Múa Lamvong là một nghệ thuật được kế thừa từ thời xa xưa, có nguồn gốc từ trong cuộc sống, sự lao động, tín ngưỡng và từ nhiều nghi lễ khác nhau của nhân dân các dân tộc Lào. Điệu múa Lamvong không chỉ phản ánh cuộc sống, tinh thần đoàn kết nhất trí một lòng của người dân Lào mà còn là văn hóa tươi vui, thể hiện sự biết ơn vùng đất mà người dân Lào đang sinh sống. Qua thời gian, múa Lamvong chuyển thành một loại hình nghệ thuật tao nhã và cách điệu, hiện là một phần không thể thiếu trong văn hóa Lào. Múa Lamvong hiện nay đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện như, các sự kiện khai trương, khánh thành, đám cưới, lễ kỷ niệm hay các sự kiện chính thức của Đảng, Nhà nước Lào.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã thay mặt Chính phủ và nhân dân các dân tộc Lào bày tỏ sự vinh dự và tự hào đối với việc UNESCO công nhận Múa Lamvong Lào là Di sản văn hóa phi vật thể.
Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh đây là kết quả của việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa tốt đẹp và là truyền thống của nhân dân các dân tộc Lào. Điều này không chỉ tạo niềm vinh dự cao quý cho nhân dân Lào mà còn tạo sự nhận thức, sự hiểu biết về văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Lào được kế thừa qua bao đời nay.
Múa Lamvong tạm dịch là “hát múa theo vòng tròn”. Đội hình của điệu múa truyền thống này là hình vòng tròn, khi di chuyển sẽ theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Những động tác chính của nữ giới sẽ là cuộn bàn tay, đồng thời ngón cái và ngón trỏ ép vào nhau, những ngón tay còn lại uốn cong và xòe rộng. Khi múa, vũ công sẽ tiến 3 bước sau đó lùi 1 bước. Còn nam giới sẽ phải tự diễn khớp với nhạc và động tác. Trước khi bắt đầu một điệu múa, từng cặp sẽ chào nhau bằng cách chắp tay trước ngực. Nữ đừng vòng trong, nam đứng vòng ngoài. Người nam sẽ mùa từ ngoài vào trong, còn nữ thì ngược lại. Lamvong có 18 làn điệu chính, bao gồm cả múa và hát như Lam Khonsavanh, Lam Mahaxay, Lam Tangwai, Khap Xieng Khuang, Khap Xam Neua… .