Đằng sau mỗi ô cửa ấy là một con người

(Ngày Nay) - Những gia đình ùn ùn mang đồ tiếp tế vào cho những người cách ly là hợp tình – dù chưa hợp lý. Với những người đang ở bên ngoài, việc ấy thật chướng mắt, thật kệch cỡm nếu đặt cạnh hình ảnh những người làm nhiệm vụ tại đó vì trách nhiệm. Nhưng hãy đặt câu hỏi, nếu chính chúng ta ở bên trong, nếu chính người nhà, con em chúng ta ở đằng sau những ô cửa cách ly kia, thì sao?
Đằng sau mỗi ô cửa ấy là một con người

Có được là người là tự truyện của nhà văn Primo Levi, viết về trại tập trung tử thần Auschwitz – nơi đã giết 1,1 triệu người (90% là Do Thái) trong Thế chiến thứ 2.
Đây là một trong những tác phẩm hay nhất về nạn diệt chủng holocaust, với những dòng ghi chép chân thực và sâu sắc nhất về trại Auschwitz nói riêng, và về hệ thống trại tập trung của Đức Quốc xã.

Không như chúng ta hình dung, Có được là người không có nhiều dòng oán thán sự tàn bạo của những kẻ diệt chủng. Trên cái nền u tối của trại thiêu người, là bức tranh sống động về nhân tính. Nhân tính được thử thách trong đói khát, dưới trời tuyết lạnh cóng người, trong sự kiệt sức tận cùng khi mà từng calo đều phải được tính toán cho mục đích sinh tồn. Những cái mặt nạ đạo đức giả sẽ rơi đầu tiên, sau đó thì chính những chuẩn mực đạo đức cũng không còn giữ nổi nữa. Bản tính con người bộc lộ trần trụi, ngay giờ phút mà họ bị lột hết áo quần, chỉ còn giữ được một mớ vải rách rưới và bẩn thỉu, với một chiếc bát lúc nào cũng sạch bóng vì được liếm cẩn thận mà không cần chùi rửa.

Những ai tính toán sẽ tính toán, những ai vụ lợi sẽ vụ lợi, những kẻ yếu hèn sẽ yếu hèn, những kẻ nịnh bợ sẽ nịnh bợ. Đã đành.
Nhưng những người vốn tử tế, giờ cũng phải đối mặt với những thôi thúc rất con người, như là miếng ăn, cái mặc, để sinh tồn.

Trong bối cảnh ấy, vẫn có những hành vi rất nhân ái giữa những kẻ khốn cùng với nhau, và vẫn có những con người nhất định giữ lấy chữ Người như một tôn chỉ tối thượng. Lorenzo, một bạn tù, đã nhường cơm xẻ áo (theo đúng nghĩa đen) cho tất cả mọi người, cho dù điều đó bào mòn huỷ hoại và dẫn ông đến cái chết. Nhờ Lorenzo mà tôi đã không quên rằng mình cũng là một con người – Primo Levi viết.

Và câu hỏi Có được là người? mà Primo Levi đặt ra, không phải với những kẻ đàn áp, mà là với chính mình. Có được là người hay không, là do chính chúng ta quyết định. Không ai có thể cướp đi sự nhân ái, chính trực, lòng tốt, tinh thần đùm bọc trong mỗi con người – đó luôn là lựa chọn từ trái tim, là giá trị cuối cùng mà con người giữ được.

Đằng sau mỗi ô cửa ấy là một con người ảnh 1

 Trại Auschwitz - hoả ngục với cả xác thịt lẫn lương tri của con người

Bây giờ nói chuyện Việt Nam, chuyện chống dịch Covid-19.

Theo sơ bộ thống kê từ Bộ Y tế, cả nước có khoảng 52.000 người đang cách ly. Trong đó, khoảng 20.000 là cách ly tại các điểm tập trung.

Cách ly tập trung, nghĩa là bạn phải mang đồ đạc vào 1 điểm quy định, sống ở đấy 14 ngày không được ra ngoài.

Trong những người cách ly, có nhiều du học sinh từ nước ngoài về. Những người mà xã hội mặc định là cậu ấm, cô chiêu, con nhà giàu, tiểu thư công tử quen được nuông chiều.

Bây giờ là năm 2020 rồi, chuyện du học sinh sao vẫn kỳ thị đến thế? Sao vẫn gom hết các em trong một cái nhìn rất hẹp là con nhà giàu?

Để được đi du học, có muôn nghìn cách. Thi lấy học bổng của các trường quốc tế, xin học bổng của các tổ chức trong và ngoài nước cho các ngành đặc thù, nhiều địa phương cũng có học bổng cho nhân tài (để rồi quay về xây dựng quê hương)… Nếu tự túc, nhiều gia đình cũng chỉ lo được cho con năm đầu, còn sau đó các em phải tự kiếm học bổng, hoặc làm thêm đủ thứ việc để có tiền mà tiếp tục theo học.
Đâu phải du học sinh nào cũng là con nhà đại gia, chi hàng tỷ đồng cho mấy năm học mà chẳng phải suy nghĩ gì?

Từ những quốc gia có dịch về nước, phải vào nơi cách ly tập trung, đó là quy định bắt buộc. Đến lúc đó, các du học sinh đâu còn là du học sinh nữa, mà là những đứa con, đứa cháu trong nhà, dù đúng họ đã là những thanh niên cả rồi.
Mà người Việt Nam, thử hỏi tất cả các ông bố bà mẹ trên đất nước này, có ai không lo cho con cháu mình, nhất là khi chúng đối mặt với nguy hiểm.

Ngoài du học sinh, thì mỗi người phải vào khu cách ly đều là thành viên của những gia đình. Là bố là mẹ, là chồng là vợ, là con cháu, là người thân của nhiều con người. Người thân ruột thịt lo lắng, tiếp tế cho nhau là lẽ đương nhiên.

Đằng sau mỗi ô cửa ấy là một con người ảnh 2

Chiếc tủ lạnh được gửi vào khu cách ly - hình ảnh gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội

Tranh cãi ở đây có lẽ là câu chuyện về Mức Độ. 

Tiếp tế ở mức độ thế nào là vừa đủ, là hợp lý? Nếu thế lại có câu hỏi, vừa đủ và hợp lý theo tiêu chuẩn nào?
Nếu theo tiêu chuẩn 100.000 đồng/ người/ ngày mà ngân sách đang chi ra, thì thế là rất ổn. Nếu so với nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt ở các khu cách ly, thì thế là rất ổn. Thậm chí nếu so với nhiều khu cách ly trên thế giới trong dịch Covid-19, thì điều kiện của Việt Nam là quá ổn.
Nhưng nếu so với điều kiện của từng gia đình, so với nỗi lo lắng và quan tâm của từng gia đình, thì không thể ổn được.

Vì thế, cảnh bao nhiêu gia đình ùn ùn mang đồ tiếp tế vào cho những người cách ly là hợp tình – dù chưa hợp lý. Với những người đang ở bên ngoài, việc ấy thật chướng mắt, thật kệch cỡm nếu đặt cạnh hình ảnh những người làm nhiệm vụ tại đó vì trách nhiệm.

Nhưng hãy đặt câu hỏi, nếu chính chúng ta ở bên trong, nếu chính người nhà, con em chúng ta ở đằng sau những ô cửa cách ly kia, thì sao? 

Đằng sau mỗi ô cửa ấy là một con người ảnh 3

 Người thân chờ tiếp tế cho con em bên ngoài khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM
(Ảnh: Nam Anh)

Việt Nam đang là một trong những quốc gia làm tốt nhất công tác chống dịch Covid-19. Số người nhiễm ít, số người tử vong chưa có, công tác khoanh vùng và cách ly sát sao, nhanh chóng, hiệu quả.

Những người trên tuyến đầu, như đội ngũ y bác sĩ và chuyên gia y tế, quân nhân, các lực lượng dự bị động viên tăng cường, và cả những lãnh đạo các bộ ngành cơ quan chức năng… đang nỗ lực ngày đêm vì người dân.

Ủng hộ họ, cũng là ủng hộ việc bảo vệ sự an toàn và tính mạng của chính chúng ta, thì có nhiều cách. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã đóng góp tài chính. Có những đứa trẻ đã đập lợn đất, nhờ bố mẹ mang tiền đi tặng các y bác sĩ mua trang bị bảo hộ. Cũng có nhiều người đã hỏi tôi, họ muốn xung phong vào đội ngũ tình nguyện viên tham gia công tác chống dịch, sẵn sàng làm bất cứ việc gì, không đòi hỏi thù lao, thì đăng ký ở đâu?

Nhưng chắc chắn chửi bới, kỳ thị lẫn nhau không giúp ích gì cho cuộc chiến chống dịch này.

Điều chỉnh nhu cầu của mình xuống, là cần thiết. Cũng cần thiết như điều chỉnh nỗi sợ hãi và sự tức giận của mình xuống.

Chỉ có sự đoàn kết, chia sẻ và cảm thông mới là năng lượng tích cực nhất mà mỗi người đều cần lúc này. Bởi vì ai cũng có quyền sống, và ai cũng nên có nghĩa vụ cống hiến – nhân danh con người.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.