Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ bức xúc về tình trạng loạn học sinh giỏi hiện nay.
"Chuyện học tập và thành tích học tập là để phân loại, để các em căn cứ vào đó nhìn lại chính mình, nhưng giờ thì toàn thành tích ảo, em nào cũng 10 điểm thì làm sao phân loại được học sinh. Có những em điểm cấp ba cao chót vót, nhưng đến khi vào đại học đã toàn nhận điểm liệt, điểm 2, 3", vị đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo bà Lan, cần phải nhìn nhận vào thực tế hiện nay là chúng ta đang dùng thành tích ảo để tôn vinh lẫn nhau, khiến các em trở nên ảo tưởng, thích làm thầy hơn làm thợ. Thực trạng này hết sức nguy hiểm bởi khi đã quen với điểm cao, thành tích tốt triền miền, các em sẽ cảm thấy không còn gì để cố gắng.
Cùng với đó, chúng ta đang ban phát hết sức bừa bãi điểm số, giấy khen bởi không có xã hội nào, quốc gia nào mà học sinh toàn loại giỏi như nước ta, kể cả những nước kinh tế phát triển nơi trẻ em được tạo mọi điều kiện. Cái chuẩn của giáo dục Việt Nam đang hết sức lệch lạc, sự dễ dãi đến từ hệ thống giáo dục, đến từ các thầy cô.
Địa phương nào cũng muốn học sinh ở tỉnh, thành phố mình được điểm cao để lấy thành tích ganh đua với các tỉnh, thành khác.
Vị nữ đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề cần thiết hiện nay là phải ban hành chuẩn, giám sát và thực hiện cái chuẩn đó, đồng thời xem lại cách ra đề thi, cách dạy, cách học.
"Như ở các trường ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện về mặt cơ sở vật chất, tinh thần để thầy cô dạy và học tốt chứ không phải ban phát điểm 10 để động viên an ủi rồi nảy sinh tình trạng lúc nào cũng than khó, than khổ nhưng khi thi lại toàn 10 với 10", bà Lan nói.
Bà Lan chia sẻ bản thân cảm thấy hết hết sức giận dữ khi chưa bao giờ danh hiệu thủ khoa lại bôi bác như lúc này, bởi như vậy là đánh đồng hết, không còn ý nghĩa tôn vinh, động viên những người học giỏi thực sự.
"Dạy trẻ em không chỉ dạy kiến thức mà phải dạy đạo đức, sống phải trung thực. Thà dở, biết cái cần cố gắng còn hơn là động viên, an ủi, cho điểm ảo. Vấn nạn hiện nay là đang có một sự đảo lộn, chối bỏ mọi giá trị của giáo dục, từ điểm số đánh giá ở trường cho tới môi trường đánh giá.
Tôi có cảm giác Bộ vẫn bình tĩnh, để mặc xã hội nói mà giữ im lặng, trong khi đó, trẻ con tập quen với dối trá ngay từ đầu", bà cho biết thêm.