Cụ thể tại khoản 5, Điều 8: Đối với danh hiệu Nhà giáo nhân dân: “Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy”.
Tại khoản 5, Điều 9: Đối với danh hiệu Nhà giáo ưu tú: “Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy”.
Lý do: Cử tri phản ánh khó thực hiện được tiêu chuẩn này đối với những cán bộ, công chức phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT; nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được điều động, bổ nhiệm làm cán bộ quản lý, công đoàn giáo dục. Vì có nhiều người tham gia công tác dưới 15 năm đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý không đủ thời gian giảng dạy theo quy định về tiêu chuấn nên không được suy tôn Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Khi xây dựng tiêu chuẩn xét tặng danh hiệuvinh dự nghề nghiệp (Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú; Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú), Luật Thi đua, khen thưởng đã quy định thống nhất thời gian công tác trong ngành và thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn đối với danh hiệu này.
Trong đó, thời gian trực tiếp làm chuyên môn của cán bộ quản lý được giảm 5 năm; đồng thời tăng 5 năm thời gian công tác trong ngành so với nhà giáo, bác sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ trực tiếp giảng dạy, hành nghề...
Qua thực tế 14 lần xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, đã có nhiều cán bộ quản lý giáo dục nói chung và cán bộ, công chức phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT đủ tiêu chuẩn và được xét, phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của cử tri và đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nghiên cứu, xem xét nội dung này trong quá trình dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.