Đảm bảo tính thống nhất, khả thi của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiều 27/8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này. Sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương và 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật đã làm rõ, cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo Luật trình, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản nhận được sự đồng tình của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra về các nội dung của dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án luật khó, thực tiễn đã có nhiều phát sinh cần được tháo gỡ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để sau khi Luật được thông qua, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cũng góp thêm nhiều ý kiến, vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều, khoản, điểm cụ thể về kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu lực, hiệu quả khi Luật được thông qua.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, nên cân nhắc sửa tên gọi hiện tại của dự án Luật Di sản văn hóa thành Luật Di sản, để tiếp cận di sản theo hướng rộng mở bao gồm trong đó có cả di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp.

Theo đại biểu, trong Luật Di sản văn hóa hiện hành, dùng thuật ngữ "danh lam thắng cảnh" để diễn tả ngắn gọn cảnh quan thiên nhiên có sự kết hợp với công trình kiến trúc có lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ còn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại tồn tại khái niệm “di sản thiên nhiên” mà ở đó danh lam thắng cảnh cũng được xem là một bộ phận của di sản thiên nhiên.

Do đó, nên đổi tên gọi của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thành Luật Di sản và điều này phù hợp với quan điểm của UNESCO ngày nay khi di sản bao gồm tất cả thành phần tự nhiên, văn hóa và cũng phù hợp với tên gọi của Công ước di sản thế giới năm 1972; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có phạm vi điều chỉnh bao gồm cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa.

Thảo luận về nội dung bảo tàng tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã chú trọng hơn tới bảo tàng tư nhân nhưng chưa được đề cập một cách đúng mức. Dự thảo Luật chủ yếu quy định về bảo tàng công lập, những nhiệm vụ của bảo tàng như: Sưu tầm, tư liệu hóa hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động kiểm kê hiện vật… đều chưa thực sự phù hợp với bảo tàng tư nhân.

Các chính sách của Nhà nước về quản lý bảo vệ các di sản văn hóa cũng còn khá vắng bóng chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển bảo tàng tư nhân, mới chỉ dừng ở mức độ chung chung, chưa rõ nội hàm khuyến khích tạo điều kiện phát triển cho bảo tàng tư nhân. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định riêng, cụ thể về bảo tàng tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hỗ trợ phát triển của bảo tàng tư nhân.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào trong dự thảo Luật một số nội dung về di sản văn hóa dưới nước, quần thể di sản, yếu tố gốc của di sản...

Về sở hữu di sản văn hóa, các đại biểu có nêu và gợi ý đối với loại di tích hỗn hợp, có chứa đựng cả sở hữu toàn dân và có vai trò cá nhân, di tích có tính chất liên tỉnh. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu và diễn đạt rõ hơn để khi thực hiện thuận lợi trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy di sản.

Về chính sách Nhà nước với di sản, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm chính sách phát triển nghệ nhân, truyền nghề; chính sách với sưu tầm bảo vệ cổ vật; chính sách về trình tự, hồ sơ vinh danh danh nhân văn hóa.

Về nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định xây mới nhà ở riêng lẻ; rà soát các tiêu chí, quy trình thủ tục phù hợp với các loại công trình, đảm bảo vừa chặt chẽ trong quản lý, vừa thuận lợi để phát huy giá trị di sản và giải quyết những vướng mắc cho người dân sinh sống trong các vùng của di sản.

Về khu vực bảo vệ di tích, sửa chữa, cải tạo xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; các đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ tiêu chí, quy mô loại công trình để phân cấp khu vực bảo vệ di sản cũng như quy định về trình tự, thủ tục cho phù hợp.

*Cũng trong phiên làm việc chiều 27/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)./.

Hà Nội: Tập trung cứu khoảng 3 nghìn cây xanh bị gãy, đổ
Hà Nội: Tập trung cứu khoảng 3 nghìn cây xanh bị gãy, đổ
(Ngày Nay) - Sáng 13/9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đến công tác chiếu sáng đô thị, cây xanh.
Củng cố, duy trì đội cơ động hỗ trợ tuyến dưới xử lý dịch bệnh trong mưa lũ
Củng cố, duy trì đội cơ động hỗ trợ tuyến dưới xử lý dịch bệnh trong mưa lũ
(Ngày Nay) - Bộ Y tế cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, nhất là tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ và xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở nhiều địa phương đã gây các thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi
(Ngày Nay) - Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) ngày 12/9 thông báo sẽ cử 6 chuyên gia từ bộ phận Viện trợ Nhân đạo Thụy Sĩ đến Việt Nam và cung cấp 1 triệu franc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Nga đưa ra cảnh báo mới với NATO
Tổng thống Nga đưa ra cảnh báo mới với NATO
(Ngày Nay) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây sẽ trực tiếp khiến Mỹ và các đồng minh tham gia vào xung đột với Nga và sẽ bị đáp trả một cách thích hợp.
Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm
Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm
(Ngày Nay) -  Trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu sau bão số 3, một số tỉnh, thành phố đã triển khai phương án di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm và chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ khi cần thiết. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.