Trước bối cảnh công nghệ số và trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, các tổ chức truyền thông cần đổi mới tư duy và điều chỉnh hoạt động để duy trì vai trò trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí công cộng và truyền thông cộng đồng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn truy cập thông tin và trang web không chỉ giúp người dùng công nghệ hỗ trợ tiếp cận dễ dàng hơn mà còn nâng cao chất lượng nội dung cho tất cả khán giả. Các yếu tố như phụ đề, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và mô tả âm thanh không chỉ phục vụ người khuyết tật mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận và gia tăng mức độ tương tác.
Trên tinh thần đó, UNESCO đã giới thiệu Sổ tay Thực hành và Chuỗi video Master Class về Bình đẳng Người khuyết tật trong Truyền thông vào thời điểm trước Thế vận hội Paralympic Paris 2024. Đây là bộ tài liệu hướng dẫn thực tiễn dành cho các lãnh đạo truyền thông, biên tập viên, phóng viên, nhà sản xuất nội dung, nhân sự kỹ thuật và quản lý nhân sự.
Ba chiến lược quan trọng được đề xuất nhằm giúp truyền thông tiếp cận hiệu quả hơn với người khuyết tật gồm: xây dựng chính sách biên tập và nội dung đảm bảo quyền con người, tôn trọng sự đa dạng và phẩm giá; áp dụng tiêu chuẩn truy cập thông tin và web để đảm bảo tính bao trùm, đồng thời tận dụng các công nghệ sẵn có; và cải thiện môi trường làm việc cho người khuyết tật trong ngành truyền thông, tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12, UNESCO khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng trong truyền thông, tạo động lực để người khuyết tật đảm nhận vai trò lãnh đạo trong ngành và đảm bảo họ được công nhận như những nhân tố đóng góp quan trọng. Tổ chức này nhấn mạnh rằng truyền thông có thể là cầu nối để người khuyết tật tham gia vào quá trình chuyển đổi xã hội, không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà còn là những người định hình câu chuyện và thúc đẩy sự thay đổi.
Cùng với tuyên bố của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhân dịp Ngày Quốc tế Người khuyết tật 2024 – "Người khuyết tật là những kiến trúc sư của sự thay đổi và hòa bình" – UNESCO tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe. Trong năm 2024, tổ chức này đã tổ chức các hội thảo tại Ghana, Ukraine... nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng người khuyết tật trong truyền thông. Đồng thời, Sổ tay Thực hành đang được dịch sang tiếng Ả Rập, Pháp, Tây Ban Nha và Mông Cổ để tiếp cận rộng rãi hơn trong năm 2025.