Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản

Vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện các công trình mang dấu ấn của thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên, những người được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng. Hình thái kiến trúc mang tính chuyển tiếp nói trên không chỉ làm thay đổi diện mạo của đô thị nghìn tuổi, mà còn ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi tâm thức Việt với vị thế nhất định, dần hòa quyện với kiến trúc phương Tây để tạo những di sản ấn tượng.

_____

Câu chuyện về một hình thái kiến trúc lưu chứa bản sắc thị dân Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX chưa được quan tâm xứng tầm đã gợi mở khoảng trống trong nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Thủ đô.

Để có thêm góc nhìn cho vấn đề này, phóng viên Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản ảnh 1

Thưa KTS. Lê Thành Vinh, là người từng đứng đầu cơ quan về bảo tồn di tích trong cả nước, ông có thể cung cấp một vài nhận thức về câu chuyện bảo tồn, nhận diện và phát huy giá trị di sản?

KTS. Lê Thành Vinh: Có thể nói câu chuyện nhận diện, bảo tồn di tích, di sản và phát huy giá trị là vấn đề rất phức tạp, có thể có rất nhiều nhánh với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mặc dù đã có Luật Di sản văn hóa và hệ thống lý thuyết hỗ trợ nhưng người trong ngành chúng tôi vẫn thường nói vui rằng: “bảo tồn là một ngành khá vô định”. Chính vì không chỉ có một cách thức duy nhất nên thường tạo ra tranh luận mỗi khi xuất hiện một dự án bảo tồn.

Liên quan đến góc độ di sản bị bỏ quên, luôn cần một tư duy và cách đi đúng, có thể gọi là tư duy mở trong nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tại sao phải mở? Vì nếu không mở, những người làm quản lý, bảo tồn không thể nhìn nhận toàn diện vấn đề và hệ quả tất nhiên sẽ là sự bỏ quên.

Một điều nữa là cần có một cách nhìn nhận, đánh giá cả những công trình, thực thể không nổi bật trong lòng đô thị. Đây là điều rất quan trọng, chi phối cách thức, quan niệm của những người quản lý bởi di sản nổi bật thường rất dễ thấy, dễ xác định. Nhưng có rất nhiều di sản giá trị nhưng lại không sở hữu vẻ ngoài to lớn, hoành tráng, khiến người ta dễ lướt qua vì cho rằng nó không quan trọng. Cũng cần hạn chế cách đánh giá so sánh công trình A quan trọng hơn công trình B, mà cần nhìn vào một tổng thể đô thị, ở đó A có giá trị của A, B có giá trị của B.

Điều này giúp những người làm bảo tồn và hệ thống từ nhà quản lý tới cộng đồng thay đổi quan niệm, nhìn nhận di sản một cách tổng hòa và bao dung hơn. Không phải lúc nào cũng chỉ chú mục vào những công trình vĩ đại. Mỗi công trình đều có đóng góp vào tổng thể chung của thành phố.

Cho nên vấn đề nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần đến cái nhìn xuyên suốt, thấu đáo, hai mặt, không dừng lại ở chỗ phiến diện. Cần biết nhìn vào những điều còn đang ẩn mình, tưởng như lu mờ, bị che phủ bởi thời gian. Đó là cái nhìn tiệm cận với nhận thức về di sản của các học giả văn hóa trên thế giới.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản ảnh 2

Cách tiếp cận nói trên có thể soi chiếu những vấn đề nào trong công tác bảo tồn các di sản kiến trúc ở Thủ đô Hà Nội, thưa ông?

KTS. Lê Thành Vinh: Sau khi hiểu cách tiếp cận nói trên mới có thể đi vào những điều cụ thể trong công tác bảo tồn, như ở đây là bảo tồn các di sản kiến trúc.

Theo đó, kiến trúc không bao giờ được đứng một mình, đây là quy luật căn bản trong ngành nghề của chúng tôi. Những thứ gì đứng một mình không thể gọi là kiến trúc, nó chỉ là một thực thể hiện lên. Bản chất của kiến trúc là luôn phải có tổng thể, tuy nhiên tổng thể này có lớn có bé. Ví dụ bản thân một ngôi chùa đã là một tổng thể rồi, nói đến đô thị thì tổng thể này càng rõ hơn.

Trong tổng thể đó, mỗi công trình, hạng mục, yếu tố đều có vai trò của chúng. Tất cả những thành phần này cần được hiểu rộng hơn là thành phần nằm trong hệ sinh thái tự nhiên - xã hội. Trước đây là hệ sinh thái tự nhiên, khi con người kiến tạo nên các đô thị thì tạo ra hệ sinh thái xã hội.

Kiến trúc là một thành phần của cả hệ sinh thái tự nhiên - xã hội. Hai hệ sinh thái này lồng ghép với nhau, tạo thành hệ sinh thái theo nghĩa rộng mà bây giờ chúng ta đang sinh sống, hoạt động trong đó. Mỗi một công trình là một nhân tố trong hệ sinh thái, nhìn kiến trúc cần nhìn một cách tổng thể như vậy mới thấy sự khách quan và thuyết phục.

Bởi nếu tự nhiên tôi bảo không nên phá cột đèn hay ngôi nhà kia vì tôi thấy nó đẹp, chắc chắn sẽ tạo ra tranh luận. Trong khi tiếp cận theo hướng tổng thể của kiến trúc trong đô thị, mọi người dễ hiểu một bộ phận như ngôi nhà nhỏ sẽ có giá trị gì.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản ảnh 3

Tuy nhiên, việc thay đổi cách tiếp cận để nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc liệu đã có thể cải thiện hoàn toàn vấn đề?

KTS. Lê Thành Vinh: Một điểm nữa khiến người ta rất hay bị lệ thuộc là vấn đề danh hiệu. Biểu hiện cụ thể của nó là Luật Di sản văn hóa, các thang bậc trong xếp hạng di tích, danh sách kiểm kê di sản… Nhưng về mặt bản chất thì các danh hiệu chỉ là chiếc áo ngoài của di sản, được chúng ta khoác lên. Còn giá trị của kiến trúc, những yếu tố phi vật thể… là những tồn tại khách quan.

Chúng ta có thể gọi tên, xếp hạng di sản thế nào cũng được nhưng việc đó không đồng nghĩa rằng đã có thể nhìn nhận được tất cả giá trị của di sản. Giá trị của di sản là những yếu tố tồn tại khách quan, không thể nói vì chưa xếp hạng nên không thể xử lý hay bảo vệ di sản. Càng không thể lấy lý do vì di tích này được xếp hạng thì nên giữ, kiến trúc kia không được xếp hạng thì có thể phá đi.

Cần hiểu những hệ tiêu chí là do con người đặt định theo một khuôn khổ hay thể thức nào đó. Những yếu tố không nằm trong hệ tiêu chí đó sẽ được tính đếm theo hệ tiêu chí khác. Đừng nên quá lệ thuộc nhận thức của mình vào các khuôn khổ. Danh hiệu hay xếp hạng ở đây chỉ để điều chỉnh cách ứng xử của chúng ta với các di sản.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản ảnh 4

Ông có thể cung cấp một vài ví dụ cho thấy việc chưa được công nhận hoặc xếp hạng tạo ra khó khăn trong việc bảo tồn di sản?

KTS. Lê Thành Vinh: Có rất nhiều những ví dụ như vậy. Gần đây nhất có thể kể đến công trình Tháp nước Hàng Đậu. Từng có vị lãnh đạo trả lời muốn làm gì phải chờ công trình được xếp hạng. Nhưng tại sao cần phải chờ khi các nguồn lực xã hội đã có thể giúp di sản “sống dậy” và phát huy giá trị mạnh mẽ như trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 vừa qua.

Phân tích trường hợp Tháp nước Hàng Đậu, có thể thấy đây là một công trình công may mắn nằm biệt lập với những công trình khác ở trung tâm Hà Nội. Nhờ vậy công trình hầu như vẫn giữ nguyên vẹn trạng thái ban đầu. Bên cạnh đó, tháp nước nằm trong một hệ sinh thái di sản với phía trên là cầu Long Biên, đầu còn lại là Hoàng thành Thăng Long và nhiều địa điểm lịch sử khác. Công trình đặc biệt dễ tiếp cận với giao thông thuận tiện.

Với tất cả những điều kiện thuận lợi như vậy nhưng trong nhiều năm trời chúng ta không làm thì chính là đang bỏ quên nó. Bỏ quên ở đây không cứ là sự phá hủy, mà việc hạn chế tiếp cận, không tạo sức bật cho di sản để chúng tiếp tục sống, nuôi dưỡng và lưu truyền ký ức cho cộng đồng chính là sự bỏ quên.

Sự bỏ quên không chỉ diễn ra với những kiến trúc không được xếp hạng, mà có thể xảy ra với cả những di tích đặc biệt. Ví dụ, Lăng Hoàng Cao Khải (Thái Hà, Hà Nội) là một trong số các di tích được xếp hạng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1962. Đây là công trình kiến trúc đá duy nhất hiện tồn tại Thủ đô Hà Nội, khá nguyên vẹn và mang nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật.

Sau khi có sắc lệnh về bảo tồn cổ tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động thái của những người làm quản lý di sản đầu tiên là xếp hạng 62 di tích trong toàn quốc. Trong danh sách năm đó đó có Văn Miếu, Thành Cổ Loa, Lăng Hoàng Cao Khải… Tuy nhiên hiện trạng của Lăng Hoàng Cao Khải đã bị xâm hại rất nhiều khi người dân tràn vào ở và tự ý cơi nới, xây sửa ngay trên khu di tích.

Qua đây có thể thấy câu chuyện nằm ở khía cạnh nhận thức và tư duy vì công trình đã được công nhận từ rất lâu rồi, cũng không vướng víu gì cả nhưng vẫn bị bỏ quên. Và sự bỏ quên trên những di sản được trao danh hiệu càng là một sự bỏ quên vĩ đại!

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản ảnh 5

Thưa KTS. Lê Thành Vinh, ông có thể chia sẻ sự quan tâm đối với các di sản do thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam để lại. Theo ông, liệu có một dòng chảy của tâm thức Việt hòa trộn cùng sự tiếp biến văn hóa thể hiện trong những ngôi nhà trong Khu phố Mới của Hà Nội?

KTS. Lê Thành Vinh: Chắc chắn là có dòng chảy nói trên, với cơ sở đi ra từ chính nhận thức của con người. Mỗi kiến trúc sư khi theo đuổi ngành nghề được đào tạo, đến một thời điểm nào đó, khi họ trang bị đầy đủ các kỹ thuật, tiếp thu kiến thức văn minh, họ sẽ bắt đầu sáng tạo ra những công trình mang chất riêng của mình.

Mỗi con người có tiềm thức của họ. Khi là người Việt, họ thừa hưởng nền văn hóa và những tâm thức mang đậm màu sắc Việt Nam. Tiềm thức và bồi tụ văn hóa này sẽ được thể hiện một cách tự nhiên trên những bản thiết kế, dung hòa với những kiến thức, kỹ thuật phương Tây được học. Và tác phẩm ra đời sẽ là sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa Việt - Pháp.

Đáng tiếc là hiện nay chúng ta vẫn chưa nhìn nhận công trình của các cụ một cách hệ thống, tìm ra những điểm vượt trội khỏi tư duy phương Tây của thế hệ kiến trúc sư này. Bởi cho đến ngày nay công trình của các cụ vẫn là những điển mẫu nằm trong giáo trình của sinh viên các trường kiến trúc, xây dựng. Bên cạnh sự đào tạo theo mô thức phương Tây, các cụ vẫn vẽ, vẫn tạo ra những không gian thấm đẫm ký thức của người Việt, thể hiện những suy ngẫm của dân tộc.

Chưa kể trong những công trình đó, một số kiến trúc sư Việt Nam thời bấy giờ đã cố ý đưa chất Việt vào để phản ứng với sự áp đặt của người Pháp. Chúng ta có thể thấy rất nhiều biệt thự người Việt vẽ có dáng dấp của kiến trúc cổ truyền cùng các họa tiết dân tộc như một dấu chỉ của tinh thần Việt.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 2: Tiếp cận mở để không bỏ quên di sản ảnh 6

Việc ít người quan tâm đến góc độ kiến trúc này cũng cho thấy đang có sự bỏ quên rất đáng lưu tâm. Giá trị của lớp kiến trúc này không chỉ nằm ở tính thẩm mỹ, sự mới mẻ mà còn vì chúng ánh xạ được tinh thần của những người Việt đang muốn khẳng định mình, khẳng định cá tính dân tộc. Chỉ riêng điều này thôi đã đủ để các công trình trở thành hệ di sản kiến trúc quan trọng của Hà Nội.

TIN LIÊN QUAN
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
(Ngày Nay) - Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp công bố Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”.
Tại Nhật Bản, ước tính hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp cả nước.
Nhật Bản: Tương lai bấp bênh của các làng nghề truyền thống
(Ngày Nay) - Nhật Bản hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng nhiều làng nghề truyền thống của xứ sở mặt trời mọc sẽ vĩnh viễn bị “xoá sổ”.