Danh nhân Văn hóa UNESCO Nguyễn Đình Chiểu: Tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu và Lễ đón bằng vinh danh của UNESCO, Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm “Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam” tại Hà Nội và trực tuyến trên mạng xã hội Facebook.
Danh nhân Văn hóa UNESCO Nguyễn Đình Chiểu: Tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam ảnh 1

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Hình mẫu lý tưởng cho tư tưởng “học tập suốt đời” của UNESCO

Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/1888) là nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ, nhà văn hóa vĩ đại của Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, sinh ở Gia Định, nay thuộc TP HCM, mất ở Bến Tre. Sinh thời, cụ là một thầy giáo mù sống đạm bạc trong mái nhà tranh, tận tụy dạy chữ - dạy người, truyền “đạo nhà” và lòng yêu nước rực lửa cho từng lớp học trò.

Cụ là một thầy thuốc cứu người, cũng là một nhà thơ, nhà văn vĩ đại với vô vàn những tác phẩm kinh điển, trong đó phải kể đến “Lục Vân Tiên” sáng tác thời thực dân Pháp.

Từ năm 1956, UNESCO đã tham gia vào việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử và các danh nhân các nước, nhằm khẳng định tầm quan trọng và sự công nhận trên bình diện thế giới đối với các cá nhân hoặc sự kiện này, thông qua đó, giúp tăng cường hiểu biết quốc tế, tạo nên sự gần gũi giữa các dân tộc và đóng góp cho hòa bình thế giới.

Ngày 23/11/2021 tại Paris, Pháp, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã thông qua việc đưa tên cụ Nguyễn Đình Chiểu vào danh sách “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023”, để UNESCO cùng các nước vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh - năm mất của các nhân vật lịch sử được công nhận.

Trong năm 2022, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với UNESCO cùng các cơ quan đơn vị khác tổ chức vinh danh Nguyễn Đình Chiểu với ba hoạt động chính: Trưng bày về con người, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre và trưng bày số hóa tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp); Hội thảo khoa học quốc tế về con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu vào ngày 28, 29/6 tại Bến Tre; và Lễ kỷ niệm lần thứ 200 Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào tối 30/6 tại Bến Tre.

Danh nhân Văn hóa UNESCO Nguyễn Đình Chiểu: Tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam ảnh 2

Những tác phẩm của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu và Lễ đón bằng vinh danh của UNESCO, Hội Người mù Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình tọa đàm “Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam” ngày 24/6, tại Hà Nội và trực tuyến trên mạng xã hội Facebook.

Tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, người đạt Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 2017, cũng là người trực tiếp làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa chia sẻ: “Việc UNESCO tham gia vào việc kỷ niệm các danh nhân lỗi lạc cùng các nước thành viên được thực hiện theo các tiêu chí cụ thể như: Kỷ niệm năm sinh hoặc năm mất của danh nhân tính chẵn theo 100 năm, 150 năm hoặc 200 năm... Mỗi năm một quốc gia được đề xuất kỷ niệm hai cá nhân hoặc sự kiện, ưu tiên về vấn đề bình đẳng giới. Hồ sơ danh nhân của mỗi quốc gia phải được hai quốc gia thành viên UNESCO đồng giới thiệu.”

Danh nhân Văn hóa UNESCO Nguyễn Đình Chiểu: Tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam ảnh 3

GS.TS Nguyễn Chí Bền - người trực tiếp làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, trong khi quy định chỉ cần có hai quốc gia đồng đề cử là đủ, nhưng với thực tế có đến 4 quốc gia đồng đề cử (Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc), chúng ta có thể nhận thấy sự quan tâm lớn của thế giới đối với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Tầm ảnh hưởng của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với thế giới

Trong Tọa đàm của Hội người mù Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan, Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tác phẩm tiêu biểu, nhưng độc giả nước ngoài biết đến Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu qua tác phẩm “Lục Vân Tiên”, đã được dịch không dưới 10 lần sang các thứ tiếng Pháp, Nhật, Anh, Hàn.

Danh nhân Văn hóa UNESCO Nguyễn Đình Chiểu: Tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam ảnh 4

GS.TS Từ Thị Loan, Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, công chúng nước ngoài còn được biết tới Nguyễn Đình Chiểu qua các sáng tác được ra đời nhằm giới thiệu tác phẩm của cụ, ví dụ như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, các loại hình minh họa khác. Năm 1895-1897, Eugene Gibelt, một người Pháp đã nhờ tác giả Lê Đức Trạch vẽ minh họa truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên bằng 1.200 bức tranh minh họa. Năm 1899, Eugene Gibelt đã tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm Văn khắc và mỹ văn của Pháp. Năm 2016, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã cho xuất bản tác phẩm này bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp…

Gần nhất, vào năm 2021, NXB của ĐH Tổng hợp Viễn Đông, Liên bang Nga đã xuất bản cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất” của GS.TS Nguyễn Chí Bền bằng hai thứ tiếng Nga, Việt.

Danh nhân Văn hóa UNESCO Nguyễn Đình Chiểu: Tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam ảnh 5

Tại Nhật Bản, Giáo sư Shimizu Masaaki đã sử dụng tác phẩm Lục Vân Tiên để dạy tiếng Việt cho sinh viên.
Ảnh: TS. Phạm Văn Luân.

Năm 1972, trong công trình “Văn học Việt Nam thời trung đại” xuất bản tại Nga, GS.TSKH N.Nikulin, một nhà Việt Nam học xuất sắc người Nga đã có các bài viết chuyên sâu giới thiệu về cụ Nguyễn Đình Chiểu, đề cập đến cả bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam thời kỳ đó, đặc biệt nhấn mạnh những nét đẹp đáng kính trọng trong nhân cách, đạo đức của cụ Đồ Chiểu với tư cách một chí sĩ yêu nước nồng nàn.

Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác của các nước bạn.

Trước đó, Việt Nam đã có 4 Danh nhân văn hóa được UNESCO công nhận là: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất; Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc và Chu Văn An - Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).