Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa

Vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện các công trình mang dấu ấn của thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên, những người được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng. Hình thái kiến trúc mang tính chuyển tiếp nói trên không chỉ làm thay đổi diện mạo của đô thị nghìn tuổi, mà còn ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi tâm thức Việt với vị thế nhất định, dần hòa quyện với kiến trúc phương Tây để tạo những di sản ấn tượng.

_____

Trong những năm đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của thế hệ các kiến trúc sư bản địa được đào tạo chuyên nghiệp đầu tiên đã phần nào khúc xạ tâm tư, tình cảm của người Việt vào các kiến trúc tân kỳ được xây dựng rộng khắp tại Hà Nội.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa ảnh 1

Sinh ra và lớn lên giữa khối di sản kiến trúc của Hà Nội, KTS. Lê Phước Anh, Trưởng khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học Bền vững, Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn giữ trong lòng những ký ức quý báu về người ông - KTS. Tạ Mỹ Duật. Nhà kiến trúc sư tài ba không chỉ tác động đến người cháu trai mà còn là một người thầy, nguồn cảm hứng lớn lao trong sự nghiệp của nhiều thế hệ kiến trúc sư kế cận.

Nhớ lại thời thơ ấu bên người ông đáng kính, KTS. Lê Phước Anh cho biết anh thỉnh thoảng được ông chở xe đạp dạo quanh phố phường Hà Nội và nghe chia sẻ về những triết lý kiến trúc đậm chất Á Đông mà ông và những người cộng sự đã thiết kế.

KTS Lê Phước Anh luôn trân trọng những kiến trúc giản dị nhưng tinh tế mà thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên đã kiến tạo. Những ngôi nhà duyên dáng với hàng hiên rộng rãi và thanh thoát, các biện pháp chống nóng sáng tạo… nói lên rất nhiều về sự khéo léo và tâm huyết của các kiến trúc sư thời đó. Không chỉ là những công trình kiến trúc, đây còn là những biểu tượng của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Những ký ức này luôn là động lực để anh tiếp tục sáng tạo và giữ vững những giá trị văn hóa, tinh thần mà người ông và lớp kiến trúc sư thế hệ trước để lại.

Cuốn sách “Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam ấn hành đã nhận định, các kiến trúc sư tiêu biểu như Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp và Tạ Mỹ Duật… đã mở ra một giai đoạn mới của nền kiến trúc Việt Nam. Với tư duy sáng tạo dựa trên phương pháp kỹ thuật tiếp thu từ nền kiến trúc phương Tây, các kiến trúc sư nói trên đã đóng góp nhiều công trình quan trọng, trở thành di sản trao truyền tới thế hệ mai sau.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa ảnh 2

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, TS. Tạ Thị Hoàng Vân, Phó Giám đốc Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia, cho biết rất nhiều công trình nhà ở và biệt thự đã được thiết kế tại Hà Nội sau những năm 30 của thế kỷ XX. Hình khối không gian mà chi tiết công trình được nghiên cứu công phu theo hướng bản địa hóa. Bộ mái là một điểm nhấn và cũng được xử lý rất thành công theo hình thức dân tộc.

Từ mái chính mái che hàng hiên trước, mái tiền sảnh và mái che cửa sổ… đều có độ vươn khá lớn so với những ngôi nhà mặt tiền, nên những ngôi nhà có khả năng chống nắng và mưa hắt rất tốt. Việc sử dụng con sơn gỗ đã khá phổ biến. Những khai thác góc mái cong (góc đao trong kiến trúc đình, chùa Việt Nam) lại tạo thành đầu đao ở các góc mái thuần Việt.

“Các biệt thự do lớp kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thiết kế đã thể hiện thành công, tạo ra bước tiến quan trọng cho kiến trúc Việt. Rất nhiều biệt thự phân bố xung quanh khu vực hồ Thiền Quang, nơi tập trung chủ yếu các công chức người Việt, những người hành nghề tự do như luật sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ”, bà Vân cho biết.

Có thể nói, vào thời gian này, cảm hứng về một ngôi nhà mang đậm chất dân tộc về mặt hình thức, cũng như tạo ra sự tương thích giữa ngôi nhà với khí hậu Hà Nội là một phần động lực đối với các thế hệ kiến trúc sư đầu tiên, giúp họ có được các tác phẩm đầu tay đầy lý thú.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa ảnh 3

Trong nghiên cứu về sự hình thành của đô thị Hà Nội, PGS.TS Phan Phương Thảo, Phó chủ nhiệm bộ môn Lý luận Sử học, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xác định Khu phố Tây ở Hà Nội gồm 74 tuyến phố trên tổng số hơn 150 phố được xây dựng xuyên suốt thời kỳ Pháp thuộc.

74 tuyến phố này phân phối khá rõ rệt thành hai khu vực. Với Khu vực I nằm ở phía Tây khu ba mươi sáu phố phường, chủ yếu gồm các tuyến đường hình thành xung quanh khu vực Hoàng thành Thăng Long, hiện tại thuộc về địa giới của quận Ba Đình.

Khu vực II nằm ở phía Nam và Đông Nam của Khu phố Cổ, phân bố ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm rồi mở rộng dần xuống phía Nam, phát triển sang hướng Đông Nam. Về phía Nam, có thể hình dung các tuyến phố này được quy hoạch kiểu bàn cờ với trục Đông - Tây là các tuyến phố chính như Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du…

Theo KTS. Lê Phước Anh, khu phố phía Nam hồ Hoàn Kiếm , đoạn từ các phố Nguyễn Du - Hàn Thuyên trở xuống khu vực hồ Thiền Quang, các phố Bùi Thị Xuân, Hàng Chuối… trong thời kỳ Đông Dương là khu vực sinh sống tập trung của giới công chức người Việt. Đặc điểm của những ngôi nhà dành cho tầng lớp này thường là những biệt thự được xây liền kề hoặc song lập với sân vườn bao quanh phía trước và một bên hông.

Các kiến trúc sư Việt Nam thế hệ đầu tiên đã thiết kế những ngôi nhà này khá xinh xắn, lý tưởng. Chiều cao của các ngôi nhà không quá ba tầng, tạo nên một không gian sống vừa phải, phù hợp với chiều rộng của những mặt phố có bề ngang từ 3 - 6m.

“Những khoảng chuyển tiếp từ nhà đến tường rào, kết hợp với hàng cây xanh ở góc phố tạo ra một khu đối lưu không khí rất tốt. Chưa kể hồ Thiền Quang cũng mang đến cảm giác thoáng đãng , dễ chịu, phù hợp với đời sống và tinh thần của người Việt”, ông Phước Anh phân tích.

Về sự hình thành khu phố mới của tầng lớp công chức người Việt, William S. Logan, người từng có thời gian gắn bó với Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Quỹ Di sản và quy hoạch của UNESCO, lý giải khu vực Hồ Bảy Mẫu phía Nam Khu phố Tây từng rất phát triển từ những năm đầu thập niên 20 cho đến những năm cuối thập niên 30. Đó là hệ quả của chương trình quy hoạch do KTS. Ernest Hébrard, Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp khởi xướng.

Trong một phiên họp của hội đồng thành phố vào tháng 2/1930, sự mở rộng về phía Nam của Hà Nội từng được Hébrard diễn tả là “nhằm để trở thành khu vực nếu không phải đẹp nhất thì cũng là vui thích nhất trong thành phố”.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa ảnh 4

Trên thực tế, việc tạo ra Khu phố Mới ở phía Nam bao gồm việc xử lý hai hồ nước, một hồ rất rộng là hồ Bảy Mẫu và hồ nhỏ hơn là hồ Thiền Quang. Hai hồ ngăn cách nhau bởi một khu cây cối rậm đan xen với phố xá. Những bãi cỏ viền xung quanh hồ tạo thành nơi rộng rãi để dạo chơi duy nhất trong trung tâm thành phố Hà Nội. Từ khoảng đầu thập niên 30, khu vực này đã trở thành nơi lưu trú chính của tầng lớp trung lưu trí thức làm việc cho chính quyền thực dân và những doanh nghiệp tư nhân.

Nhận xét về cảm hứng kiến trúc, Logan chỉ ra rằng tầng lớp công chức Việt thời kỳ đó đã ở trong những ngôi nhà hai tầng có mặt bằng hình chữ L kèm sân nhỏ xây theo phong cách chuyển tiếp của những năm 1930. Đó là phong cách pha trộn giữa tính chất cổ điển và trào lưu Art Deco từng phát triển rất mạnh mẽ. Đây là phong cách kiến trúc thịnh hành trong những năm 1925 đến 1939, thuộc trường phái mỹ thuật hiện đại, có sử dụng những yếu tố cổ truyền. Những thiết kế Art Deco thường có những hình khối đường nét hình học đơn giản, phẳng nhẵn, sử dụng bê tông cốt sắt và lắp kính.

“Khu tập trung những kiến trúc nhà ở đó thể hiện một bộ phận có ý nghĩa lớn của di sản kiến trúc Hà Nội trong thế kỷ XX. Nhận định này đi ra từ việc nó ít lệ thuộc vào những ý tưởng thiết kế của Hébrard. Trên thực tế, việc đưa vào áp dụng phần lớn những ý tưởng Hébrard đã bị chặn lại bởi cuộc Đại suy thoái vào năm 1929 và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Đông Dương trong những năm 1931-1935”, Logan lập luận.

Phải chăng chính từ dấu mốc này, những công trình hào nhoáng, xa xỉ đi ra từ ý thức hệ thực dân đã dần lùi bước để nhường chỗ cho tinh thần Việt? Cũng chính từ đây, lối kiến trúc khiêm nhường nhưng tiện nghi, phù hợp với thổ nhưỡng và cư dân bản địa có dịp thấm đượm vào từng con phố của Hà Nội?

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa ảnh 5

Trong năm 2023, cuốn sách “Kiến trúc Pháp – Đông Dương – Những viên ngọc quý tại Hà Nội” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xuất bản được ra mắt đã tiếp tục để lại những suy tư về di sản kiến trúc Hà Nội trong một bộ phận những kiến trúc sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu có nhiều năm theo dõi, gắn bó với lĩnh vực này.

Từ góc nhìn cá nhân, KTS. Lê Phước Anh cho biết, có thể thấy rõ một nhận thức rằng những kiến trúc được coi là đại diện cho thời kỳ Đông Dương, làm nên hồn cốt của đô thị cận đại Hà Nội phần lớn đang được nhắc đến nhiều thường là những kiến trúc công quyền hoành tráng, đi ra từ ý chí của chính quyền thực dân.

Các công trình kiến trúc công, những tòa nhà lớn có giá trị nhưng cần nhìn nhận rằng loại hình kiến trúc đó cũng chỉ là một phần làm nên bản tổng phổ kiến trúc Hà Nội. Việc quá chú trọng vào những hình thái kiến trúc vốn đã được bảo tồn rất tốt vô hình trung lại tạo ra sự lãng quên đối với những hình thái kiến trúc khác.

Đó chắc chắn là những kiến trúc có giá trị, nhưng cần nhìn nhận rằng những kiến trúc này cũng chỉ là một phần của bản tổng phổ kiến trúc Hà Nội trong thế kỷ XX. Việc quá quan tâm vào loại hình kiến trúc vốn đã được bảo tồn tương đối tốt này vô hình trung tạo ra sự lãng quên với những hình thái kiến trúc khác.

Theo đó, vẫn có một hình thái kiến trúc chưa được quan tâm xứng tầm trong khối di sản kiến trúc ở Hà Nội, nhưng chúng lại là những công trình đại diện cho đời sống và tinh thần của người dân Thủ đô trong một giai đoạn.

Các công trình này có thể là những cửa hiệu, nhà phố tư gia, biệt thự nhỏ nhưng phản ánh sinh hoạt thường ngày, những giá trị thẩm mỹ và quan niệm về một nếp sống mới được hình thành vào thời kỳ những năm 20, 30 của thế kỷ trước. Tuy quy mô khiêm tốn và hiếm khi gây chú ý đặc biệt nhưng thông qua hình thái kiến trúc này ta có thể nhận ra bản sắc, tính cách đặc trưng của một lớp người Hà Nội từng tồn tại trong quá khứ.

Di sản kiến trúc hiện đại - Tâm hồn bị lãng quên của Hà Nội - Bài 1: Bản sắc Việt giữa giao lộ văn hóa ảnh 6

“Đã có những nghiên cứu được thực hiện về hình thái kiến trúc mang dấu ấn của lớp dân cư nói trên và thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam, nhưng chúng chưa đầy đủ và cũng chưa tạo ra nhiều quan tâm. Ngoài ra, suy nghĩ nghiên cứu bản sắc Hà Nội với sự tập trung quá nhiều vào những công trình công quyền quy mô lớn cũng cần xem xét lại. Bởi những kiến trúc lớn thường không phản ánh chân thực văn hóa cộng đồng, mà điều đó nằm ở những kiến trúc nhỏ với số lượng đông đảo do người dân tạo nên để phục vụ cho chính cuộc sống hàng ngày của họ. Đặc biệt trong bối cảnh ngày nay, đây lại là những kiến trúc đang đối mặt với nhiều nguy cơ, dễ dàng bị xóa bỏ bởi chưa có chính sách bảo tồn phù hợp”, KTS. Lê Phước Anh nhấn mạnh.

Kiến trúc hiện đại là một phong cách kiến trúc xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX nhằm phản ứng lại các ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển. Phong cách này tập trung vào sự đơn giản, loại bỏ các chi tiết trang trí cầu kỳ và sử dụng các vật liệu mới như kính, thép và bê tông.

Theo đó, “di sản kiến trúc hiện đại” là một khái niệm rộng lớn bao hàm nhiều thành tố. Trong bối cảnh của Hà Nội, khái niệm này có thể sử dụng để nhắc tới các hình thái kiến trúc xuất hiện từ trước năm 1945 cho tới thời kỳ Đổi Mới. Dù vậy, trong khuôn khổ bài viết, khái niệm di sản kiến trúc hiện đại được dùng để chỉ về các công trình kiến trúc được xây dựng trước năm 1945, do thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thiết kế.

TIN LIÊN QUAN
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
(Ngày Nay) - Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp công bố Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”.
Tại Nhật Bản, ước tính hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp cả nước.
Nhật Bản: Tương lai bấp bênh của các làng nghề truyền thống
(Ngày Nay) - Nhật Bản hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng nhiều làng nghề truyền thống của xứ sở mặt trời mọc sẽ vĩnh viễn bị “xoá sổ”.