Covid-19 sẽ trở thành một đại dịch. Chúng ta chưa biết được mức độ nghiêm trọng của nó, chúng ta cũng không biết liệu virus sẽ lây lan sang tất cả các châu lục hay không, nhưng nó đã lan rộng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran và các nơi khác - và hàng ngàn bệnh nhân không bị phát hiện và lây nhiễm đã và đang tiếp tục đi vòng quanh thế giới.
Đây là điều chưa từng có. Ngoài cúm, không có loại virus đường hô hấp nào khác được theo dõi từ lúc xuất hiện cho tới khi liên tục lan rộng ra khắp toàn cầu. Các đại dịch cúm ở mức độ không quá nghiêm trọng diễn ra vào các năm 1957 và 1968, từng giết chết hơn 1 triệu người trong mỗi đại dịch trên toàn thế giới. Mặc dù chúng ta đã có những chuẩn bị tốt hơn so với trong quá khứ, nhưng chúng ta cũng kết nối với nhau rộng hơn, và hiện nay có nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe mãn tính hơn, khiến cho việc nhiễm vi-rút càng trở nên nguy hiểm.
Dựa trên kế hoạch quy mô cho đại dịch cúm của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, chúng ta phải thực hiện 8 điều - một số ngay lập tức và một số trong những tháng tới, khi chúng ta chuyển từ giai đoạn khởi đầu của đại dịch sang giai đoạn dịch bùng phát:
1. Tìm hiểu thêm về cách Covid-19 lây lan, mức độ nguy hiểm của nó và những gì chúng ta có thể làm để giảm tác hại của nó. Có đến một nửa số người bị nhiễm không có các triệu chứng và ít nhất 80% những người cảm thấy bị bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ. Tại Vũ Hán, Trung Quốc, tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán tử vong được báo cáo là 3%. Đó là một ước tính quá mức đáng kể; nhiều bệnh nhân không được xét nghiệm, nhiều người nhiễm bệnh không có triệu chứng và bệnh viện đã quá tải. Tỷ lệ này có thể thấp và ít 3% - và không chắc là nhiều hơn 1% . Tỷ lệ thực tế tạo ra sự khác biệt rất lớn, không chỉ với bệnh nhân mà còn cả quyết định can thiệp.
2. Giảm số người bị nhiễm bệnh. Nếu xảy ra nhiều người bị nhiễm bệnh nặng, nó sẽ biện minh cho các biện pháp quyết liệt như đóng cửa hoặc cắt giảm giờ học, hạn chế các cuộc tụ họp công cộng và giảm tiếp xúc xã hội. Nguy cơ tử vong do nhiễm bệnh càng thấp, càng ít có ý nghĩa để thực hiện những biện pháp kể trên và các hành động khác phá vỡ sự ổn định xã hội và kinh tế. Trong mọi trường hợp, lây lan có thể được giảm thiểu bằng cách cách ly nhanh chóng những người bị bệnh, thường xuyên làm sạch các bề mặt bị ô nhiễm và thay đổi thói quen thông thường. Chúng ta cần nghiêm túc về những điều nhỏ nhặt tạo nên sự khác biệt lớn: rửa tay, che miệng khi ho, nếu chúng ta bị bệnh, ở nhà hoặc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Hãy ngừng bắt tay một thời gian. Tôi thích cách chắp tay chào hỏi truyền thống của Đông Nam Á, mặc dù kiểu chào chạm khuỷu tay vào nhau cũng rất thú vị.
3. Bảo vệ nhân viên y tế. Ngay cả trước Covid-19, vẫn còn quá nhiều nhân viên y tế và bệnh nhân bị lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Chúng ta cần những cải tiến nhanh chóng và quyết liệt trong việc xử lý, điều trị, làm sạch và ngăn ngừa lây nhiễm tổng thể. Có khả năng sẽ xảy ra sự thiếu hụt của khẩu trang y tế; chúng ta cần đảm bảo nhân viên y tế có đủ, cũng như các thành viên trong gia đình chăm sóc người thân bị bệnh và những người bị bệnh và cần phải ra ngoài. Đối với nhân viên chăm sóc sức khỏe, các công nghệ mới hơn, sử dụng bền hơn như mặt nạ phòng độc có tính đàn hồi và áp suất không khí dương có thể giải quyết sự thiếu hụt không thể tránh khỏi của khẩu trang y tế.
4. Cải thiện chăm sóc y tế và phòng ngừa Covid-19. Vắc-xin phòng ngừa phải ít nhất một năm nữa mới có, và thành công là không chắc chắn. Các phương pháp điều trị khả quan cần được đánh giá chặt chẽ. Trong một đại dịch ở mức độ vừa phải, sẽ không có đủ máy thở để hỗ trợ hô hấp cho các bệnh nhân. Các cơ sở y tế và các bệnh viện ở Hoa Kỳ có thể dự phòng cho trường hợp xấu nhất bằng cách chuẩn bị - bằng đào tạo, trang thiết bị và kế hoạch hoạt động chi tiết - cho sự gia tăng số lượng bệnh nhân cần sự chăm sóc và cho các nhóm bệnh nhân cần phải được đặt máy thở, bao gồm cả thông qua máy thở có sẵn từ Kho dự trữ chiến lược quốc gia.
5. Bảo vệ các dịch vụ y tế. Trong đại dịch Ebola 2014-2016 ở Tây Phi, nhiều người đã chết do bị gián đoạn chăm sóc sức khỏe hàng ngày hơn là chết vì Ebola. Điều trị từ xa cần phải trở nên dễ tiếp cận nhiều hơn nữa, và trong trường hợp có sự gián đoạn về nguồn cung, những người mắc bệnh mãn tính cần nhận được thuốc đủ dùng bất cứ lúc nào trong ba tháng. Tiêm phòng định kỳ và các dịch vụ phòng ngừa khác cần được giữ gìn
6. Hỗ trợ các nhu cầu xã hội. Bệnh nhân và gia đình của họ sẽ cần hỗ trợ, đặc biệt là những người bị cách ly và ít quen thuộc với các dịch vụ trên mạng hoặc giao hàng. Cần có các kế hoạch chi tiết để hỗ trợ liên tục các cá nhân và các nhóm từ trung tâm cộng đồng đến viện dưỡng lão.
7. Bảo vệ sự ổn định kinh tế. Tiếp tục lên kế hoạch, dạy, học và làm việc sẽ giảm bớt các đổ vỡ. Các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng để tối đa hóa việc làm việc từ xa, tăng cường đào tạo chéo và hoạt động khi có tới 40% nhân viên bị bệnh hoặc bị cách ly. Các doanh nghiệp quan trọng cần có kế hoạch thiết thực để tiếp tục hoạt động.
8. Đầu tư vào y tế cộng đồng. Sẽ tiêu tốn 1 đô la một người mỗi năm trong ít nhất một thập kỷ để xây dựng các hệ thống bảo vệ sức khỏe cần thiết ở Châu Phi và Châu Á. Đó là một khoản tiền lớn - khoảng 25 tỷ đô la - nhưng một phần rất nhỏ thiệt hại của một đại dịch nếu nó xảy ra . (SARS thiệt hại trị giá 40 tỷ đô la; ước tính thiệt hại tiềm năng của Covid-19 vượt quá 1 nghìn tỷ đô la.)
Virus và các can thiệp phù hợp sẽ vận hành khác nhau ở các khu vực/quốc gia có tài nguyên và nguồn lực khác nhau, phụ thuộc vào số người nhiễm bệnh, khả năng chẩn đoán - điều trị và khả năng giảm lây lan. Chúng ta vẫn chưa biết liệu Covid-19 sẽ làm chết hàng ngàn, hàng trăm ngàn hay hàng triệu người.
Trên hết, chúng ta phải không gây ra sự tổn hại. Chúng ta không đóng cửa các trường học hàng năm vì cúm theo mùa và chúng ta đã không đóng cửa chúng vì đại dịch cúm 2009, bởi lý do chính đáng: Mức độ nghiêm trọng không đáng có. Nếu virus xuất hiện từ chợ ẩm ướt bán động vật quý hiếm làm thực phẩm ở Vũ Hán, thì việc Trung Quốc không đóng cửa các chợ như vậy sau dịch SARS chính là nguyên nhân cơ bản của đợt bùng phát này.
Mặt khác, hàng rào bảo vệ đặc biệt ở tỉnh Hồ Bắc và các khu vực khác của Trung Quốc đã cho thế giới ít nhất một tháng để chuẩn bị. Tin tức trong tuần qua có nghĩa là thế giới phải thực hiện các bước trên và nhanh chóng để hạn chế các tổn thất về sức khỏe, xã hội và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bác sĩ Tom Frieden là cựu Giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, đồng thời là cựu ủy viên của Sở Y tế thành phố New York. Ông hiện là chủ tịch và Giám đốc điều hành của Resolve to Save Lives, một sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu được Bloomberg Philanthropies, Quỹ Sáng kiến Chan Zuckerberg Initiative, và Quỹ Bill and Melinda Gates Foundation tài trợ, là một phần của tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Vital Strategies. Resolve to Save Lives làm việc cùng với các quốc gia để ngăn chặn hàng trăm triệu cái chết, tạo ra một thế giới an toàn hơn khi có dịch bệnh. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này chỉ là quan điểm của tác giả.