Phong tỏa biên giới, áp dụng các biện pháp kiểm dịch, đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, hỏa táng hàng loạt nạn nhân,…rất nhiều biện pháp đã được triển khai để cố gắng hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm. Tuy nhiên, căn bệnh lạ đã tước đi sinh mạng của hơn 60.000 người tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, biến nó trở thành đại dịch lớn nhất vào thời đó.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chính phủ Trung Quốc khi đó đã triệu tập hội nghị về bệnh dịch quốc tế tại thành phố Thẩm Dương - gần tâm chấn của vụ dịch.
Tham dự sự kiện có các nhà virus học, vi khuẩn học, dịch tễ học và chuyên gia y tế từ nhiều cường quốc trên thế giới – Mỹ, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh và Pháp.
Một khu cách ly tại Cáp Nhĩ Tân vào năm 1911. |
Mục đích của hội nghị là tìm ra nguyên nhân của sự bùng phát, tìm hiểu các kỹ thuật ức chế nào là hiệu quả nhất, khám phá lý do tại sao bệnh lây lan quá nhanh và đánh giá cơ hội để ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai. Mặc dù hội nghị không thật sự đạt hiệu quả, nhưng nó cũng cho thấy những nỗ lực chung tay của các quốc gia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Quay trở lại hiện tại, khi dịch COVID-19 có cơ hội trỗi dậy do thiếu đi các hoạt động phối hợp toàn cầu và nỗ lực đa phương từ phía các nhà lãnh đạo chính trị, hội nghị quốc tế năm 1911 tại Trung Quốc trở thành bài học lịch sử mà thế giới hiện đại có thể học hỏi.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra làn sóng phân biệt chủng tộc, các cường quốc chỉ tập trung đổ lỗi cho nhau và tranh giành các nguồn vật tư y tế, trong khi các nước nghèo hơn phải tự bảo vệ mình.
So với năm 1911, nhân loại hiện đang sống trong một thế giới phân cực và chia rẽ.
Nguồn gốc dịch bệnh 1911
Các tài liệu ghi lại căn bệnh lạ, hay còn được biết đến với tên gọi Đại dịch Mãn Châu, bất ngờ bùng phát tại vùng Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1910.
Cụ thể, kể từ mùa thu năm 1910 cho đến khi dịch bệnh biến mất vào năm sau, ước tính có khoảng 63.000 người đã thiệt mạng. Dịch bệnh khi đó đã tấn công thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang ngày nay.
Cáp Nhĩ Tân sau đó là một phần của Mãn Châu, một khu vực rộng lớn, quan trọng về mặt nông nghiệp nhưng dân cư thưa chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Phần lớn lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, trong khi Nhật Bản kiểm soát khu vực cảng Đại Liên còn Nga điều hành đường sắt Mãn Châu.
Cáp Nhĩ Tân từng là một thành phố quốc tế, nơi có nhiều người Nga làm việc cho hệ thống Đường sắt Hoa Đông (CER), kết nối tuyến Đường sắt xuyên Siberia đến cảng Đại Liên do Nhật kiểm soát. Thành phố này cũng là nơi có cộng đồng lớn người Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu sinh sống và làm việc.
Ngoài đường sắt, một ngành nghề rất phát triển tại Cáp Nhĩ Tân khi đó là buôn bán lông thú, nhiều khả năng đây chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Loài mác mốt Mông Cổ được cho là nguyên nhân gây ra đại dịch Mãn Châu Lý. |
Mác mốt là một loài gặm nhấm sống chủ yếu trên đồng cỏ và thảo nguyên của Mông Cổ và Mãn Châu lân cận. Các nhà buôn châu Âu, Mỹ và Nhật Bản từ lâu đã chỉ mua lông chồn và rái cá từ các thợ săn địa phương, chưa bao giờ quan tâm đến các bộ lông thô của loài mác mốt. Nhưng các kỹ thuật nhuộm vào đầu thế kỷ 20 khiến lông mác mốt nổi lên là sự thay thế cho các loại lông thú đắt tiền trên.
Hàng nghìn thợ săn địa phương đã đổ xô đi săn bắn loài gặm nhấm này, từ lâu thịt của mác mốt bị bệnh không được sử dụng làm thức ăn, nhưng lông của chúng vẫn được thu thập để bán, do có giá cao vào thời điểm đó.
Đại dịch Mãn Châu lần đầu được ghi nhận chính thức bởi các bác sĩ Nga ở Mãn Châu Lý - một thị trấn thuộc khu tự trị Nội Mông ngày nay. Người bệnh sẽ có những biểu hiện như sốt, sau đó là xuất huyết (ho ra máu). Tại Mãn Châu Lý, xác chết chất đống trên đường phố, các toa tàu chở hàng được cải tạo để cho người bệnh vào nằm thay cho phòng bệnh.
Giống như dịch COVID-19 ngày nay lây lan qua đường hàng không, đại dịch Mãn Châu trong quá khứ được truyền nhiễm qua hệ thống đường sắt. Kể từ khi lần đầu được ghi nhận tại Mãn Châu Lý, căn bệnh lạ đột nhiên bùng phát tại hai thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ và Cáp Nhĩ Tân.
Men theo tuyến đường sắt, mầm bệnh đã xuất hiện tại Thiên Tân, Bắc Kinh và dọc theo đường sắt Bắc Kinh đến Vũ Hán. Ngay cả Thượng Hải, cách Mãn Châu Lý 2.000 dặm, cũng đã phải phong tỏa thành phố để ngăn chặn dịch bệnh. Tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, nơi có nhiều khu ổ chuột, dịch bệnh đã khiến 5.272 người thiệt mạng tính đến ngày 8/11/1910.
Các phản ứng nhanh chóng
Mặc cho những hạn chế về hệ thống giao thông vào đầu thế kỷ 20, các phản ứng nhằm ứng phó với dịch bệnh đã được nhanh chóng tiến hành.
Hàng loạt trung tâm kiểm dịch đã được thành lập, chủ yếu là trong các toa tàu chở hàng, nhằm cách ly người thân của người chết cùng với những người làm nghề buôn bán và thu thập lông thú.
Sau 5-10 ngày, những người không có biểu hiện bệnh sẽ được cho ra ngoài, họ sẽ đeo một sợi dây được buộc chặt bằng một con dấu chứng minh để làm bằng chứng. Thi thể người chết sẽ được hỏa táng, hoạt động an táng bị cấm hoàn toàn.
Tại Cáp Nhĩ Tân, ông Wu Lien-the, một bác sĩ người Malaysia gốc Hoa, là một trong những người tìm cách ngăn chặn dịch bệnh. |
Bác sĩ Wu bắt đầu khám nghiệm tử thi và xác định rõ đây là bệnh viêm phổi và không phải là bệnh sùi mào gà, ông cũng khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Đến đầu năm 1911, Trung Quốc đã huy động các bác sĩ và nhà dịch tễ học từ khắp cả nước tới Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Wu đã chỉ ra lệnh cấm di chuyển sẽ là bất khả thi do thời điểm đó trùng với Tết Âm lịch, khi người Trung Quốc sẽ trở về quê nhà.
Nếu tỷ lệ lây nhiễm tại vùng Cáp Nhĩ Tân không giảm, thì nó có nguy cơ trở thành dịch bệnh trên toàn quốc.
Bác sĩ Wu đã đưa ra hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch như lập khu kiểm dịch, phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại và đeo khẩu trang. Tới cuối tháng 1, số lượng ca mắc tại Cáp Nhĩ Tân đã suy giảm rõ rệt.
Mặc dù các trường hợp tiếp tục xuất hiện trên khắp Mãn Châu và đôi khi xa hơn, bác sĩ Wu tuyên bố bệnh dịch tại Cáp Nhĩ Tân đã được kiểm soát vào cuối tháng 1 năm 1911, chính quyền thành phố đã tiến hành vụ hỏa táng hàng loạt các nạn nhân.
Hội nghị quốc tế tại Thẩm Dương
Ngày 3/4 năm 1911, cung điện Shao Ho Yien của Thẩm Dương đã được biến thành một trung tâm hội nghị bao gồm phòng họp, phòng thí nghiệm và khu sinh hoạt cho các đại biểu quốc tế. Hội nghị này quy tụ các chuyên gia từ Trung Quốc, Nga,Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, Ý, Mexico, Hà Lan, Đức và Áo-Hung, các đại biểu đều đến từ các cơ sở nghiên cứu nổi tiếng.
Hội nghị Thẩm Dương đã thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm độc tố của vi khuẩn, các chủng biến thể, cách thức lây nhiễm như ho. Thậm chí đã có những trao đổi về các ca bệnh không có biểu hiện và các ca siêu lây nhiễm.
Tượng của bác sĩ Wu Lien-the tại thành phố Cáp Nhĩ Tân. |
Hội nghị kết thúc vào ngày 28/4 năm 1911, các kết luận và nghị quyết của hội nghị đề cập tới nhữnh bằng chứng khoa học về căn bệnh, sự cần thiết phải cải thiện vệ sinh, các quy định kiểm dịch và xác định nguồn bệnh – loài mác mốt Mông Cổ.
Phản ứng toàn cầu
Vào năm 1911, thế giới vẫn chưa có WHO.
Không có chính trị gia nào tham gia hội nghị Thẩm Dương khi đó, chỉ có các nhà khoa học nhận thấy sự cần thiết phải có một tổ chức y tế toàn cầu để ban hành các ứng phó trên diện rộng nếu xảy ra một đại dịch toàn cầu.
Đại dịch Mãn Châu cuối cùng đã không lan truyền đến phần còn lại của Trung Quốc, Mông Cổ hoặc Nga. Việc đóng cửa cảng Đại Liên đã ngăn chặn mầm bệnh từ Mãn Châu đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong,…Từ đó, nó có thể di chuyển bằng tàu biển đến châu Âu, châu Mỹ và trên toàn thế giới.
Chỉ cho tới khi Thế chiến thứ I kết thúc với sự ra đời của Hội Quốc Liên, một cơ quan phụ trách y tế toàn cầu mới được thành lập – Cục Y tế.
Cơ quan này đã tiến hành các chương trình xóa sổ bệnh phong, sốt rét và sốt vàng da cũng như giúp ngăn chặn thành công dịch sốt phát ban ở Nga và các dịch bệnh tả và thương hàn khác nhau ở Trung Quốc giữa các cuộc chiến. Sau Thế chiến II, Liên Hợp Quốc đã tạo ra WHO.
Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, những biện pháp như cách ly tập trung, đeo khẩu trang, cải thiện vệ sinh, hạn chế đi lại, ngừng hoạt động của tàu thuyền và đội ngũ nhân viên y tế tận tâm,…đều giống với những gì các bác sĩ tại Trung Quốc thực hiện vào hơn 1 thế kỷ trước.
Tuy nhiên, các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản dường như ít quan tâm đến việc chung tay phối hợp để đối phó với dịch bệnh, cũng như bất kỳ hội nghị y tế toàn cầu nào.
Năm 1911, các chuyên gia về bệnh tật hàng đầu thế giới đã rất háo hức đến Trung Quốc. Có lẽ đó là điều cần phải xảy ra vào lúc nào đó sau đại dịch COVID-19 chấm dứt: các nhà khoa học trên thế giới tìm cách gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về đại dịch này mà không bận tâm tới các vấn đề chính trị.