Nhấn mạnh “làm sớm sẽ tốt hơn nhưng do điều kiện chưa cho phép”, đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) cho rằng, thời điểm này rất phù hợp cả về quy mô nền kinh tế cũng như trình độ quản lý và các điều kiện khác. Hơn nữa, qua nghiên cứu báo cáo hồ sơ của Chính phủ trình cũng như nhiều tài liệu khác, đại biểu nhận thấy, để phát triển nền kinh tế thì cơ sở hạ tầng là đặc biệt quan trọng. Và trong rất nhiều hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước, thông tin, y tế, giáo dục thì “giao thông quan trọng nhất”.
“Đó là mạch máu của cơ thể và đường sắt tốc độ cao là động mạch chính”, đại biểu Quản Minh Cường nhấn mạnh và phân tích từ thực tiễn 22 quốc gia có đường sắt cao tốc. Theo đó, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, sau khi hoàn thành xong đường sắt tốc độ cao không chỉ giải bài toán về giao thông, vận chuyển hành khách, hàng hóa tốt hơn mà còn tạo nên sự phân bố lại dân cư, nguồn lực phát triển. Đặc biệt, sau 10 năm khi hoàn thành thì GDP của các vùng xung quanh nơi có đường sắt tốc độ cao đi qua đều “tăng gấp đôi đến gấp 5 lần”.
Phân tích cụ thể về giải bài toán áp lực dân cư từ đường sắt cao tốc, đại biểu Quảng Minh Cường nêu rõ, dự án nếu hoàn thành thì người dân có thể đi làm cách xa nơi ở hàng trăm ki-lô-mét, không tạo áp lực về địa bàn cư trú, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội ở một địa phương. Đường sắt cao tốc sẽ tạo sự phát triển đồng đều về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng.
“Nếu như hoàn thành đường sắt tốc độ cao thì đối với miền Trung và Tây Nguyên, đây sẽ là cú huých, là tiền đề, điều kiện hết sức quan trọng để phát triển, cất cánh. Còn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, thuận lợi hơn nữa. Sẽ có điều kiện để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương”, đại biểu chia sẻ.
Tuy nhiên, để hoàn thành dự án, theo đại biểu Quảng Minh Cường “còn rất nhiều khó khăn, lớn nhất là nguồn lực đầu tư”. Bởi tổng sản phẩm quốc nội hiện nay chưa đến 500 tỷ USD mà đầu tư cho công trình này cần gần 70 tỷ USD, chiếm tới hơn 10% quy mô nền kinh tế. Dù không phải là một lúc bỏ ra số tiền lớn đó mà đầu tư từ 10-15 năm, song chúng ta sẽ phải giảm các nguồn lực khác để tập trung cho dự án này.
Vấn đề thứ hai là công nghệ chúng ta chưa phát triển bằng các nước khác và cũng chưa hoàn toàn làm chủ được các công nghệ từ thiết kế đến thi công, sản xuất các vật liệu. Trong khi đó, làm đường sắt cao tốc đòi hỏi phải hết sức chính xác, khoa học, hợp lý, chất lượng cao cũng như kỹ năng quản lý và nhiều vấn đề khác.
“Có nhiều vấn đề bỡ ngỡ, song tôi cho rằng không quá khó khăn. Người Việt vốn rất thông minh, hơn nữa với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, và một lợi thế là chúng ta lại đi sau nên sẽ đón nhận được các công nghệ mới, công nghệ lõi, đi thẳng vào các kỹ thuật mới. Tôi cho rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án này”, đại biểu Quảng Minh Cường chia sẻ.
Bên hành lang Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, thời điểm này hết sức phù hợp để đầu tư dự án, song điều khiến các đại biểu còn đang băn khoăn là tốc độ thiết kế cho đường sắt cao tốc là 250km/giờ hay 350km/giờ. “Cá nhân tôi cho rằng 350km/giờ là phù hợp vì nó liên quan đến tốc độ trung bình. Đất nước ta trải dài theo hướng Bắc Nam nên nếu để tốc độ thiết kế thấp sẽ ảnh hưởng đến tốc độ trung bình bởi không phải lúc nào cũng đạt được tốc độ tối đa. Như vậy chúng ta sẽ làm dở dang, không đạt được mong muốn. Do đó tôi cho rằng 350km/giờ là phù hợp”, đại biểu Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.
Chia sẻ về nguồn lực đầu tư cho dự án này, theo đại biểu Đoàn Thái Nguyên “sẽ có rất nhiều nguồn lực”, đó là nguồn lực từ phát triển kinh tế, xã hội đến vốn vay. Hơn nữa, để đầu tư cho dự án hết sức quan trọng này không phải “một lúc là giải ngân ngay” mà trong vòng 10 năm, vì vậy không quá khó khăn cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nhấn mạnh, đây là “dự trọng điểm của trọng điểm”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, kỷ nguyên mới. “Tôi cho rằng là bây giờ là thời điểm rất cấp bách để triển khai dự án do những ý nghĩa to lớn tác động đến các dự án khác cùng về giao thông như cảng biển, đường hàng không”, đại biểu nói.
Chia sẻ nỗi lo về nguồn vốn trong triển khai đầu tư “dự án có vai trò như xương sống”, đại biểu Nguyễn Công Long trao đổi, đây không phải điều đáng lo ngại nhất bởi tiềm lực kinh tế của Việt Nam đã khác rất nhiều so với trước. Quan trọng nhất là chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm như kinh nghiệm tách các dự án giải phóng mặt bằng ra trước, sau đó triển khai dự án chính. Kinh nghiệm nữa là thực hiện phân kỳ đầu tư, kinh nghiệm trong các cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn, nguồn lực, nguyên vật liệu để triển khai dự án.
“Có một yếu tố chúng tôi rất lo ngại là nguyên vật liệu để thực hiện dự án này. Chúng ta đang triển khai các dự án đường cao tốc nên thấy rất rõ đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, từ nguyên vật liệu san nền đến nguyên vật liệu xây dựng kết cấu. Với khối lượng lớn như dự án này, vấn đề khan hiếm nguyên vật liệu lại càng đặt ra đòi hỏi cần phải đầu tư, nghiên cứu rất kỹ. Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức lưu ý là việc phân kỳ đầu tư thực hiện dự án quá lớn này như thế nào cho hợp lý. Chúng ta cần phải hợp lý từng giai đoạn để đảm bảo làm sao không ảnh hưởng lớn tới nợ công”, đại biểu Nguyễn Công Long trao đổi.