Đảo bị ô nhiễm nghiêm trọng
Người dân ở đảo Bình Ba có nghề sinh kế lâu đời là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Hải sản, nhất là tôm hùm Bình Ba từ lâu đã nổi tiếng bởi sự tươi ngon, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân ở Khánh Hòa cho biết, Bình Ba nằm án ngữ trước vịnh Cam Ranh và vùng đầm Thủy Triều, nguồn thức ăn và phù du dồi dào, độ mặn vừa phải, nên tôm nhanh lớn, ngọt thịt, chất lượng cao và không bị ô nhiễm. Hệ thống lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) trải khắp vũng biển lớn nhất Bình Ba, với vô số nhà hàng nổi, mang lại cho du khách trải nghiệm đặc biệt. Thế nhưng những năm gần đây, rác thải là một vấn nạn của hòn đảo này.
Rác nổi trôi trên mặt nước, ngập dưới chân cầu cảng, vương trên sườn núi, dọc những đường mòn bao quanh đảo. Đặc biệt, vùng nước ven bờ phía hai bên cầu cảng Bình Ba, rác ngồn ngộn và “thường trực” hầu như quanh năm. Anh Nguyễn Văn Huyên, một người dân đến từ TP Nha Trang, cho biết: “Thời điểm sau Tết Mậu Tuất, bờ biển tại vị trí này trở thành bãi rác trải dài cả trăm mét ngay vị trí mặt tiền của đảo, chủ yếu là túi nylon, bủa vây nhà hàng, ngập dưới chân cầu gỗ dẫn ra các bè nổi. Rác dày đến độ sóng không thể vỗ được vào bờ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu người dân không nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chính quyền không có giải pháp, tình trạng ô nhiễm sẽ rất nghiêm trọng thời gian tới”.
Từ TP Hồ Chí Minh ra thăm đảo Bình Ba sau Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Hữu Đức bức xúc: “Người dân trên đảo sinh sống và nuôi trồng thủy sản là chính, nhưng vì sao họ không tự ý thức bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống và khai thác nguồn lợi từ biển? Nếu họ không tự bảo vệ môi trường, đồng nghĩa với không bảo vệ chính cuộc sống và sức khỏe của mình, còn du khách chỉ ra thăm đảo một vài ngày là về. Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, thậm chí xử phạt nếu phát hiện người dân xả rác ra môi trường; đồng thời nên giao trực tiếp cho người dân vớt rác tại khu vực mình sinh sống và nuôi trồng thủy sản để vận chuyển về đúng nơi quy định”.
Chưa có giải pháp triệt để
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình Võ Ngọc Linh cho biết, đảo Bình Ba có trên 800 hộ với 3.200 nhân khẩu. Người dân ở xã đảo chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với khoảng 5.000 - 6.000 lồng. Xưa nay, người dân vẫn dùng túi nylon để đựng thức ăn cho tôm. Nếu trung bình mỗi lồng chỉ sử dụng một túi nylon/ngày, thì riêng trên vùng biển của đảo có hàng nghìn túi được thải ra. “Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 2012 UBND xã đã thành lập Tổ thu gom rác, đặt hai bè trên biển để người dân tập kết rác thải và thức ăn NTTS dư thừa. Gần đây, địa phương đã vận động người dân sử dụng túi lưới, tái sử dụng nhiều lần, để đựng thức ăn tôm, trực tiếp hỗ trợ 50% giá trị túi. Việc tuyên truyền gom rác thải đúng quy định, giữ vệ sinh môi trường cũng được tuyên truyền thường xuyên trên loa truyền thanh. Chính quyền còn mời các chủ bè NTTS họp, phổ biến, vận động... Tuy nhiên, do thói quen sinh hoạt, túi nylon lại tiện dụng, giá thành thấp, nên người dân vẫn ưa sử dụng. Trong khi đó, lực lượng thu gom rác chỉ có hai người, phần nhiều rác phát sinh trong khu vực NTTS trên biển, nên việc gom rác khó triệt để”, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình Võ Ngọc Linh cho biết.
Rác trên đảo thải tràn lan nên cứ vào mùa nồm, từ tháng Ba đến tháng Tám âm lịch cộng với rác thải theo dòng nước trôi từ đất liền ra dạt vào bãi trên đảo nên đó cũng là thời điểm rác trên đảo xuất hiện nhiều nhất. Để đối phó với tình trạng này, UBND xã phải thuê người dùng xe múc để thu gom rác. “Một tháng nay, xã phải huy động xe múc để múc rác chứ sức người gom không xuể. 30 Tết, cả nhân dân và cán bộ tập trung lực lượng, phương tiện thu gom rác để chào đón khách du xuân, nhưng đến mùng hai Tết, đã lại đầy rác”- ông Linh ngán ngẩm.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình Võ Ngọc Linh, ngay trước Tết Mậu Tuất, tại đảo Bình Ba đã hoàn thành thi công công trình lò đốt rác thải rắn, trị giá hàng tỷ đồng, dự định sẽ bắt đầu vận hành từ tháng 3 này. Công trình giúp xử lý rác kịp thời, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên đảo. Tuy vậy, vấn đề rác thải trên đảo sẽ còn là vấn đề lớn và nan giải, bởi ý thức người dân tại chỗ vẫn là yếu tố có tính quyết định.
Nhiều người dân và cả du khách ý thức chưa cao, không gom rác đúng nơi quy định, xả rác bừa bãi và xả thẳng xuống biển. Chúng tôi mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, chứ chưa áp dụng chế tài xử phạt. Thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan chức năng và xin ý kiến để có chế tài xử lý nhằm ngăn chặn vấn nạn rác thải tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình Võ Ngọc Linh
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường