Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, cuộc tổng điều tra dân số được tiến hành vào năm ngoái cho thấy dân số nước này đạt 1.411.778.724 người, con số vào năm 2010 là 1.339.724.852.
Tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình hàng năm là 0,53%, chậm hơn so với mức 0,57% trong cuộc điều tra dân số năm 2010, phản ánh sự thất bại của các chính sách đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của Trung Quốc.
Vào năm 2016, chính quyền Bắc Kinh đã loại bỏ "chính sách một con" được ban hành vào năm 1979 như một biện pháp để kiểm soát tình trạng gia tăng dân số, nâng giới hạn sinh hai con cho mỗi cặp vợ chồng, trang Nikkei Asia cho biết.
Từ năm 2016 đến năm 2019, tỷ lệ sinh hàng năm của Trung Quốc hầu hết đều giảm trừ năm 2016. Trung Quốc vẫn chưa công bố tỷ lệ sinh cho năm 2020.
Trả lời Reuters, ông Huang Wenzheng - chuyên gia nhân khẩu học tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết: “Không thể lấy dữ liệu điều tra dân số để xác định rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sinh nghiêm trọng. Ngay cả khi dân số không giảm vào năm 2020, nó sẽ giảm vào năm 2021 hoặc 2022".
Các cặp vợ chồng thành thị, đặc biệt là những người sinh sau năm 1990, hiện có xu hướng coi trọng sự nghiệp của họ hơn là nuôi nấng gia đình bất chấp áp lực sinh con từ phía cha mẹ.
Chi phí sinh hoạt tăng cao ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng là một trở ngại khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con.
Theo một báo cáo năm 2005, một gia đình bình thường ở Trung Quốc phải bỏ ra 490.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ đồng) để nuôi một đứa trẻ. Đến năm 2020, truyền thông Trung Quốc cho rằng con số hiện đã gấp 4 lần so với báo cáo năm 2005.
“Có con là một gánh nặng đối với những người phụ nữ ở độ tuổi giống tôi", Annie Zhang, một nhân viên bảo hiểm 26 tuổi ở Thượng Hải, người đã kết hôn vào tháng 4 năm ngoái, cho biết. "Ngoài ra, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ là quá cao. Sinh con đồng nghĩa với việc chấm dứt tự do".