Theo nguồn tin đăng tải trên Zing.vn, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỉnh Sơn La đã quyết định thành lập ban chỉ đạo kỳ thi và hội đồng thi. Theo đó, ban chỉ đạo kỳ thi có 45 người, gồm một trưởng ban, một phó trưởng ban thường trực.
Trưởng ban chỉ đạo thi năm 2019 của tỉnh Sơn La vẫn là ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Ông Thủy từng làm trưởng ban chỉ đạo thi năm 2018 xảy ra bê bối gian lận thi cử.
Riêng ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cùng ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, không có tên trong ban chỉ đạo thi và hội đồng thi của tỉnh Sơn La năm nay.
Tại Hà Giang năm 2018, trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia là ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, năm 2019, trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh Hà Giang là ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, theo báo Hà Giang.
Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang tại cuộc họp ban chỉ đạo thi của tỉnh vừa qua - Ảnh: báo Hà Giang |
Còn tại tỉnh Hòa Bình, xác nhận với PV báo Tiền Phong, ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo thi năm 2018 cho biết năm nay ông không tham gia vào ban chỉ đạo thi của tỉnh. Vì con ông thi. Trưởng ban chỉ đạo thi được giao cho một Phó chủ tịch khác.
Cho đến thời điểm hiện tại, vụ việc gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại 3 địa phương này vẫn đang trong quá trình điều tra. Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần.
Rút kinh nghiệm từ những sai phạm năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh kỳ thi. Vừa qua, trong báo cáo gửi Quốc hội, đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã thừa nhận trách nhiệm của Bộ đối với những sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018.
Trong một diễn biến có liên quan, trước đó, báo Vietnamnet đưa tin, tại hội nghị trực tuyến chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019, Ban chỉ đạo thi quốc gia đã yêu cầu các địa phương xảy ra bê bối như Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình cam kết thực hiện nghiêm túc.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên và Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận: "Những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được Bộ GD-ĐT và các địa phương nhận diện, tìm hướng giải quyết. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã chủ động đưa ra các giải pháp về kỹ thuật nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.
Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đặc biệt tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm công tác thi cần phải được nâng cao và quán triệt sâu sắc".