Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới

Công chúng thường có xu hướng rung động trước cảnh người nổi tiếng ăn mặc giản dị phân phát lương thực cho người tị nạn ở Sudan hoặc hát những bài dân ca cho đám trẻ mồ côi ở Malawi. Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng cũng như sức lan tỏa của những cá nhân nổi tiếng trong việc thu hút sự chú ý của cộng đồng cũng như kêu gọi nguồn lực cho các công cuộc cứu trợ.

-----

Danh hiệu của lòng trắc ẩn

Từ lâu, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nhận thấy tiềm năng hiệu triệu và lan tỏa thông tin từ những ngôi sao, nhân vật có tầm ảnh hưởng trước công chúng. Tổ chức này bắt đầu hợp tác với những cái tên nổi tiếng để quảng bá cho nhiệm vụ gây quỹ và và triển khai công tác hỗ trợ cộng đồng. Năm 1945, nam tài tử người Mỹ Danny Kaye đã trở thành Đại sứ thiện chí đầu tiên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 1

Danny Kaye, Đại sứ thiện chí đầu tiên của LHQ. Ảnh: UNICEF.

Tới thời điểm hiện tại, LHQ và các cơ quan thuộc hệ thống của tổ chức này đã có một danh sách lên tới hàng ngàn Đại sứ thiện chí cấp quốc tế và khu vực. Các ngôi sao khi tham gia cương vị này đều chấp nhận tự trang trải mọi chi phí liên quan đến sứ mệnh, đồng thời chia sẻ điều kiện sống, làm việc trong khó khăn như các nhân viên hiện trường trong mỗi chuyến đi.

Nói đến những người nổi tiếng giúp LHQ tăng cường tầm ảnh hưởng, không thể không nhắc tới nữ minh tinh điện ảnh Angelina Jolie. Được cử làm Đại sứ thiện chí của Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) từ năm 2001, trong 20 năm qua, nàng Lara Croft - nhân vật nữ anh hùng trong loạt phim ăn khách Tomb Raider mà Jolie thủ vai - đã không ngừng cống hiến để tăng cường nhận thức về người tị nạn trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia về tư vấn nhân lực, hiện Angelina Jolie vẫn là Đại sứ thiện chí thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng toàn cầu cho những hoạt động của UNHCR. Jolie cũng là Đại sứ thiện chí năng nổ nhất, khi thường xuyên có mặt tại những điểm nóng về tị nạn trên thế giới. Chuyến đi tới trại tị nạn ở Burkina Faso vào tháng 6/2021 vừa qua là sự kiện mới nhất trong chuỗi hành động vì người tị nạn toàn cầu của cô.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 2

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 3

Hình ảnh chân thật tại chuyến cứu trợ trại tị nạn Cộng Hòa Chad của Angelina Jolie.

Angelina Jolie được đánh giá cao bởi phương thức hoạt động âm thầm, bền bỉ, không lợi dụng các hoạt động nhân đạo để quảng bá hình ảnh cá nhân. Ngôi sao hàng đầu Hollywood thường tìm đến tận nơi để tìm hiểu, đánh giá thực trạng các trại tị nạn mà không mang đoàn quay phim đi cùng. Hình ảnh Jolie khuân vác đồ bên cạnh các nhân viên tại trại tị nạn, hay việc cô ngồi trên mặt đất, gạt bỏ khoảng cách để lắng nghe người tị nạn, luôn để lại ấn tượng tốt đẹp không chỉ trong lòng người hâm mộ, mà còn trong mắt công chúng toàn cầu.

Một biểu tượng cho lòng trắc ẩn khác là ngôi sao nhạc pop Shakira, Đại sứ thiện chí của UNICEF, người Colombia đầu tiên được chọn vào vị trí này. Với hành trình ghé thăm những nước đang và kém phát triển, Shakira đã cùng UNICEF thực hiện nhiều chương trình thiết thực để cải thiện các phúc lợi về y tế và giáo dục cho trẻ em.

Trong một bài phỏng vấn về cương vị Đại sứ của mình, Shakira cho biết: “UNICEF đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ Colombia, vì vậy khi được đứng trong hàng ngũ những người làm việc cho tổ chức, tôi thấy vinh dự và tràn đầy cảm hứng. Tôi sẽ nỗ lực trong phạm vi cho phép để mang tới tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em trên toàn thế giới”.

Nguy cơ chỉ trích

Việc sử dụng diễn viên, nhạc sĩ, ngôi sao thể thao và những người có sức ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải các vấn đề về phát triển tiềm năng con người đôi khi nảy sinh sự phức tạp và trở ngại nhất định. Một trong những vụ bê bối nổi tiếng từng được tạp chí People đăng tải là chuyến đi “đầy cảm xúc” của nữ ca sĩ Christina Aguilera đến Rwanda, trong tư cách Đại sứ của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP)

Cụ thể, sau khi trở về từ chuyến đi, Aguilera đã trả lời trong một bài phỏng vấn rằng, người dân Rwanda đã chạm đến trái tim cô theo một cách “không thể diễn đạt bằng lời”. “Họ đang ở một nơi bị chiến tranh tàn phá và cần sự giúp đỡ của chúng ta”.

Việc hiểu lầm Rwanda bị tàn phá bởi chiến tranh, có thể rơi vào khủng hoảng lương thực nên được hiểu là lỗi của báo giới chứ không phải Aguilera. Tuy nhiên, chỉ cần một thao tác tra cứu thông tin đơn giản, có thể thấy tất cả các cuộc nội chiến tại Rwanda đã kết thúc trước thời điểm nữ ca sĩ ghé thăm quốc gia này từ 20 năm trước. Và nếu còn liên quan tới bạo lực, thì đó là câu chuyện quân đội Rwanda giao tranh ở nước láng giềng.

Nghĩa là không có việc Rwanda bị tàn phá bởi chiến tranh. Chuyến đi của Aguilera đã trở thành một trò hề khi những nhà phê bình chế nhạo sự ngây thơ của nữ danh ca. Họ giễu cợt rằng một quốc gia đang phát triển nhanh như Rwanda “chắc chắn không cần một người nổi tiếng đến từ Mỹ để giải cứu”.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 4

Audrey Hepburn, biểu tượng của sắc đẹp và lòng nhân ái, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1990 trên cương vị Đại sứ thiện chí UNICEF.

Mark Wheeler, giáo sư Khoa Truyền thông Chính trị tại Đại học Metropolitan, mô tả việc LHQ hợp tác với các Đại sứ thiện chí như Danny Kaye hay Audrey Hepburn là sự lựa chọn ‘‘phù hợp tuyệt vời’’. Tuy nhiên, tổ chức này cũng không tránh được rắc rối với các Đại sứ thiện chí còn thiếu kiến thức hay “quá đủ hiểu biết”, dẫn đến có những quan điểm cứng rắn như Richard Gere.

Nam tài tử nói trên không chỉ được biết tới vì đã lên tiếng chống lại hành động vi phạm nhân quyền diễn ra ở Trung Quốc, mà ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế vì Tây Tạng và là bạn lâu năm của Tenzin Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14. Việc Gere làm mất lòng Trung Quốc, nguyên quán của hơn 1/4 lãnh đạo các cơ quan trực thuộc LHQ, chắc chắn không nằm trong mong muốn và dự liệu của tổ chức này.

Còn theo Sisonke Msimang, một nhà quan sát xã hội người Nam Phi, cách thức dùng người nổi tiếng để lan tỏa thông tin là “đáng hoan nghênh”. Tuy nhiên, nhà bình luận này cũng cảnh báo việc các Đại sứ thiện chí đến từ showbiz “đôi khi khiến công cuộc cứu trợ đầy ý nghĩa nhân đạo trông như một show truyền hình thực tế trong mắt công chúng”.

“Bạn muốn khán giả quan tâm đến những vùng nghèo đói trên thế giới, và thật rủi ro nếu họ quan tâm đến hoạt động này chỉ vì một ngôi sao đang lên. Điều này làm giảm bớt tính thực tiễn và ý nghĩa mà các tổ chức đề ra”, Msimang giải thích.

Nhiều nhà bình luận khác thậm chí lập luận sự xuất hiện của người nổi tiếng trong các công tác nhân đạo có thể làm chệch hướng chú ý của người hâm mộ. Thay vì đi tìm những nguyên nhân về kinh tế - xã hội của sự nghèo đói, bất bình đẳng, công chúng đơn thuần chấp nhận suy nghĩ có những vùng khó khăn và tò mò những người nổi tiếng sẽ làm gì ở đó. Ngoài ra, những lời kêu gọi sáo rỗng, nông cạn một cách đáng trách về “chiếc rổ Châu Phi”, vẽ ra hình ảnh một lục địa luôn chờ phương Tây rót vốn mà không có khả năng giải quyết vấn đề của chính mình cũng vô cùng nguy hại.

Những lời chỉ trích gay gắt nhất đã nhắm vào tổ chức nhân đạo độc lập của Bono, thành viên ban nhạc U2 nổi tiếng toàn cầu thập niên 80. Đằng sau huyền thoại về vận động cứu trợ, xóa đói giảm nghèo, làm giảm thiểu sự lây lan của AIDS ở châu Phi, tên của Bono cũng xuất hiện trong hồ sơ Paradise (2017) với nghi án trốn thuế và lập hàng loạt công ty ma ở Malta.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 5

Bono và câu giật tít huyền thoại của tạp chí Time: Can Bono save the world? (Bono có thể cứu thế giới không?) trước khi vướng vào bê bối. Ảnh: Time.

Bono là câu chuyện cảnh báo dành cho những ngôi sao đang cân nhắc việc tham gia vào các chính sách nhân đạo hoặc thành lập tổ chức phi chính phủ của riêng mình. “Là người nổi tiếng có thể cho phép bạn tiếp cận với giới tài phiệt và kêu gọi được những nguồn tài trợ khổng lồ. Tuy nhiên, nếu thiếu kiến thức kỹ thuật, nguồn gốc cơ bản để phân tích thực tiễn và xúc tiến các hoạt động có ý nghĩa, bạn sẽ chỉ đạt đến ngưỡng huy động vốn không hơn không kém”, Msimang lập luận.

Nhà quan sát này cho rằng con đường thuận lợi nhất vẫn là mối liên kết giữa những người nổi tiếng có hình ảnh lành mạnh với các tổ chức đáng tin cậy hiện có.

Khuếch đại thông điệp

Marissa Buckanoff, Trưởng chương trình Đại sứ thiện chí của UNICEF, cho biết “thời gian tìm hiểu’’ đối với mỗi người nổi tiếng thường từ 6 đến 12 tháng trước khi họ nhận thư mời chính thức làm Đại sứ thiện chí của UNICEF.

“Đó là khoảng thời gian vừa đủ để chúng tôi thấu hiểu cách họ xử lý tình huống, dự đoán những hành động trong tương lai. Quá trình tìm hiểu cũng giúp các ngôi sao cập nhật thông tin về tổ chức. Tất nhiên, trong trường hợp chọn sai người, đồng nghĩa với việc chương trình được thiết lập để đi tới thất bại’’, Buckanoff cho biết.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 6

Priyanka Chopra Jonas, Đại sứ thiện chí của UNICEF, đang xem một trận bóng đá giữa trẻ em tị nạn Eritrean và trẻ em từ Ethiopia trong trại tị nạn Hitsats.

Còn theo Marie-Vincente Pasdeloup, người từng quản lý chương trình Đại sứ Toàn cầu của Oxfam, những người nổi tiếng cần được thông báo và tóm tắt kỹ lưỡng về mục đích cũng như hoạt động chiến lược trước khi họ thay mặt tổ chức xuất hiện trước công chúng.

Bởi sự xuất hiện của các Đại sứ thiện chí được kỳ vọng sẽ truyền tải những thông điệp cốt lõi bằng chính ngôn từ và cách hiểu vấn đề của họ chứ không phải của một bộ máy truyền thông ngầm nào đó. Một trong những mục tiêu chính của việc sử dụng người nổi tiếng là giúp các quỹ cứu tế tiếp cận những đối tượng mà thông thường các tổ chức không thể tiếp cận cũng như khiến họ quan tâm đến các vấn đề được đặt ra.

Một ví dụ điển hình về khả năng một ngôi sao lớn giúp tổ chức tỏa sáng là sự kiện nam tài tử Leonardo DiCaprio kêu gọi công chúng góp phần giải cứu hành tinh nhân Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của LHQ vào năm 2014.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 7

Leonardo DiCaprio phát biểu tại LHQ vào năm 2014. Ảnh: Quartz.

Đoạn clip ghi lại bài phát biểu của ‘mỹ nam’ Titanic lúc đó đã được theo dõi bởi hơn 1,5 triệu người - lượng khán giả kỷ lục mà chưa có clip nào của LHQ tính tới thời điểm ấy đạt được. Bên cạnh đó, những dòng tweet mà DiCaprio tự soạn, đính kèm hashtag về sự kiện trên trang cá nhân có 11,3 triệu người theo dõi của anh cũng nhận được rất nhiều lượt tương tác. Để làm một phép so sánh nhanh, chúng ta nên biết tài khoản Twitter của LHQ lúc đó chỉ có 3,3 triệu người theo dõi.

Ảnh hưởng to lớn mà các siêu sao mang lại cũng được chính nội bộ LHQ công nhận. Maher Nasser, Giám đốc Cơ quan Giao tế của LHQ từng cho biết: “Đôi khi một vấn đề xuất hiện trên bản đồ tin tức, chỉ đơn giản là đã có một nhân vật tiếng tăm đặt nó lên đó”. DiCaprio là ví dụ nổi bật trong hàng trăm trường hợp người nổi tiếng đã và đang tích cực hỗ trợ LHQ trong việc quảng bá những chiến dịch nhân đạo ra khắp thế giới.

Chiến lược hướng Đông

Trong một thập kỷ gần đây, LHQ ngày càng quan tâm và đưa nhiều lời mời dành cho các Đại sứ thiện chí là những ngôi sao trẻ đang lên và đến từ châu Á. Điều này cho thấy ít nhiều quỹ đạo dịch chuyển của nền văn hóa đang thay đổi theo chiều hướng nào.

Có thể nói tầm nhìn và ảnh hưởng của các ngôi sao châu Á có thể cung cấp cho LHQ một cầu nối thuận tiện, thậm chí hết sức cần thiết để truyền bá những giá trị phổ quát tại khu vực này. Nhờ đó, LHQ không chỉ tăng cường sự hiện diện mà còn nâng cao cơ hội phát tán các thông điệp hàng năm đến với công chúng của châu lục đông dân nhất hành tinh.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 8

Trần Khôn là gương mặt Đại sứ thiện chí tại châu Á đáp ứng hoàn hảo các tiêu chí của LHQ bởi đời sống cá nhân không bê bối, khả năng lan tỏa và sự tích cực trong các công tác nhân đạo. Ảnh: Ifeng.

Hiện nay, LHQ đã có tới hàng trăm người nổi tiếng đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác chấp thuận nắm giữ cương vị Đại sứ thiện chí toàn cầu hoặc ở cấp độ khu vực. Nhiều ngôi sao trong số này sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ trên các nền tảng mạng xã hội. Họ giúp LHQ khuếch đại thông điệp bằng cách chia sẻ lại các thông điệp phát ra từ trụ sở hoặc trực tiếp tham gia vào các sáng kiến.

Sự xuất hiện của các Đại sứ thiện chí đến từ châu Á cũng cung cấp thêm những góc độ toàn cầu về hoạt động ngoại giao nhân đạo, gạt bỏ khuôn mẫu về sự thống trị của những người nổi tiếng phương Tây dành cho vị trí này.

Trong năm 2021, sự kiện có tầm ảnh hưởng, kết nối mạnh mẽ LHQ với các ngôi sao trẻ đến từ châu Á phải kể đến sự xuất hiện của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS tại Hội nghị SGDs Moment của Đại hội đồng LHQ lần thứ 76. Tại sự kiện này, BTS đã mang đến tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ, lan tỏa niềm cảm hứng và hy vọng đến với giới trẻ toàn cầu thông qua bài phát biểu có tên “Thế hệ trẻ trong thời kỳ COVID-19”.

Đại sứ thiện chí: Khi những ngôi sao mang lòng trắc ẩn vượt biên giới ảnh 9

BTS và màn biểu diễn đem lại sự tươi mới cho hình ảnh của LHQ trước giới trẻ. Ảnh: Latestly.com

Nhóm cũng đã được cho phép ghi hình trình diễn ca khúc mới nhất, “Permission to Dance”, tại nhiều địa điểm trong và ngoài trụ sở LHQ. Những bước nhảy phóng khoáng của các chàng trai không chỉ lan tỏa tinh thần tích cực mà còn thổi một làn gió mới vào không gian vốn vẫn còn khá xa lạ với người trẻ - trụ sở của tổ chức liên chính phủ có tầm quan trọng nhất hành tinh. Video trình diễn này đã được phát trực tiếp tại sự kiện SDGs Moment, tới nay đã thu được hơn 30 triệu lượt xem trên kênh Youtube chính thức 1,99 triệu người theo dõi của LHQ.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore từng nhận xét BTS là những Đại sứ thiện chí có khả năng truyền cảm hứng đáng kinh ngạc tới giới trẻ toàn cầu. Sự xuất hiện của nhóm tại các kỳ họp của LHQ được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức và mức độ tham gia của giới trẻ vào công cuộc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững.

BTS là nhóm nhạc nam gồm bảy thành viên người Hàn Quốc được chính thức ra mắt năm 2013. Từ lâu, sức ảnh hưởng của BTS đã vượt khỏi thị trường quốc nội, trở thành một hiện tượng văn hóa và giải trí toàn cầu. BTS đã chấp nhận lời mời và trở thành Đại sứ thiện chí của UNICEF vào năm 2017, và lần nữa tái hợp tác với tổ chức vào năm 2021 thông qua chiến dịch “Love myself” (“Hãy yêu thương chính mình”), một chiến dịch nhằm giúp chấm dứt tình trạng bạo lực và bỏ bê, đồng thời thúc đẩy lòng tự trọng và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên.

Tóm lại, việc LHQ hợp tác với các nhân vật nổi tiếng để phát huy ảnh hưởng, lan tỏa giá trị nhân văn phổ quát là việc làm được khuyến khích, tác động tích cực tới lĩnh vực cứu trợ nhân đạo toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ những người nổi tiếng muốn lợi dụng chiến dịch của tổ chức này để tự quảng bá cho chính mình, hoặc quá thiếu kiến thức để có thể hành động trong thực tế.

Vì vậy, thách thức lớn nhất đối với LHQ và các cơ quan trực thuộc trong việc tìm kiếm Đại sứ thiện chí là phải gạn đục khơi trong, lựa chọn những siêu sao không chỉ có ngoại hình ưu tú mà còn sở hữu tâm hồn cao thượng, thực lòng dấn thân, nắm vững các mục tiêu LHQ muốn truyền đạt, giảm thiểu tối đa bê bối cho “nhãn hiệu” cấp hành tinh này.

TIN LIÊN QUAN
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.