Sự trở lại của những biểu tượng lịch sử
Sau khi Mosul rơi vào tay Daesh năm 2014, Nhà thờ Hồi giáo Al-Nouri và Tháp Al-Hadba, những biểu tượng của thành phố suốt nhiều thế kỷ, đã bị san phẳng. Nhưng hôm nay, những công trình này đã tái xuất hiện tại Mosul. Đối với Omar, một kiến trúc sư trẻ đang góp phần phục dựng di sản, khoảnh khắc nhìn thấy tòa tháp biểu tượng vươn lên một lần nữa cũng giống như chứng kiến thành phố của mình sống lại.
![]() |
Tháp Al-Hadba trong quá trình tái thiết và sau tái thiết. |
Việc tái thiết không chỉ đơn thuần là khôi phục các tòa nhà, mà còn là khôi phục bản sắc và sự đoàn kết của cộng đồng. UNESCO, phối hợp với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã vượt qua nhiều thách thức, từ việc tháo gỡ bom mìn còn sót lại đến việc bảo tồn các phòng cầu nguyện có từ thế kỷ 12. Đặc biệt, đội ngũ đã nỗ lực tái tạo Tháp Al-Hadba theo đúng dáng nghiêng ban đầu, sử dụng nguyên liệu gốc, đảm bảo sự giao thoa giữa lịch sử và hiện đại.
Không chỉ Nhà thờ Hồi giáo Al-Nouri, các di tích khác trong khu phố cổ cũng đang được hồi sinh. Chuông của Tu viện Al-Saa’a và Nhà thờ Al-Tahera được đưa từ Pháp và Ý trở lại Mosul, nay đã vang lên, báo hiệu một chương mới trong lịch sử thành phố.
![]() |
Nhà Di sản sau phục dựng |
![]() |
Tu viện Al-Saa'a sau phục dựng |
![]() |
Nhà thờ Ai-Tehara sau phục dựng |
Khôi phục nhịp sống văn hóa
Không chỉ tập trung vào di sản kiến trúc, UNESCO còn giúp Mosul lấy lại linh hồn văn hóa. Những con phố từng tràn ngập tiếng cười và âm nhạc nay đang dần tìm lại nhịp điệu quen thuộc.
Với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu, UNESCO đã khôi phục 124 ngôi nhà di sản, giúp người dân trở lại nơi họ từng gắn bó. Với Najat, người từng sống cùng chín anh chị em trong một căn nhà cổ, việc quay lại đây là một giấc mơ thành hiện thực.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến văn hóa đã được triển khai. Các nhà làm phim trẻ, được đào tạo cùng Nhà hát Thành phố Ghent, đang ghi lại hành trình phục hồi Mosul. Không gian sáng tạo “The Station” ra đời, nơi các nghệ sĩ trẻ được đào tạo về nhạc cụ truyền thống. Trung tâm thông tin cộng đồng ven sông Tigris được mở cửa, tổ chức các sự kiện và hỗ trợ sáng kiến xã hội, giúp Mosul khôi phục không khí sinh động như trước đây.
![]() |
Nhà làm phim trẻ ghi lại hành trình hồi sinh Mosul. |
![]() |
Các lễ hội và buổi hòa nhạc đã quay trở lại thành phố này. |
![]() |
Hình ảnh luyện tập tại một nhà hát |
Giáo dục: Nền tảng cho tương lai
Giữa một thành phố nơi nhiều trẻ em chưa từng được đến trường, giáo dục trở thành nền tảng cho hy vọng mới. Trường Tiểu học Al-Ekhlas được UNESCO tái thiết với sự hỗ trợ từ EU, nay đã có phòng học, thư viện và không gian sáng tạo. Hơn 400 lớp học trên khắp tỉnh Nineveh cũng đã được cải tạo, đồng thời Đại học Mosul được trang bị thêm thiết bị thư viện và khoa điện ảnh mới.
Nhằm ngăn chặn sự quay trở lại của chủ nghĩa cực đoan, UNESCO đã đào tạo hơn 5.000 giáo viên và phụ huynh về giáo dục hòa bình, giúp họ kết nối lại với thanh niên, hỗ trợ những người gặp sang chấn tâm lý và xử lý các câu hỏi nhạy cảm về quá khứ.
Các chương trình đào tạo nghề của UNESCO cũng mang đến cơ hội mới cho hàng ngàn thanh niên thất nghiệp. Như Ghufran, một cô gái trẻ mất nhà trong xung đột, đã học nghề xây dựng và nhanh chóng tìm được công việc, dùng thu nhập để xây lại mái ấm cho gia đình.
![]() |
Mosul hồi sinh: Biểu tượng của sức mạnh tập thể
Thông qua các nỗ lực nhiều mặt, UNESCO không chỉ phục hồi các công trình mà còn thắp lại ngọn lửa tinh thần của thành phố và con người nơi đây. Mosul không còn là một thành phố đang hồi phục sau chiến tranh mà đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và hợp tác quốc tế.
"Chúng tôi không chỉ tái thiết Mosul, mà còn hồi sinh tinh thần của chính mình. Và đó là điều không ai có thể phá hủy", Omar tự hào.
Sáng kiến "Hồi sinh tinh thần Mosul" của UNESCO, khởi xướng từ năm 2018, là một trong những chiến dịch tái thiết lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Với ba trụ cột chính - di sản, văn hóa và giáo dục, chương trình đã huy động hơn 115 triệu USD từ 15 đối tác quốc tế, đặc biệt là UAE và EU.
Mosul hôm nay đang trở lại với vai trò vốn có của nó: một biểu tượng của hy vọng, minh chứng cho sức mạnh của văn hóa và giáo dục trong việc tái thiết không chỉ một thành phố, mà cả một tương lai.