Vừa qua, hậu duệ làng nghề mộc bản Thanh Liễu đã tề tựu tại chùa Vĩnh Nghiêm nhân dịp lễ hội truyền thống và lễ đón nhận bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ - bảo vật quốc gia. Đây là lần đầu tiên sau hơn 100 năm, những người thừa kế nghề khắc mộc bản Thanh Liễu trở lại nơi từng in dấu ấn của cha ông. Trong dịp này, các nghệ nhân đã thực hiện khắc các bộ ván tranh "Trúc Lâm Tam Tổ" và "Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ", góp phần quảng bá và phát huy giá trị di sản mộc bản.
Theo đó, Làng Thanh Liễu, thuộc phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, nổi danh với nghề khắc mộc bản tinh xảo có lịch sử hơn 500 năm. Theo sử sách, nghề này được Thám hoa Lương Như Hộc truyền dạy cho dân làng từ thế kỷ XV sau những chuyến đi sứ Trung Quốc.
Trải qua nhiều thế kỷ, các nghệ nhân Thanh Liễu đã tạo ra những ván in mộc bản phục vụ việc in ấn kinh sách, văn bản hành chính và tranh dân gian. Nhiều tác phẩm mộc bản của làng đã trở thành di sản tư liệu quý giá, trong đó có các bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – một trong ba khối mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm là trung tâm Phật giáo quan trọng, gắn liền với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là nơi lưu giữ hơn 3.000 bản mộc khắc kinh sách Phật giáo, trong đó có nhiều bộ mộc bản do các nghệ nhân Thanh Liễu thực hiện từ thế kỷ XIX. Những ván in này không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa mà còn phản ánh kỹ thuật khắc mộc tinh xảo của nghệ nhân xưa.
![]() |
Việc các nghệ nhân Thanh Liễu trở lại chùa Vĩnh Nghiêm lần này không chỉ để tri ân tổ nghề mà còn nhằm khẳng định giá trị trường tồn của di sản mộc bản. Hoạt động khắc lại các bộ ván tranh Trúc Lâm còn mang ý nghĩa tôn vinh tinh hoa Phật giáo Việt Nam và quảng bá di sản làng nghề đến đông đảo công chúng.
Dù từng là làng nghề phát triển rực rỡ, nhưng theo thời gian, nghề khắc mộc bản tại Thanh Liễu dần mai một. Hiện nay, chỉ còn một số nghệ nhân cao tuổi nắm giữ bí quyết nghề. Nhận thấy nguy cơ thất truyền, một số nghệ nhân trẻ như Nguyễn Công Đạt đã nỗ lực khôi phục nghề bằng cách tổ chức các chương trình giới thiệu, trình diễn kỹ thuật khắc mộc, đồng thời giảng dạy cho thế hệ sau.
Sự kiện trở lại chùa Vĩnh Nghiêm lần này được kỳ vọng sẽ khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo tồn nghề truyền thống trong cộng đồng. Bên cạnh việc tái hiện kỹ thuật khắc mộc bản, các nghệ nhân còn hướng đến việc ứng dụng công nghệ số để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa tranh mộc bản vào đời sống đương đại.