Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian

Vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện các công trình mang dấu ấn của thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên, những người được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng. Hình thái kiến trúc mang tính chuyển tiếp nói trên không chỉ làm thay đổi diện mạo của đô thị nghìn tuổi, mà còn ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi tâm thức Việt với vị thế nhất định, dần hòa quyện với kiến trúc phương Tây để tạo những di sản ấn tượng.

_____

Nhìn những công trình mà thế hệ kiến trúc sư đầu tiên để lại, có thể thấy đó là những kiến trúc không quá đồ sộ, cũng không còn nhiều công trình có thể đứng vững trước thời gian, nhưng có một điều luôn tồn tại mãi, đó là huyền thoại về sự tài hoa của họ.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian ảnh 1

Lời nhận định của nhà văn Nguyễn Trương Quý tiếp tục dẫn dắt mạch kể về một hình thái kiến trúc bị quên lãng của những kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên. Theo anh, dù hậu thế tôn vinh những kiến trúc sư nói trên nhưng công trình của họ lại không được nhận diện và xếp hạng xứng đáng.

Từ quan sát cá nhân, Trương Quý ghi nhận tuy được xưng tụng là “anh cả của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam”, cũng từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I (1996) nhưng KTS. Nguyễn Cao Luyện lại là kiến trúc sư có nhiều công trình bị phá bỏ nhất. Đặc biệt trong số hàng chục biệt thự tiêu biểu ông từng thiết kế trước năm 1945, chưa có một công trình nào được ghi danh là di sản dù thường xuyên được đưa ra làm dẫn chứng.

“Thời tôi còn học kiến trúc, công trình của KTS. Nguyễn Cao Luyện được đưa vào giáo trình để giảng dạy cho sinh viên. Đặc biệt các sách về lịch sử kiến trúc in rất nhiều công trình của ông. Nhưng trên thực tế, ông lại là kiến trúc sư bị mất mát nhiều tác phẩm nhất”, nhà văn Trương Quý cho biết.

Nguyễn Cao Luyện từng thiết kế biệt thự ở 215 Đội Cấn vào đầu những năm 1940, nhưng hiện tại công trình đã bị biến dạng. Ông chỉ còn duy nhất một công trình được lưu giữ khá nguyên vẹn là Đại sứ quán Cuba hiện ở địa chỉ 63 Lý Thường Kiệt, đây là công trình mang đậm tinh thần của chủ nghĩa hiện đại.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian ảnh 2

Khi được hỏi về vị thế của lớp kiến trúc sư thế hệ đầu tiên trong dòng chảy từ kiến trúc truyền thống đến hiện đại ở Thủ đô, Trương Quý chia sẻ: “Các kiến trúc sư trưởng thành từ Trường Mỹ thuật Đông Dương có một chỗ đứng rất quan trọng trong việc mang kiến trúc hiện đại vào đô thị. Sự kết hợp với hình thức kiến trúc Á Đông của Ngô Huy Quỳnh hay Tạ Mỹ Duật, thông qua việc khai thác hình tượng mái đao theo mô típ kiến trúc đình chùa, đã thể hiện nỗ lực đi tìm hình ảnh bản địa hóa của họ”.

Thành quả của các kiến trúc sư Việt Nam những năm 40 của thế kỷ trước quan trọng ở chỗ họ đã thổi vào đô thị Hà Nội tinh thần của chủ nghĩa hiện đại (modernism, phiên biệt với cụm từ “hiện đại” ở dạng tính từ), một điều mới mẻ vào thời điểm đó. Ngày Nay, xã hội Việt Nam đang chạy theo hướng phục cổ, đề cao phong cách tân cổ điển hoặc chú trọng chủ nghĩa nhôm kính thực dụng để rồi xem nhẹ những công trình thuộc chủ nghĩa hiện đại.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian ảnh 3

Một điều dễ nhận thấy, những công trình có tư duy rất khá về tạo hình của lớp kiến trúc sư đầu tiên đang ngày càng vắng bóng tại Hà Nội. Có nhiều ví dụ về những biệt thự chủ nghĩa hiện đại đang dần biến mất. Ví dụ, biệt thự số 84 Nguyễn Du của ông Ngô Huy Quỳnh, công trình từng được ngợi ca là thiết kế đẹp đại diện cho một thời đại. Sau khi được trưng dụng làm tư dinh của hoàng thân Lào - Nguyên Chủ tịch Souphanouvong, ngôi biệt thự bị bán đi, đổi chủ rồi phân đôi, cấy thêm nhiều hạng mục làm biến dạng.

Hay như căn biệt thự 28 Hàng Chuối của bà Đốc Oanh, nơi gắn với giai thoại đối đáp lý thú giữa nữ hiệu trưởng École Brieux và chàng kiến trúc sư tài hoa Tạ Mỹ Duật nay đã biến đổi hoàn toàn. Cũng như vậy, biệt thự 27 Nguyễn Đình Chiểu do Tạ Mỹ Duật thiết kế và Đông Dương học xá - công trình công cộng cuối cùng của Pháp ở Hà Nội với hoạ tiết mái cong ấn tượng cũng không còn lưu giữ dấu ấn của tài hoa để lại, đang bị lấn át trong không gian chia năm xẻ bảy của khu Bách Khoa.

“KTS. Tạ Mỹ Duật cũng là người đồng thiết kế tòa nhà Bưu điện Quốc tế Bờ Hồ. Công trình của ông và những người cùng thời là những viên ngọc quý của sáng tạo hiện đại trên nền tảng truyền thống Việt Nam. Ngay trên phố Tràng Tiền, những công trình mang phong cách chủ nghĩa hiện đại, Art Deco từng là niềm tự hào một thời của Hà Nội cũng đang dần biến mất”, nhà văn Trương Quý hồi tưởng.

Đứng trong vai trò cố vấn của dự án đánh giá lại quỹ di sản kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội, KTS. Lê Thành Vinh chia sẻ ông đã đưa ra ý kiến rằng đương nhiên những kiến trúc ấn nổi bật, dễ nhận diện giá trị thẩm mỹ cần được kiểm kê, đánh giá, ghi nhận và đưa vào hoạt động quản lý. Nhưng bên cạnh đó, trên những trục đường như Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương… còn có hàng loạt những ngôi nhà mà trước đây là những biệt thự tư với kiểu kiến trúc sân vườn đặc trưng dành cho công chức người Việt.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian ảnh 4

Đây là phân nhánh di sản kiến trúc tuy đơn giản, khiêm nhường, không quá cầu kỳ nhưng cũng cần chọn ra một số công trình để bảo tồn vì nó biểu hiện cho sự tổ chức không gian cư trú của một tầng lớp người rất quan trọng tại Hà Nội lúc đó. Nếu chỉ nhìn vào những công trình quy mô, đồ sộ, sẽ chỉ đánh giá được biểu hiện kiến trúc.

Mỗi ngôi nhà được làm ra để phục vụ các đối tượng khác nhau, dẫn đến phong cách sống và ẩn chứa câu chuyện khác nhau. Giới quan chức Pháp với cuộc sống sung túc hơn sẽ sống trong không gian rất khác so với các viên chức, trí thức người Việt. Hoạt động bảo tồn di sản là để lưu giữ những di sản kiến trúc, đại diện cho sự ghi nhận của lịch sử đối với một lớp người từng tồn tại trong xã hội.

“Ít nhất trong phạm vi biệt thự, đang có một phong cách kiến trúc kết tinh từ người Việt bị lãng quên. Như đã nói, sự lãng quên ở đây bởi góc nhìn thiên về giá trị thẩm mỹ của kiến trúc, trong khi nếu nhìn từ phương diện di sản, ta sẽ thấy rất nhiều chiều kích giá trị. Việc các ngôi nhà không được xếp hạng và cũng chưa được đưa vào danh sách kiểm kê khiến chúng có thể bị coi là không quan trọng và dễ dàng bị phá bỏ. Sự biến mất của loại hình kiến trúc này sẽ làm Hà Nội khuyết thiếu một phần quan trọng của lịch sử”, KTS. Lê Thành Vinh nhận định.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian ảnh 5

Tại hội thảo do Hội kiến trúc sư và trường Đại học Kiến trúc tổ chức vào ngày 16/12/1986, KTS. Tạ Mỹ Duật từng phát biểu rằng: Một thành phố đẹp là sự kết hợp hài hòa các nhân tố nghệ thuật, kiến trúc và quy hoạch đô thị. Hà Nội, thành phố nghìn năm, với tính cách là sản phẩm của nhiều thời đại, Hà Nội thừa hưởng một di sản vừa phong phú, vừa phức tạp. Sự nghiệp xây dựng Thủ đô phải thể hiện được tính kế thừa và tính hiện đại trong công tác cải tạo di sản cũ và xây dựng cái mới.

Cũng theo ông, xét về xây dựng, Hà Nội có 4 hình thái kiến trúc có nội dung phong phú, có hình thức đa dạng, xuyên qua thời gian đã thể hiện lên tâm hồn và tình cảm của nhân dân đối với Thủ đô, hình ảnh tiêu biểu của đất nước.

Xếp thứ nhất trong 4 hình thái theo KTS. Tạ Mỹ Duật là các di tích lịch sử. Tiếp theo là kiến trúc của khu 36 phố phường, kiến trúc tiếp cận với văn hóa phương Tây và kiến trúc nông thôn nằm trong thành thị.

Đặc biệt, với loại hình kiến trúc tiếp cận với văn hóa phương Tây, KTS. Tạ Mỹ Duật bình luận rằng từ Hà Nội cổ mở rộng, nhiều khu nhà biệt thự đã mọc lên như ở khu Ba Đình, khu hồ Thiền Quang, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng… mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp riêng biệt, tuy rằng về mặt phương diện bố cục, mặt bằng, cách sắp xếp xây dựng nhà chính (cho người chủ), nhà phụ (cho người làm) thể hiện lên tư tưởng giai cấp mà ngày nay ta không thể theo cách đó, song nhìn chung, về quy hoạch, những loại kiến trúc nhà - vườn này trên một dãy phố vẫn mang lại cho thành phố một vẻ mỹ quan môi trường khác với nhiều thành phố khác.

“Xin nói thêm, ở đây, điều đáng tiếc là nhiều khu biệt thự ở Hà Nội chúng ta đã bị xâm phạm khá thô bạo, đáng lo hơn nữa là tình hình lối kiến trúc được mệnh danh là “kiến trúc hàng rào” không phải đã thanh toán ngay được một sớm một chiều”, KTS. Tạ Mỹ Duật cảnh báo.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 4: Di sản còn lại với thời gian ảnh 6

Theo KTS. Lê Phước Anh, "kiến trúc hàng rào" là những công trình mới xây chen vào chỗ trước kia là hàng rào và sân vườn phía trước của các biệt thự, công sở, do đó che mất đi tòa nhà chính và làm biến dạng tổng thể công trình.

Bên cạnh đó, khi được hỏi về những điểm mang tính cách Hà Nội trong loại hình kiến trúc tiếp cận với văn hóa phương Tây, cháu trai của KTS. Tạ Mỹ Duật nhấn mạnh: ở đây nên hình dung là sự tương đồng sẽ chính xác hơn.

“Sự tương đồng có thể giải thích cho chuyện vì tính cách của chủ nhân cũng như kiến trúc sư công trình thế này nên sinh ra hình thức kiến trúc thế kia. Bản thân người Hà Nội thường khiêm nhường và không thích lên gân. Họ ưa những gì hài hòa, thanh lịch và tinh tế, dù thanh lịch tất nhiên không phải chỉ có mỗi ở vùng đất Tràng An. Điểm chung nhất trong tính cách Hà Nội đi cùng với sự tinh tế cũng chính là chiều sâu của cảm xúc”, KTS. Lê Phước Anh nói.

Tuy nhiên anh cũng lưu ý, khái niệm người Hà Nội được đề cập không phải chỉ liên quan đến những người sinh ra trong khu 36 phố phường. Người Hà Nội ở đây cũng bao gồm cả những người con từ nơi khác đến, bị thu hút bởi vẻ hấp dẫn của vùng đất Thủ đô với những sự giao thoa văn hóa Đông - Tây đã làm họ thay đổi phong cách sống.

TIN LIÊN QUAN
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
(Ngày Nay) - Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp công bố Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”.
Tại Nhật Bản, ước tính hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp cả nước.
Nhật Bản: Tương lai bấp bênh của các làng nghề truyền thống
(Ngày Nay) - Nhật Bản hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng nhiều làng nghề truyền thống của xứ sở mặt trời mọc sẽ vĩnh viễn bị “xoá sổ”.