Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau

Vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện các công trình mang dấu ấn của thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên, những người được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng. Hình thái kiến trúc mang tính chuyển tiếp nói trên không chỉ làm thay đổi diện mạo của đô thị nghìn tuổi, mà còn ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi tâm thức Việt với vị thế nhất định, dần hòa quyện với kiến trúc phương Tây để tạo những di sản ấn tượng.

_____

Những công trình kiến trúc không chỉ minh chứng cho sự tài hoa và tâm huyết của thế hệ kiến trúc sư đầu tiên, mà còn là ký ức sống động về một thời đại. Bảo tồn và phát huy giá trị khối di sản nói trên là một sứ mệnh thiêng liêng để gìn giữ tâm hồn và tinh hoa dân tộc.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau ảnh 1

Với cái nhìn xuyên suốt lịch sử quy hoạch Thủ đô Hà Nội, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho biết: “Đặc trưng của phong cách quy hoạch đô thị thời kỳ Pháp thuộc, đặc biệt với Hà Nội, là bên cạnh các yếu tố Tây phương còn có sự kết hợp yếu tố khí hậu, địa hình bản địa, làm nền tảng tạo ra phong cách kiến trúc mới”.

Trong diện mạo tổng thể đô thị, những kiến trúc sư người Pháp và sau này có sự tham gia của người Việt đã nghiên cứu rất kỹ, đưa cảnh quan, đường phố đi theo những nhịp điệu không gian.

Ví dụ trong các tuyến phố Pháp họ đưa vào các biệt thự kiểu Pháp với phong cách địa phương, hình thái kiến trúc Đông Dương và các công trình đi theo chủ nghĩa hiện đại. Ngoài nhịp điệu kiến trúc còn có nhịp điệu cây xanh, nhịp điệu giao thông, nhịp điệu vỉa hè… tất cả đã tạo nên bản tổng phổ sống động của đô thị Hà Nội thế kỷ XX.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau ảnh 2

Đi sâu vào phân tích không gian đô thị, KTS. Lê Phước Anh khẳng định kiến trúc là câu chuyện của đời sống. Tại Hà Nội, những kiến trúc công quyền hoành tráng là kết quả từ đơn đặt hàng của chính quyền thực dân, điểm xuyết trong đô thị như những nốt cao trào, điểm nhấn của bản nhạc chung.

Tuy nhiên, ở một âm độ khác, sự xuất hiện của các kiến trúc bình dân được xây dựng một cách dày đặc, đa sắc đã tạo nên mảng miếng của tinh thần Việt. Dù không phải lúc nào cũng có cao trào nhưng chúng mang tính đặc trưng, đại diện bởi số lượng, phạm vi, quy mô và sự gần gũi với đời sống người dân.

“Các công trình công nhấn mạnh vào ý chí của chính quyền. Còn những nếp nhà bình dân nhiều, nhỏ, do người dân tự xây dựng dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm mà không cần đến kiến trúc sư mới là thứ phản ánh chân thực bản sắc đô thị”, KTS. Lê Phước Anh phân tích.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau ảnh 3

Quay lại câu chuyện bảo tồn hình thái kiến trúc tiêu biểu cho tinh thần của thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên, KTS. Lê Thành Vinh chia sẻ, trên thực tế, vì chưa nhận thức đầy đủ nên nhiều người bị ràng buộc bởi quy định, thậm chí là thói quen của xã hội. Ví dụ khi làm dự án trên một khu đất, những kiến trúc được công nhận là di sản sẽ được khoanh lại để bảo tồn, không thuộc di sản thì bị phá hết. Cần khẳng định đây là thói quen bình thường và đúng luật.

Thói quen trên không chỉ dừng lại ở đại chúng mà còn đang có trong các nhà quản lý, trong khi xã hội yêu cầu lực lượng này cần cái nhìn tổng thể hơn. Nghĩa là trong tổng thể như thế, người quản lý cần nhìn nhận mỗi thực thể có giá trị như thế nào và cho phép như thế nào? Bởi ngay cả việc trao hay không trao danh hiệu đã từng tạo nên rất nhiều tranh luận trong xã hội do cách tiếp cận chưa phù hợp.

“Ở lĩnh vực văn hóa, di sản, nếu quá lệ thuộc vào các khuôn khổ, quy định pháp lý là tự mình đang bị bó buộc trong tư duy của mình. Trong khi những quy định, khuôn khổ luôn luôn chưa hoàn bị và vô cùng hữu hạn so với sự thật khách quan bên ngoài. Cho nên khi tiếp cận với vấn đề người làm quản lý cần suy nghĩ, xem xét, không phải cứ đúng pháp lý là đã đạt được sự thấu đáo”, KTS. Lê Thành Vinh chia sẻ kinh nghiệm.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau ảnh 4

Các công trình công tuy thuộc về nhà nước nhưng quyền quản lý, quyết định lại theo phân cấp địa phương. Trong trường hợp Tháp nước Hàng Đậu, có thể thấy rất may mắn khi công trình này nằm biệt lập ở giao điểm bốn tuyến phố Hàng Đậu - Hàng Cót - Quán Thánh - Hàng Than nên gần như được giữ nguyên trạng, dễ dàng cho các hoạt động tiếp cận của Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023.

Cũng trong tuần lễ văn hóa trên, những không gian xuống cấp, dường như bị bỏ quên như Nhà máy xe lửa Gia Lâm vẫn cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản, đủ sức truyền cảm hứng cho giới trẻ và các nghệ sĩ và hé lộ khả năng của những không gian chưa được nhận diện. Những ví dụ trên cho thấy những không gian hoang tàn như vậy nhưng nếu biết khơi dậy thì vẫn trở thành một không gian sáng tạo đầy hấp dẫn.

Ở đây cần thấy rằng nguồn lực của xã hội là rất lớn, cần tầm nhìn để khai mở chúng. Ở góc độ thực tế, nhiều người cho nói để phát huy hết hệ thống kiến trúc được xếp hạng đã không đủ tiềm lực, rất khó để quan tâm đến những công trình khác.

“Nhưng khi Hà Nội kêu gọi và tổ chức lễ hội sáng tạo, trên 200 đơn vị và nhà sáng tạo đã tự nguyện tham gia bởi họ cảm thấy có một sự thôi thúc và sẵn lòng đóng góp sức sáng tạo của mình. Từ một khu vực hoang tàn biến thành không gian đương đại thu hút nhiều lứa tuổi đến vui chơi, giải trí. Có thể nói, vốn quý nhất chúng ta có trong công cuộc bảo tồn di sản chính là nguồn lực xã hội”, KTS. Lê Thành Vinh nhấn mạnh.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau ảnh 5

Nhận định về tương lai của các loại hình kiến trúc đang bị bỏ quên nói chung và di sản kiến trúc của thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên nói riêng, với quan sát cá nhân, KTS. Lê Phước Anh cho biết trong môi trường giáo dục, anh nhận thấy có nhiều ngôi trường, ngành học đào tạo về bảo tồn di sản kiến trúc nhưng thiếu các học phần về lịch sử nghệ thuật và sâu hơn là lịch sử kiến trúc. Điều này rất đáng quan ngại vì đó là nền tảng cơ bản để thế hệ những người quản lý, bảo tồn tiếp theo có thể nhận diện, từ đó gìn giữ di sản.

“Đang có một thực tế là chính các sinh viên ngành Kiến trúc, Quản trị đô thị hay Di sản hiện nay thường không phân biệt được các công trình cổ và giả cổ. Khả năng nhận diện này cần được trau dồi từ trải nghiệm sống hoặc có sự đào tạo một cách bài bản về lịch sử nghệ thuật vì đây là một tri thức không dễ tiếp nhận”, KTS. Lê Phước Anh nói.

Bổ sung thêm ý kiến trong lĩnh vực đào tạo, nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Có rất nhiều câu chuyện dài về kiến trúc Việt Nam nhưng tổng hợp lại, cần nhấn mạnh ý niệm về văn hóa là cái gốc rất quan trọng. Nếu sở hữu sự hiểu biết về văn hóa thì chúng ta sẽ đạt được cái nhìn thấu đáo hơn”.

Trả lời câu hỏi về sự lãng quên đang xảy ra đối với một số di sản kiến trúc tại Hà Nội, liệu có cách thức nào để bảo tồn và trao truyền những giá trị quý báu đó tới thế hệ tương lai, KTS. Lê Thành Vinh chia sẻ sau những lần sửa đổi, Luật Di sản văn hóa đang dần hoàn bị hệ thống khung pháp lý với những di sản được xếp hạng. Ở khía cạnh những công trình chưa được xếp hạng, trong Luật Kiến trúc 2019, Khoản 5 Điều 3 đã có sự xuất hiện của khái niệm "công trình kiến trúc có giá trị".

Cụ thể, “công trình kiến trúc có giá trị” được hiểu là những công trình kiến trúc tiêu biểu, đáng chú ý, có giá trị đáng kể về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khái niệm này có tác dụng lấp được khoảng trống lớn về những kiến trúc có giá trị nhưng chưa hoặc không bao giờ được xếp hạng theo tham chiếu của di sản.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 5: Bảo tồn cho mai sau ảnh 6

Dù hiện nay còn rất ít người để ý đến điểm này trong luật nhưng đây là điều khoản quan trọng. Hiện các địa phương đã thực hiện công tác kiểm đếm các công trình có giá trị trong phạm vi quản lý. Nhận thức này về lâu dài cần ăn sâu vào suy nghĩ của các cấp và người dân, để mọi người có thể tự nhìn nhận giá trị của các kiến trúc và có cách ứng xử khác. Đây là một điều khoản được các bên liên quan đánh giá là hay và cởi mở.

“Có thể thấy mỗi công trình kiến trúc đều là một yếu tố và có tầm quan trọng riêng trong tổng phổ đô thị. Cần thận trọng trong cách nhìn nhận khi đứng trước quyết định nên giữ hay nên phá. Đừng chờ đợi danh hiệu bởi thực tế đã có nhiều bài học cho thấy dù đã xếp hạng những di tích vẫn có thể bị lãng quên”, KTS. Lê Thành Vinh kết lại.

TIN LIÊN QUAN
Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Nhóm nhạc BTS tại Lễ khởi động sáng kiến "Love Myself" của UNICEF tại Hàn Quốc. Ảnh: UNICEF
Gặp gỡ fan BTS đứng sau blog gây quỹ được gần 1 tỷ đồng ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
(Ngày Nay) - Trong những ngày qua, cộng đồng fan nhóm nhạc BTS tại Việt Nam (V-ARMY) đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của tình yêu và sự đoàn kết. Chiến dịch quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ nhiều blog, fanpage đã thành công ngoài mong đợi khi con số tổng cộng vượt 1,2 tỷ đồng.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương về khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về khắc phục hậu quả bão Yagi
(Ngày Nay) - Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.