Vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện các công trình mang dấu ấn của thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên, những người được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng. Hình thái kiến trúc mang tính chuyển tiếp nói trên không chỉ làm thay đổi diện mạo của đô thị nghìn tuổi, mà còn ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi tâm thức Việt với vị thế nhất định, dần hòa quyện với kiến trúc phương Tây để tạo những di sản ấn tượng.
_____
Dấu ấn mà thế hệ kiến trúc sư đầu tiên để lại vẫn còn thấm đượm như một mạch ngầm mãi chảy trong nền kiến trúc Việt Nam, nơi mỗi câu chuyện một khi vang lên đều mở ra những quá khứ huy hoàng, đáng tự hào.
Nhắc đến thế hệ những kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên, không thể không kể đến cái nôi đã vun đắp nên tài năng của họ, ngôi trường trường Mỹ thuật Đông Dương. Được mở ra dưới sự vận động tích cực của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu, kể từ 1926, khoa Hội họa của trường đã đi vào hoạt động, tiếp sau đó đến các khoa Điêu khắc và Kiến trúc.
Theo họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh, phương pháp giảng dạy kiến trúc tại khoa Kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương hướng tới một phương pháp giáo dục có tính cá nhân cao độ. Trong đó, chương trình lý thuyết là sự phân bổ giữa việc nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ điển cộng với sự mở mang các học thuyết kiến trúc Âu châu hiện đại lúc bấy giờ.
Có thể thấy đối với nền mỹ thuật thời Pháp thuộc, kiến trúc là phân ngành được coi trọng hơn hết, được coi là môn nghệ thuật mang đậm đặc tính xã hội, là sự tổng hợp các mặt kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật và phong tục.
Một bài viết về thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên do Viện Kiến trúc thực hiện nhận định Trường Mỹ thuật Đông Dương đã mở ra chân trời mới cho hoạt động sáng tạo của lớp thanh niên Việt Nam. Họ là những người hừng hực khao khát muốn đem sức trẻ để kiến tạo hình ảnh mới của đất nước.
Nhiệt huyết làm nghề thôi thúc nên ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên trong trường đã có những sáng tạo kiến trúc thể hiện tinh thần tìm về nền kiến trúc dân tộc. Nhiều kiến trúc sư trước khi vào nghề đã chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Nổi bật trong số đó phải kể đến bộ ba kiến trúc sư lập nên “Văn phòng Kiến trúc Luyện – Tiếp – Đức” với rất nhiều công trình đóng góp cho công cuộc xây dựng ở Hà Nội.
Bên cạnh nhóm Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức kể trên, những kiến trúc sư như Nguyễn Văn Ninh, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh… cũng có chỗ đứng rất quan trọng trong việc đưa các kiến trúc hiện đại pha trộn với tâm hồn dân tộc vào trong lòng đô thị.
Họ là những người đã kết hợp kỹ thuật phương Tây với hình thức kiến trúc Á Đông, khai thác lại các chi tiết, mô típ trang trí theo kiến trúc Việt Nam truyền thống. Kết quả đó chứng minh cho những nỗ lực đi tìm hình ảnh bản địa hóa của thế hệ tài hoa này.
Nhận xét về công cuộc cách tân, sáng tạo của các kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên, TS. Tạ Thị Hoàng Vân cho biết trước năm 1945, các kiến trúc sư như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp là những người có xu hướng thiết kế các công trình bằng vật liệu xây dựng rẻ, đi ra từ thiên nhiên như tre nứa. Đây là những vật liệu thích hợp, mang tính mỹ quan với ý nghĩa đề cao tinh thần dân tộc của các kiến trúc sư đời đầu.
“Ý tưởng này xuất phát từ những thấu hiểu về cuộc sống của người Việt vốn quen với không gian nhà tranh vách đất, được phổ biến qua kiểu nhà mà họ có thể tự làm, tự xây nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi để nâng cao đời sống của đồng bào. Tiếc rằng biến động lịch sử đã khiến ý tưởng này không được phổ biến một cách rộng rãi”, bà Vân nhấn mạnh.
Còn theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, cây bút khảo cứu uy tín về Hà Nội, hồi cuối những năm 1930, thành phố trỗi dậy phong trào Ánh sáng của nhóm Tự lực Văn đoàn. Mục tiêu của phong trào này là cải thiện điều kiện sống của người dân lao động bằng cách xây dựng nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, phong trào không chỉ dừng lại ở việc xây nhà mà còn bao gồm một chương trình rộng lớn hơn nhằm thay đổi đời sống xã hội.
Dù phong trào mới ở dạng ý tưởng, chưa triển khai được mấy nhưng đã thu hút những kiến trúc sư buổi ban đầu và lớp trí thức Tây học ủng hộ. Họ từng xây được một số tư dinh, nhà nhỏ, được tổ chức mang tính khu dân cư kiểu nhà vườn như ở khu vực Thái Hà Ấp (hiện nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).
“Thái Hà Ấp là khu ngoại ô dành cho quan lại và người giàu Hà Nội. Xem lại một số hình ảnh lưu trữ, có thể thấy họ phân khu nhà vườn rất hay và hợp lý cho các hoạt động sống của một tầng lớp người ở ngoại ô. Tiếc rằng khu Thái Hà Ấp giờ đây đã biến mất. Đó có thể coi là khu vực được quy hoạch đầu tiên ở Hà Nội do chính người Việt thực hiện”, nhà văn Trương Quý hồi tưởng.
Bên cạnh vấn đề tiện nghi nhà ở, thế hệ kiến trúc sư nói trên cũng quan tâm đến việc xử lý vi khí hậu. Đối với kiến trúc Việt Nam, nếu thiếu đi các không gian chuyển tiếp thì việc sinh hoạt của con người gặp nhiều khó khăn. Với nền khí hậu nắng nóng nhiều tháng và có thời gian mùa đông lạnh trong năm, trước khi bước ra ngoài, người Việt luôn cần có một không gian đệm để điều hòa và cân bằng chênh lệch nhiệt độ. Đây là khối tri thức kiến trúc truyền thống đã được tiền nhân tích lũy và ứng dụng từ bao đời.
Sự xuất hiện đô thị và nhà ở đô thị lại là một cuộc cách tân khác của kiến trúc truyền thống Việt, đặt ra những đề bài để đội ngũ kiến trúc sư đầu tiên xắn tay giải quyết. Trong khu phố cổ Hà Nội, với mặt tiền nhà hẹp, kiến trúc được tạo bằng nhiều lớp nhà khác nhau, hình thành khu buôn bán, tiếp khách, sân trong và khu công trình phụ. Đó là sự hợp lý hóa các chức năng sống, cũng tạo ra những khoảng chuyển tiếp như bậc thềm, hiên nhà, giếng trời, với những tấm giại, liếp hay chiếc mành khi hạ xuống có thể che nắng, chống lên dùng để che mưa.
Ở các công trình trong Khu phố Mới, các kiến trúc sư lại cần tạo ra những không gian sống vừa phải, xinh xắn, có chiều rộng phù hợp với những mặt phố không quá rộng. Những khoảng chuyển tiếp lúc này đến từ sảnh vào, hàng hiên, vườn bao quanh, tường rào giúp đối lưu không khí.
“Chỉ bàn về không gian chuyển tiếp trong các công trình có thể nhận thấy rõ sự đi ra từ văn hóa bản địa. Với bồi tụ triết lý, tư tưởng Nho giáo qua nhiều thời kỳ, nếp sống của người Việt yêu cầu không gian sinh hoạt dành cho họ mang tính chất kín đáo hơn người phương Tây. Các lớp bao đặc biệt quan trọng vì nó gắn với ý niệm về một cuộc sống xem trọng chữ Lễ. Thế hệ kiến trúc sư đầu tiên đã mang được tâm thế đó vào các công trình của họ, một lần nữa khẳng định kiến trúc là đứa con đẻ của văn hóa dân tộc”, nhà văn Trương Quý bình luận.
Chính KTS Ngô Huy Quỳnh từng đưa ra nhận định về thế hệ kiến trúc sư cùng thời với ông thông qua cuốn Kiến trúc Việt Nam rằng:
Lớp kiến trúc sư đầu tiên được đào tạo bài bản và chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách tân trong văn hóa pháp. Sau, nhóm kiến trúc sư chừng 50 người đã phát huy thế mạnh của mình là thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam. Đặt nền móng cho việc thiết kế, xây dựng đất nước một cách khoa học. Họ cũng là những người thể hiện được các giá trị truyền thống của kiến trúc Việt Nam. Một cách khúc chiết, hài hòa và sáng tạo. Trước đó, người Pháp từng cho rằng kiến trúc Việt Nam chỉ là kiểu kiến trúc Việt - Hán, chứ không có nền kiến trúc dân tộc riêng.
Trong những trang sử hào hùng nhất của thế kỷ XX vẫn còn lưu giữ gương mặt và những đóng góp của các kiến trúc sư đầu tiên. Với nhiệt huyết cách mạng, họ đã tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, đảm nhận nhiều trọng trách trong chính quyền. Rất nhiều kiến trúc sư về sau đã trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao tại các cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến thiết trên khắp cả nước.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các kiến trúc sư lại nhanh chóng quay lại guồng sáng tạo của họ, đóng góp cho sự phát triển của thời kỳ mới. Ngoài những đóng góp lớn lao cho xã hội, họ cũng là “cánh chim đầu đàn”, những người thầy dìu dắt, đào tạo các thế hệ kiến trúc sư tiếp theo cho nước nhà. Sự đóng góp vào việc phát triển lý luận, tri thức trong ngành kiến trúc ở Việt Nam đã mang lại cho họ những giải thưởng, huân chương cao quý của nhà nước.
Bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho thế hệ tiền bối của làng kiến trúc Việt, KTS. Lê Thành Vinh chia sẻ: Thế hệ những kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên được tiếp thu những tri thức chuyên ngành từ phương Tây đã làm tốt, thậm chí có những chỗ rất tốt trong bối cảnh bị ràng buộc, không có quá nhiều tự do dưới thời Pháp thuộc. Nhờ vậy họ đã có thể tận dụng nguồn lực từ chính quyền thực dân để hiện thực hóa khát khao phát huy vốn quý của dân tộc.