào năm 2014 với Automated Insights, một công ty công nghệ chuyên về phần mềm ngôn ngữ tạo ra hàng tỷ tin bài “tự động” mỗi năm.
Ngoài việc dựa vào phần mềm để tạo ra các tin tức thể thao nhỏ lẻ, thì cũng như Bloomberg, hãng thông tấn AP đã sử dụng công nghệ để phân tích báo cáo tài chính. Kể từ khi hợp tác với Automated Insights, AP đã chuyển từ sản xuất 300 bài viết về báo cáo tài chính mỗi quý lên 3.700.
Còn đối với The Washington Post, vốn nổi tiếng là một tờ báo truyền thống, cũng sở hữu cho mình một AI mang tên Heliograf, “Phóng viên” này đã đảm nhận việc đưa tin về Thế vận hội Olympic mùa hè 2016 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng năm.
Nhờ có Heliograf, The Washington Post đã giành chiến thắng ở hạng mục Xuất sắc trong việc sử dụng công nghệ tại Giải thưởng Biggies toàn cầu năm 2019, vinh danh những thành tựu trong việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) và AI.
Jeremy Gilbert, giám đốc các sáng kiến chiến lược tại The Washington Post, cho biết tờ báo này cũng đã sử dụng AI để quảng cáo các tin bài dựa trên các chủ đề mang tính địa phương
AP, The Washington Post và Bloomberg cũng đã thiết lập các cảnh báo nội bộ để báo hiệu các dữ liệu dị thường. Các phóng viên nhìn thấy cảnh báo sau đó có thể xác định liệu có nên tự tay mình viết bài báo đó để tăng độ hấp hẫn.
Ví dụ, trong Thế vận hội 2016, The Washington Post đã thiết lập cảnh báo trên Slack, hệ thống nhắn tin tại nơi làm việc, để thông báo cho các biên tập viên nếu kết quả thi đấu của một nội dung nào đó cao hoặc thấp hơn 10% kỷ lục Olympic
Việc báo chí dựa vào AI không đơn giản chỉ là tạo ra một con robot có thể in ra các bản sao tin tức. Khi dữ liệu được nhập vào – ví dụ như thời tiết hoặc kết quả thi đấu, hệ thống có thể tạo một bài viết. Tuy nhiên, con người sẽ đóng vai trò là bộ phận hậu kiểm, các phóng viên và biên tập viên sẽ trau chuốt lại bài viết, họ sẽ tỉ mỉ tạo ra các câu chuyện hấp dẫn người đọc.
Cựu biên tập viên của trang tin MSN cho biết quyết định sử dụng robot mang đến nhiều rủi ro, vì các nhà báo và biên tập viên luôn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo rằng độc giả sẽ không phải tiếp cận những thông tin bạo lực hoặc không phù hợp với độ tuổi.
Việc các tin bài được biên tập từ bàn tay của con người sẽ giúp chọn lọc các luồng tư tưởng độc hại, tin giả, ngoài ra còn giúp quảng bá cho các bài viết từ những hãng thông tấn nhỏ khác.
Tạp chí Phố Wall đang thử nghiệm một công nghệ AI để giúp thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm phiên âm các cuộc phỏng vấn hoặc giúp các nhà báo xác định những bức ảnh sử dụng công nghệ “deep fake”, giúp tạo ra các bức ảnh ghép y như thật.
“Có lẽ vài năm trước AI là công nghệ mới chỉ được sử dụng bởi các công ty công nghệ cao, nhưng giờ đây, nó thực sự trở thành thiết yếu cho báo chí”, ông Francesco Marconi, người đứng đầu mảng nghiên cứu và phát triển của Tạp chí Phố Wall, nhận định. “Hôm nay là AI, ngày mai là blockchain, 10 năm nữa có thể là thứ gì đó mới. Điều duy nhất bất biến đó là tiêu chuẩn báo chí”.
“Nếu bạn là một người không chịu học hỏi, không chịu thích nghi, thì dù làm ở lĩnh vực nào, bạn sẽ gặp vô số khó khăn”, Zionts nói.